Bổ sung vitamin thế nào để không bị bệnh?

Ngày 06/01/2014 05:00 AM (GMT+7)

Vitamin và chất khoáng là những chất có tỷ lệ thấp trong cơ thể nhưng là những chất rất quan trọng trong hoạt động sống còn của cơ thể.

Khi thiếu hay thừa những chất này sẽ gây ra nhiều bệnh cảnh khác nhau và đôi khi cũng nguy hiểm đến tính mạng.

Vitamin có nhiều loại, dựa vào tính chất vật lý người ta phân các vitamin này thành hai nhóm. Nhóm tan trong nước như vitamin B, C... nhóm tan trong mỡ như A, D, E...

Chất khoáng là những chất như: sắt, kẽm, đồng, vàng, canxi, magiê, natri, kali, chlor, phosphat, sulphat... Chất khoáng chiếm khoảng 4% trọng lượng cơ thể, người nặng 50kg thì chất khoáng khoảng 2kg.

Mỗi ngày cơ thể phải cần một lượng tối thiểu về chất khoáng. Các chất này phải được cung cấp qua thức ăn, nước uống hay dưới dạng thuốc khi cần thiết vì cơ thể không tổng hợp được các chất này.

Không phải nhiều là tốt

Nhiều người trong chúng ta nghĩ dùng vitamin liều cao như là thuốc tăng lực. Nhưng chúng ta quên rằng vitamin cũng là thuốc, là chất hóa học nghĩa là khi dùng quá liều cũng sẽ bị ngộ độc. Vitamin A, D là hai vitamin tan trong mỡ hay gây ngộ độc khi dùng liều cao kéo dài. Vitamin A được biết là có vai trò quan trọng với thị lực và da, màng tế bào, có thể dùng điều trị các bệnh như vẩy nến, mụn, trứng cá, chứng tóc khô, dễ gãy... Thuốc dùng dễ dàng qua đường uống và người ta đã quan sát được khi ngộ độc vitamin A có thể gây ra phù não, tổn thương trầm trọng ở gan. Cả hai biến chứng này đều có thể nguy hiểm đến tính mạng nên chúng ta phải thận trọng khi dùng vitamin A liều cao kéo dài. Tốt nhất là khi dùng phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ.

Pyridoxine hay còn gọi là vitamin B6 thường dùng để điều trị tình trạng chóng mặt và rối loạn tiền mãn kinh. Khi dùng quá liều kéo dài có thể bị ngộ độc gây tổn hại hệ thần kinh trung ương.

Bổ sung vitamin thế nào để không bị bệnh? - 1

Nhiều người trong chúng ta nghĩ dùng vitamin liều cao như là thuốc tăng lực. Nhưng chúng ta quên rằng vitamin cũng là thuốc, là chất hóa học nghĩa là khi dùng quá liều cũng sẽ bị ngộ độc (Ảnh minh họa)

Acid ascortbic hay còn gọi là vitamin C được biết như là thuốc làm tăng sức đề kháng. Khi thiếu vitamin C thì mạch máu dễ vỡ gây xuất huyết dưới da. Trước đây, bệnh được mô tả ở những thủy thủ lênh đênh trên biển nhiều tháng liên tục không ăn rau, trái cây tươi. Vitamin C mang nhiều lợi ích khi ta biết cách sử dụng. Vitamin C có nhiều trong cây xanh, rau quả như chanh, cam, quýt, bưởi, bắp cải... Nhu cầu cơ thể về vitaminn C cao hơn các loại vitamin khác rất nhiều. Người lớn cần khoảng 50-100mg, nghĩa là 1mg/kg thể trọng mỗi ngày; đối với trẻ con và phụ nữ có thai cần 100-200mg mỗi ngày. Vitamin C ngoài tác dụng tốt cho tim mạch còn có tác dụng tăng sức đề kháng chống lại bệnh cảm, cúm, điều này đã được biết từ vài chục năm trước đây: với liều dùng khá cao 1-4g/ngày trong vài ngày người ta có thể rút ngắn được 30% thời gian mắc bệnh cúm. Ngược lại, nếu chúng ta không biết cách sử dụng, dùng liều quá cao trên 2g/ngày kéo dài trong nhiều tháng có thể gây hại cho dạ dày vì bản thân vitamin là acid - là chất chua. Tệ hại hơn là liều cao vitamin C làm tăng oxalate canxi trong nước tiểu, những tinh thể này sẽ lắng đọng tại thận tạo thành sạn thận. Chỉ nên dùng khoảng 0,5-1g vitamin C mỗi ngày sẽ rất có lợi cho sức khỏe và chống được chứng xơ vữa động mạch... khi cần dùng lâu dài cũng nên hỏi qua ý kiến bác sĩ.

Thiếu lại càng nguy hiểm

Nếu chúng ta không cung cấp đủ vitamin thì sẽ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như: thiếu vitamin A gây bệnh quáng gà, giảm sức đề kháng, thiếu vitamin C gây chứng chảy máu dưới da, thiếu vitamin B1 gây phù, suy tim, thiếu vitamin D gây còi xương, thiếu vitamin B12 gây thiếu máu, viêm dây thần kinh...

Chất khoáng cũng rất quan trọng tham gia vào nhiều phản ứng hóa học quyết định sự sống còn trong cơ thể và là thành phần cấu tạo chủ yếu của một vài cơ quan trong cơ thể như: canxi là thành phần cấu tạo chủ yếu của xương, sắt là thành phần cấu tạo chủ yếu của hemoglobin trong hồng cầu - là chất có chức năng vận chuyển oxygen trong máu.

Thiếu chất khoáng gây nhiều tác hại cho sức khỏe: thiếu canxi gây co giật tay chân, thiếu kali gây chuột rút, rối loạn nhịp tim...

Phòng ngừa thiếu vitamin và chất khoáng bằng cách nào?

Để phòng ngừa những tình trạng này chúng ta nên ăn uống thức ăn có chứa đầy đủ chất khoáng và vitamin cần thiết cho cơ thể. Còn trong điều kiện sức khỏe suy giảm, người già, người bệnh nặng kéo dài chúng ta nên dùng thêm thuốc có chứa đầy đủ các thành phần vitamin và chất khoáng cần thiết cho nhu cầu cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện ở những người ở độ tuổi trung bình từ 48-78 tuổi thì sau 4-10 tuần bổ sung vitamin và chất khoáng có cải thiện rõ rệt về sức khỏe như: giảm được mệt mỏi, tập trung tư tưởng tốt hơn, ăn ngon miệng hơn, dễ ngủ và thời gian ngủ kéo dài hơn...

Vitamin và chất khoáng là những chất nền tảng của sự sống, chúng được cung cấp hàng ngày qua thức ăn, nước uống dễ dàng đến độ có lúc chúng ta quên đi sự cần thiết thực sự của nó. Cho đến khi sự thiếu thốn tích lũy lâu dần theo thời gian trở thành bệnh lý tức là lúc sức khoẻ suy giảm nhiều đôi khi đã khá muộn. Hãy cung cấp kịp thời những gì cơ thể cần.

Theo BS. Phan Hữu Phước (Sức khỏe & Đời sống)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vitamin