Đã dò được tín hiệu máy bay mất tích

Ngày 11/03/2014 07:11 AM (GMT+7)

Quân đội Malaysia tin rằng họ đã phát hiện MH370 lao về phía eo biển Malacca.

* Tiếp tục cập nhật

19h ngày 11/3

Quân đội Malaysia cho biết radar đã phát hiện chiếc máy bay mất tích khi nó bay qua eo biển Malacca, cách khoảng 400 km so với địa điểm cuối cùng chiếc máy bay này liên lạc với đất liền.

Một quan chức quân đội Malaysia giấu tên cho biết: “Chiếc máy bay đã thay đổi hành trình sau khi qua Kota Bharu và hạ độ cao rồi đâm xuống eo Malacca.”

Malaysia Airlines cho biết lần liên lạc radio và radar cuối cùng với máy bay MH370 diễn ra khi chiếc máy bay này đang ở trên vùng biển phía đông Malaysia, ngoài khơi bờ biển thị trấn Kota Bharu.

Chiếc máy bay này đã biến mất khỏi màn hình radar sau khi rời sân bay Kuala Lumpur khoảng 2 tiếng đồng hồ. Phi công đã không hề phát đi tín hiệu báo động hoặc cầu cứu nào chứng tỏ đã có vấn đề xảy ra trên máy bay.

Đã dò được tín hiệu máy bay mất tích - 1

Malaysia đã bắt đầu tìm kiếm trên eo biển Malacca từ chiều nay

Tư lệnh cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết: “Có lẽ ai đó trên chuyến bay đã mua một số tiền bảo hiểm rất lớn, người này muốn gia đình được hưởng số tiền bảo hiểm đó hoặc có người bị nợ nần nhiều quá. Chúng tôi đang xem xét mọi khả năng có thể.”

Ông Bakar tuyên bố: “Chúng tôi đang xem xét rất kỹ đoạn video do camera giám sát ghi lại tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur và tìm hiểu hành vi của tất cả các hành khách trước khi lên máy bay.”

18 giờ ngày 11/3

Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn thông báo: “Hôm nay là ngày thứ tư tìm kiếm với lực lượng huy động cao nhất, phương tiện nhiều và hiện đại nhất, làm việc tích cực trên quy mô rộng lớn hơn nhưng vẫn chưa có thông tin gì mới liên quan đến việc máy bay Malaysia mất tích hôm 8/3. Chỉ riêng các máy bay của Việt Nam đã tổ chức hơn 10 lượt tìm kiếm trong ngày 11/3. Hiện tại các tàu thuộc các lực lượng Cảnh sát biển vùng 4, Hải quân vùng 5 và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn vẫn tiếp tục công việc tìm kiếm liên tục, suốt ngày đêm…”

Đề cập đến việc tìm sắp tới có gì mới hơn? Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho hay: Chiều hôm nay 11/3, Sư đoàn phòng không 367 thuộc Quân chủng phòng không không quân Việt Nam đã chuyển thiết bị, khí tài đến sân bay Cà Mau để thành lập trạm ra đa. Trạm này sẽ chỉ huy dẫn đường cho các máy bay tìm kiếm cứu nạn trên biển cho trực thăng Mi 171 của Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370). Về phía các nước phối hợp, ngoài việc huy đông thêm máy bay, tàu thì Singapore sẽ đưa phương tiện dò tìm dưới nước vào phục vụ công tác này. Đối với máy bay của nước ngoài tham gia vào tìm kiếm trong phạm vi của chúng ta thì sẽ cấp phép và phối hợp độ cao.

Về việc tìm kiếm sẽ đến khi nào? Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho rằng: Không ai có thể nói đến khi nào. Nhưng phải nói là chúng ta phải làm với trách nhiệm và nỗ lực cao nhất. Nhưng phương pháp tìm kiếm sẽ sẽ có thay đổi.

17h50 ngày 11/3

Đến 17h50 phút, máy bay đã quay trở lại sân bay Tân Sơn Nhất, kết thúc 4 tiếng hành trình tìm kiếm.

Theo Thượng tá Vũ Đức Long, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn không quân 918, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa phát hiện bất cứ điều gì bất thường trong khu vực tìm kiếm của máy bay Việt Nam. Trong những ngày tới, tùy theo tình hình, các máy bay của lữ đoàn sẽ tiếp tục tìm kiếm trong phạm vi lãnh hải của Việt Nam. Nếu phát hiện bất cứ điều gì, sẽ báo cáo lại cho Sở chỉ huy tiền phương để có thể điều chuyển các trực thăng hoặc máy bay chuyên dụng khác để hạ thấp hơn nhằm có tầm quan sát tốt hơn.

Đã dò được tín hiệu máy bay mất tích - 2

 Nhiều PV theo chân phi hành đoàn lên đường tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích

Đã dò được tín hiệu máy bay mất tích - 3

Bất cứ dấu hiệu nào khả nghi cũng được phi hành đoàn ghi nhận và có báo cáo cụ thể về cho sở chỉ huy

Đã dò được tín hiệu máy bay mất tích - 4

Vẫn chưa phát hiện điều gì bất thường

Đã dò được tín hiệu máy bay mất tích - 5

Thượng tá Vũ Đức Long, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn không quân 918 trả lời một số câu hỏi của PV sau khi làm nhiệm vụ trở về.

17h20 ngày 11/3

Một “rừng” phóng viên trong nước và quốc tế đứng, ngồi chật cứng tại Đài kiểm soát không lưu sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) – nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương Phú Quốc, chờ đợi cuộc họp báo sắp diễn ra tại đây.

Đã dò được tín hiệu máy bay mất tích - 6

Phóng viên trong nước và quốc tế tại Đài kiểm soát không lưu sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) chờ đợi cuộc họp báo sắp diễn ra tại đây.

17h ngày 11/3

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, ngày 11/3, tham tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích có 23 máy bay, 31 tàu.

Trong đó,Việt Nam đã sử dụng 9 máy bay gồm: 3 máy bay AN 26; 3 máy bay Mi 171; 2 máy bay CASA; 1 thủy phi cơ DHC6.

9 tàu các loại gồm tàu SAR 413, SAR 272, tàu Cảnh sát biển 2002, 2003; tàu Hải Quân 954, Hải Quân 637; tàu kiểm ngư 774; tàu Hải Quân 888 tiếp tục công tác tìm kiếm tại hiện trường, mở rộng phạm vi về hướng Tây Bắc so với khu vực tìm kiếm hôm trước. Đồng thời lực lượng tập trung tìm kiếm xác minh vật thể do máy bay phát hiện.

Lực lượng nước ngoài tham gia gồm 14 máy bay, 22 tàu gồm: Malaysia 4 máy bay, 9 tàu; Singapore 2 máy bay, 3 tàu; Trung Quốc 4 máy bay, 6 tàu; Hoa Kỳ 4 máy bay, 3 tàu; Thái Lan 1 tàu.

Dự kiến kế hoạch ngày 12/3, sẽ xây dựng kế hoạch sử dụng 4 máy bay (1 máy bay CASA, 1 máy bay AN 26, 2 trực thăng Mi 171) bay tìm kiếm tại khu vực phía bên phải đường bay của máy bay mất tích. 3 máy bay (1 thủy phi cơ DHC6 của Hải quân, 1 trực thăng Mi 171, 1 máy bay CASA) bay khu vực phía bên trái của đường bay L637 theo hướng Kuala Lampur - Bắc Kinh (Trung Quốc).

Trên biển các lực lượng sẽ sử dụng 8 tàu di chuyển về các vị trí phân công để kết hợp tìm kiếm và phối hợp nắm tình hình hoạt động của các lực lượng nước ngoài.

15h30 ngày 11/3

Hiện nhà chức trách Malaysia đang điều tra một số thông tin do người dân địa phương cung cấp rằng họ đã nhìn thấy chớp đèn của một chiếc máy bay bay thấp tại khu vực ngoài khơi bờ biển Malaysia, ngay phía dưới biên giới giữa Thái Lan và Malaysia.

Tờ The Star của Malaysia cho biết một ngư dân đang ngồi trên thuyền đánh cá của mình ở khu vực này nói rằng vào lúc 1:30 sáng hôm thứ Bảy ông đã nhìn thấy nhiều ánh đèn của một chiếc máy bay bay thấp trên khu vực Kual Besar. Ông Azid Ibrahim cho biết chiếc máy bay này bay thấp đến mức ông có thể nhìn thấy những đèn tín hiệu này “to như quả dừa”.

Một người đàn ông khác sống ở Kota Bharu cũng cho biết đã nhìn thấy “những chớp đèn sáng trắng” từ một vật thể mà anh này tin rằng là một chiếc máy bay đang lao xuống rất nhanh vào lúc 1:45 sáng sớm thứ Bảy. Anh này đã báo cáo những gì mình nhìn được với nhà chức trách vào tối hôm đó.

15h ngày 11/3

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan chuyên môn của Cục Hàng không Việt Nam và Văn phòng thường trực Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia để rà soát, đánh giá lại công tác tìm kiếm, cứu hộ máy bay Malaysia mất tích.

Những ngày qua, nhiều lực lượng trong nước và nước ngoài đã được huy động tìm kiếm nhưng chưa đem lại kết quả.

Ông Thanh cho biết, hiện nay Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài vẫn đang tăng cường an ninh cấp độ 1. Việc vận chuyển hành khách bằng đường hàng không đến thời điểm hiện tại vẫn diễn ra bình thường, không có gì xáo trộn.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không, thời gian tìm kiếm máy bay mất tích có thể còn kéo dài.

14h30 ngày 11/3

Sở chỉ huy tiền phương Phú Quốc (Kiên Giang) vừa công bố 2 số điện thoại nóng cung cấp thông tin tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích: 077.3846704 và 077.3847508. Nơi đây sẵn sàng đón nhận thông tin từ các tổ chức, cá nhân phát hiện dấu vết hoặc có thông tin mới liên quan đến máy bay Malaysia mất tích vào ngày 8/3. Đường dây này cũng giải đáp thông tin nhanh về việc tổ chức tìm kiếm cũng như kết quả từ Sở chỉ huy tiền phương Phú Quốc…

Cùng lúc này, ngay khi trở về sân bay Cà Mau tiếp nhiên liệu, lúc hồi 14h15, trực thăng Mi 171 - 8431 được lệnh xuất phát tiếp tục lên đường tìm kiếm. Khu vực tìm kiếm của chiếc Mi 171 - 8431 trải rộng từ Mũi Cà Cau đến Hòn Chuối và bãi cạn Cà Mau thuộc vùng biển Tây Nam.

14h ngày 11/3

Phóng viên Khampha.vn từ Cà Mau cho biết, vừa kết thúc chuyến bay cùng đội bay trên trực thăng Mi 171 mang số hiệu 8431.

Cùng lúc này, chiếc Mi 171 mang số hiệu 04 của Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370 – Không quân Việt Nam) cũng vừa đáp xuống sân bay Cà Mau sau gần 3 giờ quần thảo, tìm kiếm trên vùng biển phía Tây. Cả hai chuyến bay này đều chưa phát hiện thêm dấu vết khả nghi nào liên quan đến vụ máy bay Malaysia mất tích 4 ngày trước đó.

Đã dò được tín hiệu máy bay mất tích - 7

Chuyến bay Mi 171 mang số hiệu 8431 vừa kết thúc chuyến bay tìm kiếm hơn 3 giờ. (Ảnh: Nắng Mới)

Chia sẻ với báo chí, Thượng tá Nguyễn Quốc Long, Cơ trưởng trực thăng 8431 Trung đoàn 917 cho biết: “Dù chưa phát hiện thêm dấu hiệu nào khả nghi liên quan đến máy bay Malaysia mất tích, nhưng chúng tôi vẫn đang sẵn sàng chờ chỉ thị tiếp tục quần thảo khu vực khác để tìm kiếm những manh mối khả nghi”.

Cũng theo Thượng tá Long, trong sáng cùng ngày, Đài chỉ huy thông báo có 2 máy bay AN-26 mang số hiệu 286 và 261 của Quân chủng Phòng không không quân Việt Nam đã cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) ra khu vực tìm kiếm tại tọa độ dự kiến 8 độ 00 đến 9 độ 00 (vĩ độ); từ 102 đến 103 độ (kinh độ), cách sân bay Cà Mau 150 đến 300 km. Ngoài ra, còn có máy bay AN-26 mang số hiệu 287 cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất đến phía Nam TP. Rạch Giá (Kiên Giang) để làm nhiệm vụ chuyển tiếp liên lạc từ khu vực tìm kiếm đến Sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

13h45 ngày 11/3

Phóng viên Khampha.vn đã có mặt trên máy bay AN26 số hiệu 261 cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất hướng ra vùng biển tìm kiếm máy bay Malaysia. Ngoài các thành viên tổ bay, chuyến bay này có hơn 20 phóng viên trong nước và quốc tế.

Theo thông tin từ tổ lái, máy bay được lệnh đến khu vực tìm kiếm mới cách Côn Đảo khoảng 200km và vùng FIR Việt Nam (vùng thông báo bay). Thời gian bay tìm kiếm dự kiến khoảng 4 giờ.

Đã dò được tín hiệu máy bay mất tích - 8

Hơn 20 phóng viên trong nước và quốc tế có mặt trên chuyến bay mang số hiệu AN26-261 xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất, lúc 13h45 chiều nay. (Ảnh: Minh Nghĩa)

13h ngày 11/3

Trưa nay, đại tá Trần Công Hiểu, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết:  Tàu 3.000 mã lực của đơn vị được cử ra khu vực được cho là có những mảnh vỡ khả nghi từ 18h tối 10/3. “Tàu của chúng tôi căn theo con nước để đi ngược về vị trí mà cách đó mấy giờ được cho là phát hiện mảnh vỡ kim loại. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến giờ không phát hiện bất cứ vật lạ nào. Các tàu cá xung quanh cũng không phát hiện gì bất thường. Chúng tôi nhận định theo hướng gió, khó có thể xảy ra việc vật thể từ vị trí máy bay mất tích trôi dạt về vùng biển Vũng Tàu. Chúng tôi vẫn đang rất tích cực tìm kiếm”, đại tá Hiểu cho biết.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã yêu cầu ngư dân hỗ trợ toàn bộ tàu cá hoạt động trong khu vực này. Dự kiến, vùng tìm kiếm sẽ được mở rộng theo hướng các dòng chảy.

Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết, tàu hải quân và tàu biên phòng vẫn tiếp tục tìm kiếm. Nhiều tàu nước ngoài đang ở gần khu vực này cũng đã được yêu cầu đến tọa độ được cho là có các mảnh vỡ kim loại trôi, gồm: tàu Ratha Bhum (Thái Lan), tàu Oupulai 18 (Panama), tàu Tai Shun Hai (Trung Quốc), tàu Bergrai (Thái Lan), tàu Ioanna D (Liberia). Tuy nhiên, đến nay vẫn không thấy mảnh vỡ nào. Thông tin từ Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III cho biết, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo các tàu tìm kiếm lệch về phía Đông.

12h15 ngày 11/3

Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, lúc 10h53, máy bay CASA 8981 phát hiện tại tọa độ 7 độ 59'17"-103 độ 103'44'05" một đốm màu trắng về phía Đông Nam đảo Thổ Chu.

12h00 ngày 11/3

Tại trụ sở UBND huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) vừa kết thúc cuộc họp do ông Lâm Hoàng Sa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì bàn về phương án cho tình huống xấu nhất xảy ra đối với máy bay Malaysia mất tích khi được tìm thấy.

Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa phân công một lãnh đạo huyện Phú Quốc trực chiến cùng Ban chỉ huy tiền phương tại sân bay Phú Quốc. “Khi phát hiện nạn nhân phải có ngay phương tiện để ứng cứu, không chờ xin phép, thủ tục rườm rà”, Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang chỉ đạo lãnh đạo UBND huyện Phú Quốc và các lực lượng liên quan trong trường hợp xấu nhất xảy ra với chiếc máy bay Malaysia mất tích khi được tìm thấy.

Ông Lâm Hoàng Sa cho biết thêm, chiều nay, ông trở về TP Rạch Giá chủ trì cuộc họp khẩn để phân công đầu mối cho các cơ quan cấp tỉnh, huyện và thống kê lại phương tiện nhân lực cùng tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn máy bay Malaysia mất tích.

11h20 ngày 11/3

Ông Chu Xuân Huy, Trưởng phòng Quản lý và Khai thác dữ liệu ảnh vệ tinh thuộc Trung tâm Điều khiển và Khai thác vệ tinh nhỏ, Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam cho biết: Lúc 11h trưa nay, vệ tinh VNREDSat -1 đã bay qua khu vực đảo Thổ Chu theo lệnh điều khiển từ Trung tâm và bắt đầu chụp những bức ảnh từ vệ tinh khu vực nghi máy bay Maylaysia bị mất tích.

Dự kiến, vệ tinh này sẽ bay qua khu vực bao quát rộng khoảng 17,5km, dài khoảng 100 km và trong đêm nay, vệ tinh sẽ truyền về những bức ảnh chụp từ khu vực đảo Thổ Chu. Khi có kết quả chụp từ vệ tinh, Viện Khoa học  - Công nghệ Việt Nam sẽ cung cấp ảnh để các cơ quan tham gia tìm kiếm cứu nạn có thêm dữ liệu làm cơ sở tiếp tục tìm kiếm.

11h00 ngày 11/3

Khi PV hỏi về khả năng máy bay bị nổ, một vị đại diện Cục Hàng không cho rằng, giả thiết này khó xảy ra. Bởi nếu máy bay nổ, sẽ vỡ thành nhiều mảnh rơi xuống mặt đất hoặc biển. Như vậy, lực lượng tìm kiếm có thể phát hiện dấu vết. Nhưng cho đến nay, các tàu, máy bay tìm kiếm không thấy vật thể gì tương tự.

Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, đến thời điểm này, chỉ xác định được máy bay mất tích khi ở độ cao khoảng 10.000m. Máy bay hỏng một động cơ sẽ có vị trí rơi khác máy bay hỏng hai động cơ. Trường hợp hư hỏng một bộ phận nào đó trong máy bay dẫn đến tai nạn lại càng khó xác định vị trí rơi. Chưa kể các trường hợp máy bay bị khống chế, phá hủy,...

Theo một lãnh đạo Cục Hàng không, máy bay luôn có hộp đen và thiết bị định vị GPS. Về nguyên lý, kể cả trường hợp máy bay bị nổ, hộp đen vẫn có thể không bị phá hủy. Hộp đen có thể bị biến dạng nhưng cơ quan điều tra có thể phục hồi lại được.

Tuy nhiên, mọi tín hiệu của chiếc máy bay Malaysia đã bị cắt đứt hoàn toàn. Đây là điều rất bí ẩn. Và đến nay, chưa có bằng chứng cho thấy “máy bay đã vào vùng FIR của Việt Nam”.

10h30 ngày 11/3

Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam vừa ký quyết định gửi tới UBND các tỉnh phía Nam về việc triển khai tìm kiếm máy bay mất tích trên đất liền. Chủ tịch UBND các tỉnh là trưởng ban, có trách nhiệm triển khai nội dung trong quyết định này ngay.

Ông Tuấn cho biết, sau mấy ngày tìm kiếm trên biển không có kết quả, nên hôm nay phải tăng cường lực lượng mở rộng khu vực tìm kiếm cả trên đất liền. Khu vực tìm kiếm trên bộ sẽ bắt đầu dọc hai bên đường bay đi Hòn Khoai (Cà Mau) đến TPHCM. Sau đó sẽ tìm kiếm theo đường bay của Malaysia liên quan đến các tỉnh Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Đơn vị cũng có thông báo cho các đơn vị đất liền là quân khu 5, quân khu 7, quân khu 9 (miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ). Các lực lượng đất liền sẽ hỗ trợ tìm kiếm ở các vùng thưa dân, rừng núi. Phía Việt Nam cũng có điện chỉ đạo các đơn vị giáp ranh biên giới Lào, Campuchia phối hợp với hai nước bạn nhờ giúp đỡ.

Phóng viên đặt giả thiết nếu xác định được vị trí máy bay rơi ở khu vực độ sâu khoảng 90m thì đơn vị sẽ triển khai lực lượng nào để cứu hộ, cứu nạn, Trung tướng Tuấn cho hay, hiện nay, Việt Nam có tàu cứu hộ SAR 413, đồng thời là tàu chỉ huy có phương tiện cứu hộ cứu nạn trên biển ở khu vực nghi máy bay mất tích độ sâu từ 20 đến 50m. Do vậy, nếu phát hiện được máy bay, Việt Nam có đầy đủ phương tiện và năng lực để thực hiện việc cứu hộ, cứu nạn, trục vớt. Ngoài ra, đội thợ lặn của Hải quân nhân dân Việt Nam có thể lặn sâu 70-80m.

10h30 ngày 11/3

Theo thông tin từ Lữ đoàn Không quân 918, tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã thực hiện tổng cộng 17 chuyến bay tìm kiếm cứu nạn máy bay Malaysia mất tích từ hôm 8/3 (trong đó có 15 chuyến của máy bay AN26 và 2 chuyến của máy bay CASA 212).

Thời gian bay của các chuyến kéo dài từ 3 - 4 giờ (đội bay AN26 bay từ 3 giờ rưỡi đến 4 giờ, CASA 212 từ 3 giờ đến 3 giờ rưỡi), bay thẳng từ Lữ đoàn đến các điểm tìm kiếm được chỉ định và không dừng lại ở đâu.

Theo thiếu tá Bùi Đức Long, Trực ban trưởng Sở chỉ huy Lữ đoàn Không quân 918, phạm vi tìm kiếm chủ yếu của máy bay Việt Nam là cách đảo Thổ Chu về phía Tây nam 100 - 300 km. Trong ngày hôm nay, phạm vi hoạt động sẽ được mở rộng hơn do một số khu vực đã được tìm kiếm khá kỹ.

Đã dò được tín hiệu máy bay mất tích - 9

Thiếu tá Bùi Đức Long đang khoanh vùng phạm vi hoạt động tìm kiếm của các máy bay Việt Nam

10h15 ngày 11/3

Lãnh đạo Sở chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn hàng không cho biết, đã quyết định thay đổi hướng tìm kiếm. Trước đó, kế hoạch tìm kiếm hôm nay mở rộng về phía dưới mũi Cà Mau. Tuy nhiên, hiện nay, cả 2 máy bay Việt Nam chuyển hẳn hướng tìm kiếm về phía Tây Nam của đảo Phú Quốc.

Nguyên nhân việc đột ngột chuyển hướng tìm kiếm vẫn chưa được lãnh đạo Sở chỉ huy tiết lộ.

Đã dò được tín hiệu máy bay mất tích - 10

Lãnh đạo Sở chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn hàng không đã quyết định thay đổi hướng tìm kiếm.

10h00 ngày 11/3

Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, kế hoạch tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích ngày hôm nay như sau: Tàu sẽ chia làm 2 khu vực tìm kiếm. Khu vực 1 gồm: tàu HQ 954, tàu HQ 637, tàu SAR 413 sẽ hoạt động ở các tọa độ 08 độ 00 vĩ độ Bắc đến 103 độ 50 kinh độ Đông.

Khu vực 2 gồm: tàu SAR 273, tàu kiểm ngư 774, tàu cảnh sát biển 2002, 2003, hoạt động ở tọa độ 7 độ 00 vĩ độ Bắc đến 103 độ 50 kinh độ Đông.

Tàu HQ 888 đã kiểm tra ở phía Đông Nam mũi Ô Cấp 32 hải lý nhưng không phát hiện được điểm khả nghi như thông tin hàng không Hồng Kông cung cấp ngày hôm qua.

Nhận lệnh ngày hôm nay, lực lượng sẽ cơ động rà soát về phía Đông Nam Cà Mau đến tọa độ 8 độ 00 vĩ độ Bắc đến 105 độ 00 kinh độ đông. Trên đường hành trình, tàu  sẽ sử dụng máy quét đa tia và các thiết bị để quét tìm kiếm dưới đáy biển.

Đã dò được tín hiệu máy bay mất tích - 11

Đại diện Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn liên tục cập nhật thông tin về tình hình tìm kiếm máy bay Malaysia

9h30 ngày 11/3

Ông Đoàn Hữu Gia (Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, trực chỉ huy tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không) cho biết, hiện có 5 chiếc máy bay của 3 nước: Việt Nam, Malaysia, Singapore đang tìm kiếm trên biển.

Sáng nay, AN26-161 cất cánh lúc 7h45 và AN26-287 cất cánh lúc 8h. Trong 2 máy bay của Việt Nam, một chiếc mở rộng hướng tìm kiếm về mũi Cà Mau.

Hai tàu bay C65 và C66 của Singapore hiện đang tìm kiếm trong khu vực quanh điểm IGARI và có thể mở rộng vào khu vực thuộc FIR Hồ Chí Minh.

Đã dò được tín hiệu máy bay mất tích - 12

Ông Đoàn Hữu Gia chỉ vị trí tìm kiếm của máy bay Việt Nam

9h10 ngày 11/3

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết, hôm nay các lượng lượng hải quân, cảnh sát biển, không quân… tiếp tục thực hiện việc tìm kiếm trên khu vực được hướng dẫn, đồng thời mở rộng phạm vi lệch sang phía đông.

Trả lời phóng viên về thông tin về phát hiện vật thể lạ nghi của máy bay gặp nạn ở Vũng Tàu, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết, tàu hải quân đã tiếp cận và “không có thông tin gì tốt đẹp hơn”.

“Đến bây giờ, mọi đánh giá, tiên liệu còn rất ít hy vọng những gì tốt đẹp hơn với máy bay Malaysia mất tích. Chúng tôi hiểu được tâm trạng đau buồn, nóng lòng của rất nhiều người trong và ngoài nước đối với vụ việc này. Nên chúng ta cố gắng tối đa tìm kiếm, giải đáp cho bằng được câu hỏi mất tích này. Tôi khẳng định, trong vùng trách nhiệm của Việt Nam, chúng ta phải làm hết mình để hỗ trợ nước bạn”, Thứ trưởng Bộ GTVT chia sẻ.

Đối với tỉnh Kiên Giang, cụ thể là huyện Phú Quốc, nơi được đặt Sở chỉ huy tiền phương, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu nhận định: “Công việc tiếp theo sẽ còn rất phức tạp. yêu cầu tỉnh Kiên Giang tập trung kêu gọi tàu thuyền của ngư dân đánh bắt trên vùng biển hỗ trợ cung cấp thông tin, tim kiếm; thông báo kịp thời cho lực lượng chức năng. Tỉnh Kiên Giang phải sẵn sàn phương án chuẩn bị trục vớt, tiếp nhận, bảo vệ hiện trường, thi thể… công tác y tế, hậu cần, phương tiện, lực lượng cần phải đảm bảo tối đa”.

9h00 ngày 11/3

Mở đầu cuộc họp báo bắt đầu lúc 8h35, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu chia sẻ: “Sáng nay, chúng tôi vừa làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc để thông báo việc tổ chức tìm kiếm, yêu cầu chuẩn bị phương án cho việc tìm kiếm cứu hộ hiệu quả nhất khi phát hiện máy bay gặp nạn”.

Đồng chủ trì cuộc họp báo, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân Việt Nam, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho biết: “Chúng ta đã huy động 4 máy bay AN 26, 4 trực thăng phục vụ cho việc tìm kiếm trong ngày 10/3. Hiện đã tăng cường thêm 2 máy bay phục vụ việc tìm kiếm cứu hộ. Hôm nay, việc tìm kiếm sẽ được tập trung và mở rộng phạm vi trên vùng lãnh hải Việt Nam. Các máy bay AN 26 sẽ tìm kiếm ở độ cao 3.000 – 5.000m; các trực thăng bay thấp hơn; máy bay tuần thám “Mắt thần” CASA-212 hoạt động linh hoạt hơn. Khu vực tìm kiếm cũng được mở rộng thêm 20.000 km2 và lệch về phía Đông và phía Tây so với vị trí đã tìm kiếm những ngày qua. Như vậy, hôm nay, Việt Nam huy động tất cả 10 máy bay tham gia tìm kiếm”.

8h25 ngày 11/3

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đã có mặt tại Sở chỉ huy đặc biệt đặt tại Đài kiểm soát không lưu sân bay Phú Quốc, bắt đầu chủ trì cuộc họp báo với hơn 100 phóng viên trong nước và quốc tế.

8h22 ngày 11/3

Đến thời điểm này, cuộc họp báo vẫn chưa thể diễn ra. Không khí tại đây đang nóng lên từng phút với sự trông chờ những thông tin mới nhất từ cơ quan chức năng về cuộc tìm kiếm máy bay Malaysia gặp nạn cũng như việc tổ chức tìm kiếm trong sáng nay.

Đã dò được tín hiệu máy bay mất tích - 13

Hơn 100 phóng viên đã túc trực suốt đêm và đã có mặt từ sớm tại Sở chỉ huy đặc biệt đặt tại Đài kiểm soát không lưu sân bay Phú Quốc.

8h15 ngày 11/3

Từ sáng sớm, hơn 100 phóng viên trong nước và quốc tế túc trực tại Đài kiểm soát không lưu, sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) chờ cuộc họp báo đầu tiên trong ngày của Sở chi huy đặc biệt Phú Quốc về công tác tìm kiếm máy bay Malaysia gặp nạn.

Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết, hiện đang có 6 tàu gồm: tàu hải quân, tàu biên phòng, 4 tàu hàng và nhiều tàu ngư dân hoạt động khai thác trên biển đang tìm kiếm ở vị trí nghi có mảnh vỡ kim loại nhưng vẫn chưa thấy gì nghi vấn. “Sáu tàu đang quần thảo ở vị trí nghi có mảnh vỡ kim loại, nhưng đến sáng nay vẫn không thấy mảnh vỡ kim loại lớn như mô tả. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm”, ông Chiến nói.

8h05 ngày 11/3

Đến thời điểm này, đã có hơn 40 phóng viên trong và ngoài nước có mặt tại Lữ đoàn Không quân 918, Quân chủng Phòng không không quân Việt Nam đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, đăng ký chờ lên máy bay tham gia cùng các đội bay tìm kiếm cứu nạn.

Do lượng phóng viên đến xin đi cùng tác nghiệp quá đông, Chỉ huy Lữ đoàn 918 phải chia số phóng viên thành các nhóm nhỏ, đi theo các máy bay khác nhau.

Đã dò được tín hiệu máy bay mất tích - 14

Đã dò được tín hiệu máy bay mất tích - 15

Cán bộ kỹ thuật và đội bay AN26 trước giờ cất cánh

Lúc 7h45, một chiếc máy bay trong biên chế đội bay AN26 đã xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất ra sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) phối hợp cùng Sở chỉ huy tiền phương tại đây chuẩn bị cho việc tìm kiếm trong sáng nay.

7h55 ngày 11/3

Thượng tá Đỗ Đức Minh, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không không quân, cho biết, trong sáng nay, Không quân Việt Nam sẽ đưa máy bay tuần thám CASA 212 tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích trên biển.

Máy bay tuần thám CASA 212 được mệnh danh là "Mắt thần Biển Đông". Sở dĩ được mệnh danh như vậy vì công cụ lợi hại nhất của máy bay tuần thám CASA-212 là hệ thống radar MSS-6000 tối tân, cho phép “tân binh” này bao quát vùng biển, vùng trời trong hải phận của Việt Nam.

Đã dò được tín hiệu máy bay mất tích - 16

Máy bay tuần thám CASA 212 của Không quân Việt Nam đậu tại sân bay Tân Sơn Nhất sau chặng bay từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội), tiếp nhiên liệu tại sân bay Đà Nẵng và đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất chiều qua (10/3).

Theo Đại tá phi công Lê Khiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn không quân 918, cơ trưởng chiếc CASA 212 số hiệu 8981, đây là lần đầu tiên loại máy bay tuần thám này thực hiện nhiệm vụ quan trọng tại vùng biển phía Nam Tổ quốc. CASA 212 được xem là “hàng độc” trong các phi đội bay của Không quân Việt Nam.

CASA 212 là loại máy bay chuyên dụng được trang bị nhiều thiết bị, phương tiện hiện đại được dùng vào các nhiệm vụ quan sát, tuần thám biển, tìm kiếm vật nổi trên biển, chìm dưới đáy biển và phát hiện vết dầu loang. CASA 212 có khả năng quay phim, chụp ảnh để ghi nhận, đánh giá những bất thường có thể tìm thấy trong cuộc tìm kiếm.

Đã dò được tín hiệu máy bay mất tích - 17

Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Không quân 918 trên máy bay CASA 212

6h30 ngày 11/3

Sáng nay, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí.

Thiếu tướng cho biết, đến thời điểm hiện tại, Không quân Việt Nam đã huy động 4 máy bay AN26, 2 máy bay CASA 212 và 4 trực thăng phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn. Trong ngày hôm nay, các máy bay sẽ tìm kiếm theo hướng rộng hơn và cao hơn. Cụ thể, sẽ tìm kiếm ở độ cao từ 3.000 đến 5.000m so với mực nước biển và rộng ra khoảng 100 đến 200 km theo hướng giáp khu vực biển Thái Lan, sát với biên giới thềm lục địa.

Đã dò được tín hiệu máy bay mất tích - 18

Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, do mọi thông tin còn khá mơ hồ, nên hầu như công tác tìm kiếm cứu nạn của các nước đều chỉ dựa trên sự tính toán từ vệt đường bay và khoảng thời gian mà máy bay cất cánh cũng như biến mất. Dự tính vùng tìm kiếm của Việt Nam kéo dài hàng chục ngàn ki lô mét vuông. Trong quá trình tìm kiếm, Ủy ban QG Tìm kiếm cứu nạn và Quân chủng Phòng không không quân luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hãng thông tấn, báo chí có thể đưa tin về vụ việc.

6h00 ngày 11/3

Phóng viên Khampha.vn đã có mặt tại Lữ đoàn Không quân 918, Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM để tham gia cùng đội bay tìm kiếm cứu nạn. Dự kiến trong sáng nay, hai tàu bay AN26 sẽ bay từ Tân Sơn Nhất ra khu vực tìm kiếm phía Đông Nam Cà Mau, cách đất liền khoảng 45km, diện tích tìm kiếm 15.000 km2.

Thông tin từ Sở chỉ huy tiền phương tại sân bay Phú Quốc (Kiên Giang), trong sáng nay, 2 tàu bay Mi 171 và thủy phi cơ DHC6 bay tìm kiếm tại khu vực rộng khoảng 5.000 km2, cách Phú Quốc 30km.

Đã dò được tín hiệu máy bay mất tích - 19

Phóng viên có mặt tại Lữ đoàn Không quân 918, Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam để chờ tham gia cùng đội bay tìm kiếm cứu nạn.

Như vậy, trong sáng nay, ít nhất 5 tàu bay Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tìm kiếm với phạm vi mở rộng thêm khoảng 20.000 km2. Ngoài ra, trên vùng biển của Việt Nam, có hơn 10 tàu hải quân, cảnh sát biển, tàu kiểm ngư cũng đang mở rộng phạm vi tìm kiếm.

Trên vùng biển Vũng Tàu, suốt đêm qua, nhiều tàu của của cảng vụ, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Vùng 3, tàu dầu khí, tàu ngư dân ở xung quanh khu vực này đã tiếp cận khu vực máy bay Hồng Kông phát hiện mảnh vỡ nghi vấn, nhưng đến sáng sớm nay chưa thấy mảnh vỡ như mô tả.

Hơn 10 phóng viên trong và ngoài nước đã có mặt tại Lữ đoàn Không quân 918, Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM từ sáng sớm để chờ tham gia cùng đội bay tìm kiếm cứu nạn.

Mời độc giả theo dõi toàn bộ thông tin về vụ việc Máy bay Malaysia mất tích trên tin tức EVA. Chúng tôi liên tục cập nhật diễn biến của vụ việc:

Máy bay Malaysia có thể đã phát nổ trên không

Điện thoại của một hành khách mất tích vẫn reo

Video: Nỗ lực tìm kiếm máy bay mất tích

Xuất hiện ảnh mảnh vỡ nghi của máy bay mất tích

Máy bay Malaysia quay đầu lại trước khi mất tíchvang

Theo Minh Nghĩa – Cửu Long – Lê Mai
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Máy bay MH370