Bão giật cấp 11 hướng vào đất liền

Ngày 31/07/2013 15:50 PM (GMT+7)

Trong khi con số thống kê nạn nhân thiệt mạng vì mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn chưa dừng lại thì ngoài biển Đông, bão số 5 mạnh cấp 11 đang chực chờ tiến vào đất liền.

Bão giật cấp 11 đang hướng vào đất liền

Sáng nay, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành thành bão và có tên là cơn bão số 5.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, lúc 13h trưa nay (ngày 31/7), vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 115,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày 1/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 13 giờ ngày 2/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Bão giật cấp 11 hướng vào đất liền - 1

Đường đi của bão số 5 lúc 13h ngày 31/7 (Nguồn: TT DBKTTVTU)

48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổ hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và di chuyển nhanh hơn, vận tốc khoảng khoảng 20 km/h.Ảnh hưởng của bão sẽ làm vùng biển giữa khu vực Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động rất mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh.

Để đối phó với bão, theo báo cáo số 313/BC-CQTT của Cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB), TKCN/BĐBP, tính đến sáng nay (31/7) Biên phòng các tỉnh đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho gần 35 ngàn phương tiện tàu thuyền với hơn 160 ngàn người biết diễn biễn của bão để chủ động phòng tránh.

Số nạn nhân mưa lũ lên tới 5 người chết, 1 người mất tích

Trong khi bão đang có hướng tiến vào đất liền các tỉnh miền Bắc thì ở các tỉnh miền núi phía Bắc, số người thiệt mạng vì đợt mưa lũ vừa qua đã lên tới 5 người.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB& Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang và Phú Thọ , Lào Cai bị thiệt mạng 1 người; Yên Bái 1 người; Sơn La 2 người; Điện Biên 1 người. Nạn nhân ở Yên Bái là chị Quách Thùy Dung, sinh năm 1980, tại thôn 7 xã Phong Dụ Thượng cũng bị lũ cuốn trôi.

Ngoài ra, tại Yên Bái, 1 người bị lũ cuốn trôi hiện vẫn chưa tìm thấy là bà Bàn Thị Mùi, 47 tuổi, thôn 2 xã Đại Sơn.

Mưa lũ còn làm 7 người bị thương, trong đó Yên Bái 4 người bị thương nhẹ; Sơn La 2 người; Điện Biên 1 người.

Nhiều tài sản, hoa màu khác của bà con các tỉnh miền núi phía Bắc cũng bị mưa lũ tàn phá nặng nề. Cụ thể, tính đến sáng nay, đã có 226 ngôi nhà bị đổ, sập, ngập và hư hại. Hơn 3 ngàn ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, 143 con trâu bò bị chết hoặc lũ cuốn, nhiều tuyến đường giao thông bị hư hại.

Ban chỉ huy PCLB&TKCN các địa phương đã kịp thời có mặt tại hiện trường để động viên, thăm hỏi, giúp đỡ các hộ dân ổn định đời sống, đồng thời chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và tiếp tục đối phó với diễn biến mưa lũ.

Hiện tại, mưa ở các tỉnh miền núi phía Bắc nhiều nơi đã ngớt. Lượng mưa đo được trong đêm qua tại Điện Biên là 53mm; Làng Giữa (Yên Bái): 65mm.

Do đó lũ tại Phú Thọ và các tỉnh miền núi phía Bắc đã tạm thời xuống. Tuy nhiên, lũ đầu nguồn sông Cửu Long được cảnh báo sẽ lên nhanh trong những ngày tới.

Bão giật cấp 11 hướng vào đất liền - 2

Lũ lên nhanh tại các tỉnh ĐBSCL (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa tây nam họat động mạnh nên suốt từ ngày 21/7 đến 31/7 trên lưu vực sông Mê Kông đã có những đợt mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa từ ngày 21/7 – 31/7 phổ biến từ 150mm – 300mm, có nơi trên 400mm như Paksane (Lào): 437mm, Thà Khẹt (Lào): 452mm. Mưa lớn đã làm lũ trên sông Mê Kông đang lên nhanh với cường suất 0,8 – 1,2m/ngày. 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, trong những ngày tới, lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường sẽ làm lũ đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh. Ngày mai (10/8), mực nước tại Tân Châu có khả năng lên mức 3,1m, tại Châu Đốc lên mức 2,8m và sau đó còn tiếp tục lên.

Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan