Trẻ cũng bị loét dạ dày

Ngày 12/10/2013 08:52 AM (GMT+7)

Nhiều người quan niệm loét dạ dày, tá tràng chỉ có ở người lớn nhưng thực tế bệnh gặp nhiều ở trẻ em, thậm chí ở trẻ em rất nhỏ tuổi.

Bệnh dễ bị bỏ qua vì đôi khi người lớn lầm tưởng những cơn đau bụng ở trẻ thường được quy cho các nguyên nhân khác như rối loạn tiêu hóa, đau bụng giun…

Dễ nhầm lẫn

Cách đây ít ngày, cháu V.A.T, 12 tuổi, được gia đình đưa đến Bệnh viện (BV) Đa khoa Hưng Hà (Hưng Yên) trong tình trạng nôn ra máu tươi ồ ạt. Sau khi cầm máu, các bác sĩ tiến hành xét nghiệm máu, soi dạ dày thì phát hiện ổ loét lớn trong dạ dày của cháu T. đang chảy máu. Theo lời gia đình, trước đó khoảng 6 tháng, cháu T. thường xuyên đau bụng, vài đợt đi cầu có phân đen nhưng gia đình chủ quan nên bỏ qua. Gần đây, cháu kêu đau bụng nhiều nhưng gia đình vẫn cho rằng con mình bị rối loạn tiêu hóa nên cho uống thuốc đau bụng. Tuy nhiên, 2 ngày sau khi dùng thuốc, cháu T. có các triệu chứng trên. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hồng, Khoa Khám bệnh (BV Đa khoa Hưng Hà), rất may cháu T. được cấp cứu kịp thời bởi càng mất máu nhiều càng gây rối loạn đông máu, càng khó cầm máu.

Bác sĩ Lê Sỹ Hùng - Khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội) - cho biết trước đây, loét dạ dày - tá tràng được cho là căn bệnh rất ít gặp ở trẻ em nên những cơn đau bụng ở trẻ thường được quy cho những nguyên nhân khác như rối loạn tiêu hóa, đau bụng do giun… nhưng thực tế, đau bụng do nguyên nhân loét dạ dày, tá tràng gặp khá nhiều ở trẻ dưới 15 tuổi. “Trong số 500 bệnh nhi từ 6-15 tuổi đến khám và theo dõi tại Phòng khám Nhi - BV Nhi Bạch Mai vì bị đau bụng tái diễn nhiều lần, có đến 2/3 số trẻ này liên quan đến bệnh lý dạ dày, tá tràng. Đáng lo ngại là nhiều cháu đến khám đã có biến chứng chảy máu do loét dạ dày, tá tràng” - bác sĩ Hùng nói.

Dễ lây từ người lớn

Cũng theo bác sĩ Hùng, nhờ kỹ thuật nội soi tiêu hóa tiến bộ nên việc chẩn đoán loét dạ dày - tá tràng không còn khó khăn như trước nhưng phải phát hiện sớm. Ở trẻ nhỏ, cơn đau dạ dày thường là dữ dội, lăn lộn dễ nhầm với bệnh giun chui ống mật. Trong khi đó, một số biểu hiện hay gặp ở người lớn như ợ hơi, ợ chua lại rất ít khi xuất hiện ở trẻ em. Vì thế, khi thấy trẻ hay đau bụng, phụ huynh cứ nghĩ là trẻ mắc bệnh giun do đó tự mua thuốc tẩy giun nhưng không thấy khỏi mới đưa trẻ đi khám. Với trẻ nhỏ nhiều khi trẻ không biết mô tả cơn đau hoặc kêu đau bụng nhưng cha mẹ tưởng con giả vờ nên cũng không đưa trẻ đi khám” - bác sĩ Hùng lo ngại.

Ngoài ra, theo bác sĩ Nguyễn Văn Hồng, một lý do khác khiến nhiều bậc cha mẹ ngại không muốn cho con nội soi vì sợ con đau nhưng thực tế hiện nay, trẻ sẽ được soi dạ dày bằng ống soi nhỏ, mềm, được gây mê để trẻ không có cảm giác đau.

Theo giới chuyên môn, các biểu hiện của viêm loét dạ dày - tá tràng ở trẻ em thường là ăn uống khó tiêu, đau âm ỉ vùng bụng trên rốn phía bên phải của bệnh nhân. Các triệu chứng có thể tăng lên sau khi ăn, nhất là ăn các loại thức ăn, đồ uống gây kích thích niêm mạc dạ dày như tỏi, ớt, chuối. Biểu hiện có thể rất rõ như nôn ra máu, đi tiêu phân màu đen như bã cà phê hoặc máu tươi rất nhiều nhưng đôi khi rất kín đáo mà trẻ và người nhà khó nhận biết. Các biểu hiện mệt mỏi, da xanh, ăn uống kém, gầy sút, mất tập trung trong học tập, căng thẳng thường gặp nhiều ở trẻ lớn. Viêm loét dạ dày - tá tràng mạn tính ở trẻ em thường do vi khuẩn H.pylori (HP). Vi khuẩn này thường lây truyền theo đường miệng - miệng, tức là trong gia đình có người bị viêm loét dạ dày, tá tràng hoặc phân - miệng do vệ sinh ăn uống kém, ô nhiễm môi trường, nguồn nước nhiễm bẩn. Nếu không được điều trị dễ gây loét sâu dẫn đến xuất huyết tiêu hóa. Về lâu dài, bệnh thành mạn tính, thậm chí tiến triển thành ung thư ở tuổi lớn hơn” - bác sĩ Hùng lưu ý.

Trẻ cũng bị loét dạ dày - 1

Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu có các cơn đau bụng bất thường hoặc tái diễn

Theo bác sĩ Hùng, điều trị bệnh dạ dày - tá tràng ở trẻ nhỏ cũng không đơn giản vì thuốc điều trị cho trẻ cũng khó khăn hơn, trong khi đó có những trẻ khi bác sĩ chỉ định thuốc, bố mẹ không sử dụng đúng liều điều trị nên dễ dẫn đến kháng thuốc. Hơn nữa, viêm dạ dày do HP rất dễ tái đi tái lại nếu không diệt hết nguồn lây. Vì thế, phác đồ điều trị bệnh dạ dày cho trẻ cần phải điều trị luôn cho những người thân nếu trong gia đình có người có biểu hiện đau, viêm dạ dày do HP để loại trừ nguồn lây. Ngoài ra, các bậc cha mẹ nên bỏ tập quán mớm cơm cho con nhỏ vì có thể làm trẻ nhiễm vi khuẩn HP, gây viêm loét dạ dày - tá tràng.

Các bác sĩ cũng cảnh báo trẻ có thể bị viêm loét dạ dày, tá tràng do cha mẹ lạm dụng các thuốc hạ sốt, giảm đau.

Theo Ngọc Dung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp