Tử vong do nhiễm cúm A/H5N1 sau khi ăn thịt vịt chết

Ngày 20/01/2014 21:19 PM (GMT+7)

Một người dân ở tỉnh Bình Phước đã tử vong sau khi giết mổ vịt vì lây cúm A/H5N1 từ gia cầm.

Chiều tối ngày 20/1, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế xác nhận đã có bệnh nhân tử vong vì cúm A/H5N1 đầu tiên trong năm 2014.

Bệnh nhân nam, 52 tuổi, cư trú tại thôn 2, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Được biết, ngày 11/01, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở và được đưa đến khám và điều trị tại BV Đa khoa Bù Đăng với chẩn đoán viêm phổi nghi do virus.

Đến ngày 17/01, bệnh nhân được chuyển vào Khoa Nhiễm, BV Đa khoa Bình Phước điều trị. Tại đây, bệnh nhân cũng được chẩn đoán viêm phổi nặng nghi do vi rút. Tuy nhiên, tổn thương phổi tăng nặng rất nhanh, bệnh nhân khó thở liên tục nên đến ngày 18/01, gia đình xin chuyển bệnh nhân lên điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Bệnh nhân tử vong vào ngày 18/01.

Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân được gửi tới Trung tâm Cúm quốc gia, Viện Pasteur TP.HCM làm xét nghiệm và có kết quả dương tính với cúm A/H5N1.

Điều tra dịch tễ cho thấy gia đình bệnh nhân có giết mổ, ăn thịt vịt, gia đình bệnh nhân và khu vực xung quanh có hiện tượng gà ốm, chết không rõ nguyên nhân.

Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng đã phối hợp với ngành thú y của tỉnh triển khai xử lý ổ dịch và theo dõi sức khỏe người tiếp xúc. Đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp mắc mới.

Đây là ca nhiễm cúm A/H5N1 đầu tiên trong năm 2014 sau 9 tháng không ghi nhận ca bệnh trên người.

Để chủ động phòng chống dịch cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng Bình Phước điều tra dịch tễ và tăng cường triển khai các biện pháp giám sát và phòng, chống cúm A/H5N1 trên địa bàn tỉnh.

Viện Pasteur TP.HCM đã thành lập đoàn đi kiểm tra, giám sát điều tra ca bệnh, ca tiếp xúc, kiểm tra các điểm chăn nuôi gia cầm tại địa phương ca bệnh. Phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng Bình Phước, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh huyện Bù Đăng, cơ quan Thú y vùng 6, Chi cục thú y tỉnh Bình Phước và UBND huyện Bù Đăng tổ chức phòng chống dịch cúm A/H5N1.

Bộ Y tế cũng đề nghị Cục thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hoạt động giám sát phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch cúm trên gia cầm, đồng thời phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch cúm A/H5N1