'Con số trẻ tử vong vì sởi quá đau đớn'

Ngày 16/04/2014 17:35 PM (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ không giấu dịch, việc các bé tử vong do sởi khiến bà 'thực sự đau đớn'. Tuy nhiên, việc công bố dịch hay không thuộc thẩm quyền của địa phương, Bộ không trả lời thay được.

Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc họp với BV Nhi Trung ương, với sự tham gia của các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới, các bệnh viện quá tải bệnh nhi sởi, các vụ cục liên quan. Cuộc họp bắt đầu từ gần 9h sáng, rất nhiều cơ quan báo chí đã có mặt, mong muốn vị Bộ trưởng có thể trả lời về những nghi ngờ về dịch sởi.

Tuy nhiên, sau khi đi thăm trực tiếp các khoa đang quá tải bệnh nhân sởi tại BV, tất cả các phóng viên đã được mời ra khỏi cuộc họp. Sau gần 4 tiếng trả lời, dưới sức ép của hàng chục cơ quan truyền thông Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đồng ý có cuộc trao đổi ngắn với báo chí sau hơn 4 tháng dịch sởi bùng phát mạnh tại Việt Nam.

Con số trẻ tử vong vì sởi quá đau đớn - 1

Sáng nay, Bộ trưởng Tiến đã đến thăm các khoa quá tải bệnh nhân sởi tại BV Nhi Trung ương

- Con số 108 ca tử vong do sởi và các bệnh biến chứng do sởi đã vượt xa con số mà Bộ Y tế công bố trước đó là chỉ có 25 ca. Dư luận cho rằng Bộ Y tế đang cố giấu dịch?

Chúng tôi không giấu, bởi nếu giấu chúng tôi đã không công bố con số 108 qua làm gì. Tuy nhiên, cần phải khẳng định lại lần nữa là trong số 108 ca tử vong này chỉ có 25 ca tử vong hoàn toàn là do sởi, còn lại là những ca trên nền tảng bị bệnh khác và bị nhiễm sởi hoặc mắc sởi nhẹ nhưng có các bệnh nặng kèm theo như tim bẩm sinh, não úng thủy, bại não, mắc các bệnh chuyển hóa …

- Tại BV Nhi Trung ương, bệnh viện tuyến cuối cùng đã ghi nhận 103 ca tử vong do sởi và các bệnh biến chứng sau sởi, Bộ trưởng có thấy rằng đây là con số quá cao và thể hiện sự bất thường?

25 ca cháu bé tử vong do sởi là một vấn đề đau đớn, nếu so với cả nước tỷ lệ này không cao nhưng tập trung tại một bệnh viện thì đây lại là tỷ lệ cao, nó cũng bất thường so với những năm trước. Chưa bao giờ BV Nhi Trung ương ghi nhận số ca tử vong vì sởi cao như năm nay.

- Trong nhiều cuộc họp những ngày trước, Bộ Y tế luôn khẳng định dịch sởi năm nay không lớn bằng dịch sởi của năm 2009-2010, tuy nhiên xét về số tử vong thì năm nay lại cao hơn nhiều. Nguyên nhân là do đâu thưa Bộ trưởng?

Hiện nay, một thực tế cho thấy là không chỉ ở Việt Nam bệnh sởi đang tăng tại nhiều nước như Philippines, Trung Quốc, Nhật Bản. Việt Nam đang lặp lại chu kỳ của năm 2009-2010. Tổng số mắc chưa bằng đợt dịch đó nhưng đúng là số tử vong năm nay cao hơn.

Con số trẻ tử vong vì sởi quá đau đớn - 2

Hành lang khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung Ương

Lý do cao hơn là do tất cả các bệnh nhân nặng của miền Bắc đều tập trung tại BV Nhi Trung ương. Phía bệnh viện đang diễn ra tình trạng quá tải trầm trọng. Nếu quá tải chắc chắn chất lượng sẽ khó đảm bảo và gây ra tình trạng nhiễm trùng bệnh viện. Quy luật này xảy ra ở tất cả các nước trên thế giới. BV Nhi Trung ương hiện đã phải trưng dụng cả phòng bác sĩ đẻ làm phòng điều trị cho bệnh nhân sởi. Bệnh sởi là bệnh lây lan rất mạnh, nếu còn tập trung đông tại 1 bệnh viện thì tỷ lệ mắc và tử vong sẽ còn cao.   

- Dù biết là lên tuyến trung ương như BV Nhi trung ương đang quá tải nhưng nhiều cha mẹ vẫn không đành lòng để con điều trị tại tuyến dưới vì họ lo sợ tuyến dưới không đủ trình độ và trang thiết bị trong khi bệnh sởi năm nay lại diễn biến nhanh bất thường, trẻ có thể trở nặng rất nhanh?

Không nhanh, dù chúng tôi không có điều kiện hỏi hết được các ca bệnh nhưng không phải quá nhanh mà vẫn diễn biến tình thường. Khi tập trung quá đông thì bệnh nhân càng có nguy cơ trở nặng nhanh hơn do bội nhiễm chéo nhiều bệnh khác, chứ không phải do sởi.

- Nhiều chuyên gia cho rằng tỷ lệ tử vong cao năm nay là do virus sởi đã có sự biến đổi về chủng và độc lực?

Tôi khẳng định virus sởi chưa có sự biến đổi gene. Chủng virus gây bệnh sởi ở miền Bắc vẫn là chủng virus cũ (H1). Còn độc lực có thay đổi hay không thì chưa thể trả lời được vì muốn khẳng định cái này thì cần phải có nghiên cứu sâu. Tuy nhiên, như đã nói ở trên tỷ lệ tử vong cao là do trẻ bị mắc các bệnh nền khác cùng với sởi chứ không phải tất cả là do sởi.

Con số trẻ tử vong vì sởi quá đau đớn - 3

Các bé nằm la liệt trong phòng truyền nhiễm

- Đến thời điểm này Bộ Y tế có cân nhắc việc tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi hay không?

Tại cuộc họp hôm nay có sự tham gia của 2 chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO: một vị là trưởng đại diện và 1 chuyên gia về tiêm chủng vắc xin của WHO). Các chuyên gia đều khuyến cáo nên tiêm theo đúng phác đồ cũ nghĩa là tiêm cho trẻ từ 9 tháng trở lên. Đến nay vẫn chưa có chỉ định vắc xin cho trẻ dưới 9 tháng bởi nguy cơ xảy ra tai biến có thể sẽ cao và khó khám sang lọc phát hiện được các trường hợp chống chỉ định khi tiêm.

- Với diễn biến dịch sởi vẫn đang nóng như hiện nay Bộ Y tế có biện pháp gì để giảm số mắc và tử vong?

Tỷ lệ tử vong và mắc cao là do bệnh nhân đổ xô vào BV Nhi quá đông, chúng vì thế hôm nay chúng tôi đã mời các bệnh viện trong khu vực Hà Nội đến để chia lửa, hạ bớt tình trạng quá tải cho BV Nhi. Chỉ khi giảm được quá tải, giãn được bệnh nhân ra thì mới có thể giảm số mắc và tử vong được. Hai chuyên gia của WHO cũng khuyến cáo cần giảm tình trạng quá tải tại BV Nhi Trung ương. Ở địa vị chúng tôi nếu có con cháu mắc sởi trong thời điểm này sẽ không dại gì đưa vào BV Nhi Trung ương khám và điều trị. Bệnh sởi hoàn toàn có thể chữa tốt ở các tuyến dưới.

Tuy nhiên, người dân lại không hiểu điều này. Phía BV Nhi Trung ương chia sẻ, rất nhiều bà mẹ có con mắc sởi đưa đến khám tại BV Nhi Trung ương, dù tình trạng không nặng, bác sĩ đã tư vấn và khuyên hoàn toàn có thể chữa trị ở tuyến dưới nhưng họ nhất định không chịu về, nằng nặc đòi phải nhập viện và điều trị tại đây. Khi tự vượt tuyến, bảo hiểm y tế chi trả thấp, thậm chí họ sẵn sang không cần dùng đến thẻ bảo hiểm y tế.  

Trong khi ở các nước khác, vai trò của bác sĩ gia đình rất quan trọng, gắn với y tế cơ sở ban đầu, khám xét nặng mới chuyển lên, nếu không đúng tuyến là có quyền từ chối. Còn ở Việt Nam, không ai dám đuổi bệnh nhân, dẫn đến tình trạng quá tải.  

Con số trẻ tử vong vì sởi quá đau đớn - 4

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã đề nghị các bệnh viện tuyến cuối như BV Nhi Trung ương, khoa Nhi BV Bạch Mai, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương sẽ cử cán bộ y tế về các bệnh viện vệ tinh ở tuyến tỉnh hỗ trợ việc điều trị cho bệnh nhân sởi. Cha mẹ hoàn toàn có thể an tâm đưa con đến khám tại các bệnh viện tuyến cơ sở này vì sẽ được điều trị bởi đội ngũ và phác đồ như ở BV tuyến trung ương.

Bên cạnh đó, ngay trong chiều nay Bộ Y tế đã mời WHO cử chuyên gia về phòng chống nhiễm khuẩn, vắc xin về làm việc với BV Nhi Trung ương để  hạn chế thấp nhất tỷ lệ lây nhiễm trong bệnh viện.

- Dịch sởi có dấu hiệu bùng phát mạnh từ cuối năm 2013 nhưng đến nay sau gần 4 tháng của năm 2014, Bộ mới thực hiện triển khai các biện pháp phòng chống như trên. Có ý kiến cho rằng Bộ đã phản ứng quá chậm?

Không phải bây giờ chúng tôi mới tiến hành các biện pháp đó. Từ trước Tết ngay khi ghi nhận số ca mắc cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ đã thành lập nhiều đoàn thanh, kiểm tra toàn diện vấn đề tiêm chủng mở rộng, tổ chức nhiều đợt tiêm vắc xin lớn, nhiều biện pháp phòng chống, bằng chứng là các tỉnh số ca mắc cao đầu tiên như Yên Bái, Hà Giang… số mắc đã giảm rất nhiều.

- Hiện tại, Hà Nội là nơi tập trung số ca mắc và tử vong do sởi lớn nhất cả nước chiếm 30% số ca mắc và 50% số ca tử vong. Theo Bộ trưởng Hà Nội đã nên công bố dịch sởi?

Theo quy định, Bộ Y tế không có quyền công bố dịch mà thuộc quyền và trách nhiệm của UBND các tỉnh. Chúng tôi không có quyền trả lời thay. Tại cuộc họp ngày hôm nay, tôi cũng đã hỏi đồng chí giám đốc Sở Y tế Hà Nội về việc có cân nhắc vấn đề công bố dịch sởi hay không thì đồng chí nói rằng cần xin ý kiến chỉ đạo của UBND.

Xin cảm ơn bà!

Mai Hương (ghi)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch sởi bùng phát