Bỏ chấm điểm tiểu học, lo phát sinh tiêu cực

Ngày 15/09/2014 16:37 PM (GMT+7)

Từ ngày 15/10 tới, các trường tiểu học sẽ áp dụng qui định bỏ cho điểm thường xuyên đối với học sinh. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong thời điểm bệnh thành tích còn nhiều như hiện thì cũng dễ xảy ra tiêu cực trong xếp loại học sinh.

Học sinh được cởi trói?

Bộ GD&ĐT vừa mới ban hành quy định đánh giá học sinh bằng cách bỏ chấm điểm tiểu học . Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh.

Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm học 2013 - 2014, Bộ đã triển khai thí điểm đánh giá bằng nhận xét thay vì điểm số cho học sinh lớp 1 tại 1.447 trường tiểu học. Kết quả, học sinh giảm được áp lực về điểm số, vui vẻ, hào hứng đến trường. Và từ ngày 15/10 tới, Bộ sẽ áp dụng triển khai đại trà ở tất cả các trường tiểu học trên toàn quốc.

Bỏ chấm điểm tiểu học, lo phát sinh tiêu cực - 1

Từ năm học 2014-2015, sẽ không chấm điểm thường xuyên đối với học sinh tiểu học, thay vào đó là nhận xét của giáo viên.

Đồng tình với phương pháp chỉ đánh giá, không chấm điểm học sinh tiểu học, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Hà Nội cho biết: “Phương pháp này buộc giáo viên phải hướng dẫn, đánh giá cụ thể từng học sinh, giúp các em có điều kiện nhận thức được ưu, nhược điểm để tự phấn đấu. Đặc biệt, đối với học sinh tiểu học, việc nhận xét thiên về khích lệ sẽ giảm áp lực, tạo hứng khởi cho học sinh trong học tập. Hướng đến mục tiêu trẻ đến trường mỗi ngày là một ngày vui”.

Tuy nhiên, với nhiều bậc phụ huynh, mặc dù biết con em mình được “cởi trói” khỏi áp lực học hành, song vẫn còn một số băn khoăn, lo lắng trước quy định này. Chị Nguyễn Thanh Huyền có con học lớp 3 Trường tiểu học Tây Sơn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Mấy năm rồi con được làm quen với việc chấm điểm của giáo viên, chúng tôi cũng qua điểm số mà biết được lực học của con. Giờ bỏ chấm điểm tiểu học, cũng rất khó để biết cháu ở mức nào, học ra sao để mà có kế hoạch kèm cặp”.

Còn phụ huynh Đào Đức Tuấn có con gái học lớp 4 Trường tiểu học Đặng Trần Côn B (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng: “Bỏ chấm điểm thì các con giảm bớt áp lực, nhưng đã học là phải có kiểm tra, thi cử, xếp loại. Điểm số để giúp phụ huynh biết con học ra sao ở trường. Lên THCS phải quay lại cách cho điểm, kiểm tra thường xuyên khiến các con bỡ ngỡ, làm quen lại. Vào lớp 6 tại một số trường THCS vẫn phải qua thi tuyển, rất khó để thi đỗ nếu không qua rèn luyện, làm bài kiểm tra và chấm điểm số thường xuyên”.

E ngại đánh giá không khách quan

Đối với góc độ nhà trường, chuyện không chấm điểm học sinh tiểu học cũng bộc lộ những khó khăn không nhỏ đối với nhà trường. Bà Phạm Thị Minh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Liên Ninh (Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng: “Bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học có thể giáo viên sẽ nhàn hơn, thậm chí tôi lo rằng còn dẫn đến hiện tượng chủ quan, không nâng cao năng lực bản thân, nhà trường cũng khó để đánh giá năng lực của giáo viên... Theo tôi, nên cho điểm những em học tốt, cần được khuyến khích. Còn nhận xét, động viên nên dành cho các em học chưa tốt”.

Theo phản ánh của một số giáo viên ở những thành phố lớn, có lớp học đông từ 45-60 học sinh thì việc chữa bài và ghi nhận xét đối với từng học sinh cũng mất rất nhiều thời gian, khó khăn. Nếu giáo viên không cho điểm, sẽ thường xuyên nhận những cuộc gọi của phụ huynh gọi tới hỏi han, thắc mắc về lực học, tình hình học tập của con. Qua đó, quy định mới này gây nhiều sức ép hơn đối với giáo viên.

Có ý kiến cho rằng, bỏ chấm điểm trong thời kỳ mà bệnh thành tích còn rất nặng nề trong nhà trường, nếu giáo viên dễ dãi, sẽ khiến học sinh không tự biết đúng năng lực của mình. Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: “Với cách đánh giá này cũng không tránh khỏi tiêu cực, thiếu khách quan khi đánh giá đối với học sinh nếu giáo viên chưa tận tâm trong công việc, cũng không loại trừ giáo viên có thành kiến hoặc ưu ái quá với học sinh thì sẽ dẫn đến tiêu cực. Do đó, đòi hỏi giáo viên hơn hết phải có trình độ, đạo đức, tư cách người thầy”.

Để quy định này thực sự mang lại hiệu quả, TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất: “Bộ GD&ĐT cần đưa ra các điều kiện, tiêu chí, yêu cầu cụ thể để các trường tiểu học dễ dàng thực hiện. Đặc biệt, giáo viên phải thật công tâm, hết lòng vì học trò trong việc bỏ chấm điểm tiểu học. Bên cạnh đó, cha mẹ học sinh phải có sự gắn kết, phối hợp cùng nhà trường, thầy cô giúp đỡ con, như vậy mới có sự chuyển biến thực chất và tích cực”.

Theo Quang Anh (Gia đình và Xã hội)
Nguồn:

Tin liên quan