Phát bệnh vì tranh thêu chữ thập

Ngày 11/04/2013 11:40 AM (GMT+7)

Mới đầu là theo hiệu ứng đám đông kiểu “hay hay thì làm”, làm rồi, nhiều chị em mê mẩn tranh thêu chữ thập tưởng chừng không dứt được.

Chỉ đến khi thấy mỏi mắt, đau lưng, lòi dom... thì chị em mới tá hỏa mình đang phát bệnh chỉ vì mê thêu.

Mê quá khó bỏ


Tình cờ được bạn giới thiệu, chị Nguyễn Thị Mỹ Anh, 30 tuổi ở 850 đường Láng, Hà Nội được tiếp cận với thể loại tranh thêu chữ thập đang “làm mưa, làm gió” trong giới văn phòng, thậm chí cả những người đã ở tuổi lên chức bà nội, bà ngoại. Như nhiều chị em khác, chị Mỹ Anh cảm thấy rất dễ chịu khi ngồi thêu, mọi mệt mỏi, stress trong công việc dường như biến mất theo đường kim mũi chỉ. Chị miệt mài đến mức tranh thủ lúc con ngủ, ngồi thêu đến tận 1 - 2h đêm. Kết quả sau gần 2 tháng cặm cụi, chị hoàn thành 4 bức tranh thêu tứ quý hoa, nhưng cũng là lúc chị phát hiện cái lưng đau “đứng không đứng nổi, ngồi không ngồi nổi”, chỉ có nằm nghỉ là dễ chịu.

Cũng mê mẩn không kém, chị Vũ Thu Phương (số 4D, phố Đặng Văn Ngữ, Hà Nội) sau hơn một tuần miệt mài làm quen với bộ môn này phát hiện mình bị lòi dom. Chị xấu hổ chịu đau đến lúc đau quá, búi trĩ lòi hẳn ra ngoài khiến chị đau rát chảy máu khi đi vệ sinh, không ngồi được, chị mới nói chuyện với chồng. Anh chồng tá hoả mới lôi đến bệnh viện. Tại bệnh viện, chị được kết luận bị trĩ, phải dùng thuốc bôi ngoài và thuốc uống. Sau hơn 1 tuần, chị mới khỏi. Nhưng từ đó, theo lời khuyên của bác sĩ, chị không dám nhịn tiểu, nhịn đại tiện, nhịn uống nước vì mê mải thêu với thùa.

Phát bệnh vì tranh thêu chữ thập - 1
Nhiều chị em đang phát bệnh chỉ vì mê thêu tranh chữ thập.

Đã gần 50 tuổi, chỉ ở nhà chăm chồng chăm con nên chị Đặng Thị Hà (phố Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TPHCM) là “tỷ phú” thời gian. Từ ngày tiếp cận với những bức tranh thêu chữ thập, chị trở nên bận rộn hẳn. Đã gần 50 tuổi, mắt chị không còn tinh tường nữa nên để thêu được tranh, chị phải đi đo mắt kính với độ cận 1 điốp. Sau gần 3 tháng mải miết với đường kim mũi chỉ, 2 bức tranh to đẹp đã ra đời, nhưng chị lại thấy mắt cứ mờ đi, nhìn vào bức tranh thêu thứ 3 cứ nhòe nhoẹt, chị đi đo lại mắt thì mắt chị đã tăng thêm 1 điốp nữa.

Bị bệnh vì ngồi và tập trung quá lâu

Sau khi hỏi bệnh và thăm khám, ThS Nguyễn Vũ, Khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Việt Đức kết luận: Chị Mỹ Anh bị đau lưng do tư thế ngồi gây vẹo cột sống, co cứng cơ cạnh sống. ThS Nguyễn Vũ phân tích: Khi ngồi lâu ở những tư thế không thích hợp (cúi nhiều, người vặn vẹo...) khối cơ cạnh sống sẽ phải căng lên để giúp cột sống giữ cân bằng cho cơ thể, quá trình này kéo dài làm cho khối cơ cạnh sống căng cứng liên tục. Sự căng cơ liên tục này gây ra hiện tượng như hiện tượng chuột rút ở chân, nó làm cột sống cong vẹo theo và gây ra biểu hiện đau thắt lưng, đôi khi còn gây biểu hiện chèn ép rễ thần kinh ở lỗ ghép gây đau tê chân. Vì vậy, ThS Nguyễn Vũ khuyên chị Mỹ Anh nên dùng áo nẹp mềm để định vị cột sống theo dõi trong một thời gian. Và tất nhiên, chị phải tạm xa rời những bức tranh thêu chữ thập mà chị rất yêu thích.

Trường hợp của chị Thu Phương cũng do tư thế ngồi quá lâu gây chèn ép vào hệ thống tĩnh mạch ở vùng tầng sinh môn, cản trở lưu thông máu ở vùng tầng sinh môn. Ngoài ra, việc nhịn đại tiện, nhịn uống nước một cách thường xuyên là nguyên nhân dẫn đến táo bón. Do việc luôn phải gắng sức khi rặn để tống phân ra ngoài tạo sức ép lên hệ thống tĩnh mạch, làm hệ thống này giãn ra và gây bệnh trĩ.

Giải thích về trường hợp của chị Hà, ThS.BS Lê Thị Hồng Nhung, Khoa Mắt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, sự tập trung khiến nhiều người thường quên đi phản ứng chớp mắt. Bình thường, mắt mỗi người chớp trung bình 14 lần/phút, khi tập trung quá mức thì số lần chớp giảm, mắt sẽ bị khô. Với bức tranh thêu có những lỗ đâm kim nhỏ thì khuynh hướng mở mắt căng to nên mắt mau khô hơn.

Khi ngồi thêu nên ngồi với tư thế lưng thẳng và hơi ưỡn ra sau để đảm bảo sinh lý cột sống, khoảng 30 - 40 phút thì phải đứng dậy đi lại và làm một sống động tác thể dục cúi ưỡn và xoay người để làm cho khối cơ cạnh sống được vận động căng giãn.

ThS Nguyễn Vũ

Để có một đôi mắt sáng khỏe, khi thêu nên chú ý dành thời gian cho sự nghỉ ngơi của đôi mắt, chỉ nên để mắt tập trung tối đa 1 tiếng, sau đó phải cho mắt nghỉ ngơi 5 - 10 phút bằng cách nhìn 1 điểm ở xa. Không nên ngồi thêu ở những nơi thiếu ánh sáng khiến mắt phải căng ra để nhìn.

ThS.BS Lê Hồng Nhung

Phương Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tranh chữ thập