Lo ngại gà bệnh từ Trung Quốc tuồn sang Việt Nam

Ngày 23/02/2014 20:26 PM (GMT+7)

Ngay sau khi Trung Quốc đóng cửa các chợ gia cầm sống, nhiều chuyên gia lo ngại gia cầm, đặc biệt là gà nhiễm vi rút H7N9 sẽ được tuồn sang Việt Nam, gây dịch bệnh cúm A(H7N9) trên người.

Trước lo ngại lớn về việc xâm nhập cúm A(H7N9) từ Trung Quốc vào Việt Nam, sáng này 23/2, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và phát động chiến dịch tiêm vắc xin sởi” với 63 điểm cầu tại UBND tỉnh/thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu Bộ Y tế có sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

 Gà bệnh bị tiêu hủy từ Trung Quốc có nguy cơ tuồn sang Việt Nam

Theo TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trong 2 tháng đầu năm 2014, số mắc cúm A/H7N9 ghi nhận tại Trung Quốc cao hơn số mắc 2013 với 208 người mắc, 20 ca tử vong. Các tỉnh có ca bệnh liền nhau, 60% số ca mắc bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, tỷ lệ tử vong cao. Tất cả các độ tuổi đều có thể mắc bệnh.

“Nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam rất lớn. Từ trước đến nay Trung Quốc có dịch gì thì Việt Nam có dịch đấy”, TS Phu nói.

TS Scott Newman, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tại Việt Nam thì lo ngại việc đóng cửa các chợ gia cầm sống ở Quảng Đông (Trung Quốc) vì phát hiện vi rút H7N9 càng tạo ra một lượng lớn gia cầm được vận chuyển, tiêu thụ trái phép sang Việt Nam.

TS Scott Newman cũng cho biết thêm, kết quả giám sát trên gia cầm tại Trung Quốc cho thấy, vi rút dương tính chủ yếu được phát hiện ở gà; đợt 2 lại phát hiện nhiều hơn ở môi trường chợ. Điều này, chứng tỏ với thời gian hơn 1 năm qua vi rút này cộng dồn tích lũy tại môi trường chợ, gia cầm sống.

Lo ngại gà bệnh từ Trung Quốc tuồn sang Việt Nam - 1

 Sáng 23/2, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phòng chống dịch cúm và sởi với 63 tỉnh, thành phố

TS. Takeshi Kasai - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nhận định, cúm A(H7N9) là mối nguy cơ lớn cho Việt Nam. Một số chủng cúm gia cầm tại Trung Quốc đang biến thể, nguy cơ lây sang người. Một khi xảy ra dịch trên người thì nguy cơ xảy ra đại dịch là rất lớn. Tuy nhiên, ông cũng đánh giá đây là một cơ hội để ngành y tế Việt Nam thể hiện năng lực ứng phó nhanh.

Ngoài nguy cơ lây lan cúm A(h7N9), TS Trần Đắc Phu cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với việc bùng phát dịch cúm A(H5N1) trên người và gia cầm. Hiện  Việt Nam đứng vị trí thứ 3 trong số những nước có tỷ lệ mắc cúm gia cầm cao từ khi chủng này xuất hiện, đứng sau Ai cập, Indonesia. Số ca mắc đã giảm rất nhiều từ gần 100 ca một năm, nay chỉ còn 1-2 ca. 64 ổ dịch tại 17 tỉnh, thành. Sau thời gian dài tạm lắng, người dân có thể chủ quan, lơ là, vẫn sử dụng gia cầm ốm chết. Hậu quả là từ đầu năm 2014, Việt Nam đã ghi nhận 2 ca tử vong vì cúm A(H5N1).

 Nâng cao tính trách nhiệm của địa phương

Lo ngại dịch bệnh cúm A(H7N9) có thể lọt qua các tỉnh biên giới vào lãnh thổ Việt Nam, ông Trần Đắc Phu đề nghị Thủ tướng chính phủ cho thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị lập 5 đoàn kiểm tra trung ương, tập trung vào những tỉnh có biên giới đường bộ, đường không và đường sắt vốn  có nhiều khả năng nhập gia cầm và nhiều người giao lưu, qua lại, còn các tỉnh có thể thành lập đoàn liên ngành, địa phương để kiểm tra.

“Máy đo thân nhiệt theo tôi được biết không phải là quá đắt, đến mức địa phương không thể lo được. Các địa phương cần phải chủ động và trách nhiệm hơn nữa, máy hỏng phải mang sửa, không sửa được phải mua ngay, đừng để khi có dịch sờ đến thì mới biết là máy hỏng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng cần phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm nguy hiểm tại các cửa khẩu vào Việt Nam. Do đó, việc giám sát thân nhiệt tại các cửa khẩu đường hàng không, đường bộ, đường sắt là rất quan trọng.

“Hiện có 28 máy đo thân nhiệt tại các cửa khẩu còn đang hoạt động, có 9 máy bị hỏng. Nhu cầu tối thiểu là tại mỗi cửa khẩu phải có 2 máy đo thân nhiệt. Nếu địa phương nào quá khó khăn không có kinh phí để sắm máy đo thân nhiệt, Sở Y tế có thể trình lên Bộ để được giải quyết sớm nhất”, Bộ trưởng nói.

Chủ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định Việt Nam cần phải cảnh giác cao độ trước dịch cúm A(H7N9) từ Trung Quốc. Về việc lập Ban chỉ đạo Quốc gia như đề xuất của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Phó Thủ tướng cho rằng hiện đã có rất nhiều ban chỉ đạo (ví dụ Ban chỉ đạo dịch cúm trên gia cầm và trên người), việc lập hay không lập sẽ được xem xét song điều quan trọng nhất vẫn là phải có sự phối hợp tốt thì mới có hiệu quả.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các địa phương cần phải cụ thể và trách nhiệm, nếu địa phương nào cũng trách nhiệm và cụ thể trong hành động thì không chỉ chống được dịch bệnh này mà nhiều dịch bệnh khác. Phòng chống dịch bệnh cần có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị ngay ở mỗi địa phương.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch cúm