Đưa đi khám bệnh, một cháu bé tử vong bất thường

Ngày 24/03/2014 06:41 AM (GMT+7)

Bị viêm phế quản, gia đình đưa cháu bé đi khám bệnh tại bệnh viện. Sau khi được các bác sĩ tiêm thuốc, thì cháu bé có biểu hiện bất thường và đã tử vong sau đó…

Cháu bé chết bất thường

Những ngày qua, dư luận tại thôn Bãi Chè, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang vẫn chưa hết thắc mắc về cái chết bất thường của cháu Hoàng Minh Khôi 4 tháng tuổi, con anh Hoàng Văn Chiến (sinh năm 1989), tại Bệnh viên Đa khoa huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.

Theo chị Lương Thị Thanh Thảo (20 tuổi), mẹ cháu bé cho biết, sáng 20/3, vợ chồng chị đã đưa cháu bé đến Bệnh viện Đa khoa huyện Lục Ngạn, Bắc Giang để khám bệnh. Trước khi gia đình đưa đi bệnh viện thì cháu bé chỉ có biểu hiện là ho, còn sức khỏe thì bình thường. “Cháu chỉ bị ho, chứ không hề sốt hay có biểu hiện gì cả. Từ khi đẻ ra, cháu chưa hề uống thuốc và không bị suy dinh dưỡng”, chị Thảo cho biết.

“Khi đưa cháu đến bệnh viện khám, bác sĩ bảo cháu bé bị viêm phế quản, yêu cầu làm thủ tục nhập viện và các bác sĩ đã lấy máu để xét nghiệm. Tuy nhiên, khi chưa làm thủ tục nhập viện xong, chưa hề xét nghiệm máu xong thì các bác sĩ đã tiêm một mũi cho cháu”, chị Thảo cho biết.

Đưa đi khám bệnh, một cháu bé tử vong bất thường - 1

Bệnh viện đa khoa huyện Lục Ngạn, nơi cháu Khôi tử vong.

Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, ông Hoàng Văn Sáu (47 tuổi), ông nội cháu bé cho biết, sau khi tiêm xong thì tôi bảo bố mẹ cháu đi ăn cơm, còn tôi bế cháu. Lúc tôi bế cháu thì có một người ngồi đó nói cháu tím tái, nhưng vẫn khỏe mạnh bình thường, chưa đến nỗi đưa vào cấp cứu, nhưng không hiểu tại sao bác sĩ lại đè cháu tôi xuống tiêm liền 6, 7 mũi tiêm.

"Cháu tôi vẫn khỏe, vẫn thở bình thường, bác sĩ không đo huyết áp, không khám mà lại đưa cháu tôi vào thở ô xi luôn. Cháu tôi chưa phải đến mức độ phải cấp cứu, phải thở ô xi, khi tôi bế cháu lên, cháu vẫn còn cười với tôi”, ông Sáu bức xúc cho biết.

Theo ông Sáu, khi cháu bé đã chết nhưng các bác sĩ vẫn cứ cho cháu bé vào phòng cấp cứu, hô hấp. “Đến khoảng 15h chiều, bệnh viện muốn đùn đẩy trách nhiệm nên mới bảo gia đình tôi đưa  cháu lên tuyến trên. Thế nhưng gia đình tôi không đồng ý, nói nếu cho đi phải đảm bảo cháu tôi vẫn còn sống, nhưng bệnh viện không đảm bảo nên tôi không cho đi. Vụ việc này là các bệnh viện tiêm sốc thuốc, sai thuốc mà đùn đẩy trách nhiệm cho gia đình tôi. Bây giờ bệnh viện phải có trách nhiệm với gia đình tôi”, ông Sáu cho biết thêm.

Đưa đi khám bệnh, một cháu bé tử vong bất thường - 2

Chị Lương Thị Thảo, mẹ cháu Khôi bức xúc vì bỗng dưng con chết khi chữa bệnh tại Bệnh viện.

Sốc phản vệ hay bác sĩ tắc trách

Theo ông Sáu, sau khi cháu tôi chết thì bác sĩ Lâm, Giám đốc bệnh viện lên nói cháu tôi bị sốc phản vệ do đó mới chết. Tôi không hiểu biết gì nên các bác sĩ mới nói thế để làm giảm nhẹ vụ việc. Lúc đó bệnh viện chỉ làm cam kết, ghi một mũi kháng sinh, thế nhưng khi khám nghiệm người cháu thì lại có 6 đến 7 mũi tiêm. Ghi như thế tôi không thể chịu được. 

"Gia đình tôi gửi đơn lên cơ quan công an huyện nhờ pháp luật giải quyết vụ việc này. Nếu gia đình sai thì gia đình tôi chịu, còn bệnh viện sai, bệnh viện phải chịu trách nhiệm. chứ cháu tôi đang khỏe mạnh mà tiêm 6, 7 mũi tiêm thì ai chịu được”, ông Sáu nói.

Đưa đi khám bệnh, một cháu bé tử vong bất thường - 3

Ông Hoàng Văn Sáu, ông nội cháu bé mong cơ quan chức năng làm sáng tỏ mọi chuyện.

Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, ông Trần Văn Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Lục Ngạn cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự việc cháu bé chết tại bệnh viện sau khi tiêm là do sốc phản vệ.

“Sau khi tiêm cho cháu được 60 phút thì có diễn biến bất thường, có dấu hiệu bị sốc phản vệ. Bệnh viện đã phát hiện và cấp cứu theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế quy định. Tuy nhiên, cháu bé đã không qua khỏi nên Bệnh viện đã báo cáo lãnh đạo Sở Y tế, UBND huyện, Công an huyện, và mời cơ quan pháp y để kết hợp mổ tử thi. Xảy ra vụ việc thì gia đình có bức xúc và mời cơ quan pháp y. Sau khi mổ tử thi cháu, thì gia đình đã đưa cháu về mai táng”, ông Bình cho biết.

Theo ông Bình, sốc phản vệ theo quy định của ngành được coi là một tai nạn nghề nghiệp, không ai có thể biết trước được điều gì, nếu biết trước được thì người ta đã không dùng. Khi xảy ra sự việc thì Bệnh viện đã xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Chúng tôi sẽ thông tin tiếp về vụ việc này.

Theo Thành An
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tử vong sau tiêm vắc xin