Kỳ thi chung quốc gia: Lợi thế cho học sinh thi khối D

Ngày 11/09/2014 14:28 PM (GMT+7)

Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố phương án tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 sẽ có 4 môn, tuy nhiên, những thí sinh thi khối D vô cùng có lợi khi có trọn 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Thí sinh khối D có nhiều lợi thế

Chiều 9/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo về phương án tổ chức kỳ thi chung quốc gia. Theo đó, từ năm 2015, chính thức tổ chức một kỳ thi quốc gia thay vì thi cả tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.

Kỳ thi chung quốc gia: Lợi thế cho học sinh thi khối D - 1

Thi tốt nghiệp 4 môn có lợi thế cho sĩ tử khối D (Ảnh minh họa)

Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Nhận xét chung của nhiều học sinh, đây là phương án thi nhẹ nhàng, đỡ áp lực nhất. Thay vì phải thi tới 6 môn tốt nghiệp và 3 môn đại học như trước đây, bây giờ các em chỉ phải thi tối thiểu 4 môn.

Dễ dàng nhận thấy, 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ đều nằm trọn trong khối D. Học sinh đang theo học khối này được "thở phào" nhẹ nhõm khi chỉ cần ôn tập thêm một môn thi tự chọn theo năng lực của mình.

Tuy nhiên, trái ngược lại, phương án thi 4 môn này nhận được nhiều băn khoăn của các em học sinh thi những khối khác. Một học sinh trường THPT trên địa bàn Hà Nội cho biết, em đang ôn thi theo khối B, bây giờ thi thêm môn Văn, Ngoại ngữ nữa thì sẽ vất vả hơn. Thời gian ôn thi cũng gấp rút hơn nên tâm lý khá lo lắng vì sợ không kịp.

Một nam sinh khác đang theo học khối A bày tỏ: "Do chúng em tập trung vào các môn Toán, Lý, Hóa nên chắc chắn môn Anh Văn sẽ không bằng các bạn thi khối D". Như vậy, những học sinh không thi khối D, A1 các em còn lại sẽ phải ôn tập tới 5 môn cho 9 tháng tới.

Với cách bố trí môn thi tốt nghiệp có nhiều lợi thế cho thí sinh khối D đã dẫn đến mối nghi ngại liệu những năm sau, học sinh có đổ dồn vào ôn thi môn này để giảm áp lực học tập hay không?

Học Ngoại ngữ thế nào là không đảm bảo chất lượng?

Cũng trong phương án tổ chức Kỳ thi chung quốc gia năm 2015, ở phần môn thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ“.

Tuy nhiên, để xác định việc "Thí sinh học Ngoại ngữ trong điều kiện không đảm bảo chất lượng“ sẽ rất khó bởi đây sẽ được xét về phương diện không đảm bảo cơ sở vật chất hay về phía giáo viên, nhà trường chưa đủ trình độ. Mặc khác, ai sẽ là người kiểm định việc không đảm bảo chất lượng này?

Phương án kỳ thi chung áp dụng từ năm 2015 được công bố ngày 9/9, sau 2 ngày vẫn nhận được khá nhiều mối quan tâm, nghi ngại cả phía nhà trường, phụ huynh và các em học sinh.

Thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng?

Về việc đăng ký nguyện vọng sau khi thi tốt nghiệp vào các trường đại học, cao đẳng của được nhiều học sinh quan tâm. Các em sẽ được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, khác với những mùa thi trước, ở kỳ thi THPT quốc gia sau khi có kết quả, thí sinh sẽ đăng ký vào các trường trên cơ sở yêu cầu cụ thể. Một thí sinh có thể đăng ký bao nhiêu nguyện vọng phụ thuộc điều kiện do các trường quy định (công bố trước ngày 1/1/2015). Trước đây khi chưa có kết quả thi các em đã đăng ký nguyện vọng nên dẫn đến tình trạng thí sinh ảo nhiều.

Bộ cũng sẽ chỉnh sửa phần mềm tuyển sinh cho phù hợp, để thí sinh có thể đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ trên mạng. Các trường ĐH, CĐ sẽ kiểm tra kết quả của thí sinh có đúng hay không bằng cách tra cứu dữ liệu chung. Như vậy thí sinh sẽ đăng ký được nhiều nguyện vọng miễn là đáp ứng được yêu cầu của trường đưa ra.

Mặt khác mục đích của kỳ thi quốc gia là cung cấp dữ liệu cho các trường ĐH-CĐ để tuyển sinh. Vì thế Bộ GD-ĐT mong có nhiều trường sử dụng kết quả này để giảm tốn kém, áp lực cho xã hội và người dân.

Tuy nhiên, các trường đại học, cao đẳng hoàn toàn có thể sử dụng toàn phần, hoặc một phần kết quả của kỳ thi quốc gia, tùy thuộc vào yêu cầu, đặc thù đào tạo của trường mình.

Nghĩa là, dù dự kỳ thi chung quốc gia, thí sinh vẫn có thể tham dự một kỳ thi tiếp theo do trường muốn đăng ký nguyện vọng tổ chức nếu trường này không sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.

Năm 2015, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12 tháng 6. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí: Thi tự luận, thời gian thi 180 phút; Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ: Thi trắc nghiệm, thời gian thi 90 phút.

Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, việc tổ chức một kỳ thi quốc gia rất có lợi cho thí sinh. Thứ nhất, các em chỉ thi một kỳ thi nhưng sử dụng kết quả đó để xét vào rất nhiều trường ĐH, CĐ.

Thứ 2, các em thi xong, có kết quả rồi mới đăng ký xét tuyển. Vì vậy, tránh hoàn toàn rủi ro mà quy định của kỳ thi ba chung trước đây.

Thứ 3, đối với những học sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT, nếu năm tới tổ chức kỳ thi quốc gia, các em chỉ thi những môn liên quan mà mình đăng ký xét tuyển, còn những môn không liên quan, các em có quyền không thi vì không sử dụng kết quả ấy để công nhận tốt nghiệp THPT.

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan