Tỉnh dậy giữa những xác người

Ngày 12/08/2014 17:15 PM (GMT+7)

"Anh nằm trên ghế, bật ngược ra sau. Nụ cười vẫn trên môi anh. Nụ cười mỉm thật dịu dàng. Pasje chết rồi", cô kể về sự ra đi của bạn trai trên chuyến bay đến Nha Trang năm 1992.

 

YAK - Chiếc máy bay định mệnh

Chuyến bay mang số hiệu VN474 chở 24 hành khách, 3 tiếp viên, 2 phi công và 1 kỹ sư. Trong lúc đang hạ cánh xuống thành phố biển Nha Trang, vì một lý do nào đó máy bay bị lệch khỏi quỹ đạo bay được ấn định. Cụ thể là máy bay hạ cánh dốc hơn phi hành đoàn dự liệu. Phi công được cho là đã tính toán sai khoảng cách tới bờ biển khi ước chừng nó chỉ khoảng 20 km, trong khi thực ra phải là 43 km. Theo hồ sơ do Vietnam Airlines cung cấp, thời tiết buổi sáng ngày 14/11/1992 thay đổi đột ngột, tạo ra nhiễu động dữ dội. Phi hành đoàn rất khó khăn để điều khiển chiếc máy bay.

Ngày 11/8, Annette Hefkens, tác giả cuốn 192 Hours - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh đã trở lại Việt Nam. Cuốn sách kể về hành trình vật lộn của người phụ nữ Hà Lan sống sót duy nhất trên chuyến bay bị nạn khi di chuyển từ TP.HCM đến Nha Trang, Khánh Hòa.

Xin trích đăng phần Tỉnh dậy giữa những xác người trong cuốn sách này:

"Tôi giật mình tỉnh dậy giữa những âm thanh lạ lẫm của khu rừng. Cây rừng hiện lên trong mắt tôi qua những khoảng trống khổng lồ trước thân máy bay. Buồng lái tan nát. Mọi thứ bất động rợn người nhưng ồn ào kỳ lạ.

Tôi vẫn còn trong máy bay, kẹt dưới thân ghế và bị một xác chết đè lên. Tôi cố gáng đẩy thi thể đó ra, nhưng bất lực. Từ dưới thân ghế tôi duỗi chân ra, tưởng chừng như đang xé toạc chúng. Khi đó, tôi nhìn thấy Pasje dọc lối đi. Anh nằm trên ghế, bật ngược ra sau. Nụ cười vẫn trên môi anh. Nụ cười mỉm thật dịu dàng. Pasje chết rồi.

Tỉnh dậy giữa những xác người - 1
Annette Hefkens sau vụ tai nạn. Cuốn 192 Hours - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh được ra mắt trong tuần này.  Ảnh tư liệu.

Chắc hẳn phải có chấn động gì lớn lắm bởi vì bất thình lình tôi lọt ra khỏi khoang máy bay và ngồi lọt thỏm giữa khu rừng, trên muôn vàn cành cây nhỏ. Tôi không nhúc nhích được, đau đớn khắp người. Tôi nhìn xuống cặp chân trần. Chiếc váy đắp không còn nữa. Đầu gối trái có một vết thương lớn và sâu. Đầu gối phải đầy máu. Da trên mắt cá chân thì hầu như bị xé toạc ra. Nhưng cảnh tượng hãi hùng nhất nằm ở ống chân: tôi nhìn thấy cả xương mình!

Tỉnh dậy giữa những xác người - 2
Phần đầu của chiếc máy bay bị rơi. Ảnh tư liệu.

Một tấc xương phơi lồ lộ ra qua nhiều thớ thịt. Nhìn mọi thứ lúc này cứ như đang lật một trang sách giáo khoa sinh học. Tôi giật giật cử động và ngay lập tức thấy đau thấu xương ở hông. Tôi cố ngồi dậy nhưng cơn đau ở ngực ngăn lại. Hơi thở thì thật nhẹ và nông. Mọi suy nghĩ tuôn ra cùng một lúc và chỉ xoay vần quanh những câu hỏi: Chuyện gì đã xảy ra? Tôi đang ở đâu thế này?

Tôi nhìn quanh. Mình đang ngồi trên dốc núi, dưới nhiêu fbuij cây thấp ken dày. Mảnh vỡ máy bay vương vãi khắp nơi. Máy bay gãy cánh. Buồng lái nát bét. Một thực tế kỳ dị và hư ảo. Mọi thứ đều hóa xanh. Và những âm thanh kia nữa! Càng lắng tai nghe, dường như những âm thanh ấy càng chói tai hơn.

Tỉnh dậy giữa những xác người - 3
Tấm ảnh cuối cùng của Pasje chụp tại khách sạn ở TP.HCM vào sáng 14/11/1992 (trong chiếc máy ảnh sống sót sau vụ tai nạn). Ảnh tư liệu.

Vài người nằm vất vưởng trên dốc núi, dưới đống đổ vỡ. Có tiếng kêu cứu của vài hành khách từ trong máy bay. Tầm 2 mét bên phía tay phải tôi, một cô gái người Việt đang rên rỉ thảm thiết. Cao hơn một chút là thi thể bất động của một người đàn ông. Bất thình linh tôi nhận ra mình đang ngồi cạnh một ai đó - một người đàn ông Việt Nam. Vẫn còn sống và đang nói chuyện với tôi:

- Cô đừng lo, sẽ có người đến cứu chúng ta!

Người đàn ông nói, cách phát âm âm "r" của ông ta cứ như âm "l", y hệt đồng nghiệp người Nhật Numachi của tôi. Cũng bất thình lình tôi nhận ra mình đang ngồi với độc nhất chiếc quần lót. Tôi ngượng ngùng nhìn xuống chân, nhìn xương mình phơi lồ lộ qua từng thớ thịt. Người đàn ông Việt Nam mở chiếc va-li ông đang bấu chặt lấy như chính mạng sống của mình, lấy ra chiếc quần dài đưa cho tôi. Nó làm bằng vải polyester, tôi không cưỡng được ý nghĩ này, nhưng cũng không quên cám ơn ông rối rít. Tuy nhiên khi kéo quần tới hông, tôi chợt nhận ra có một cái gì cực kỳ không ổn đang diễn ra. Một cơn đau khủng khiếp khiến tôi ngừng thở. Xương mông tôi như bị nghiến lại. Tuy vậy, tôi vẫn cố giữ tư cách trước mặt người lạ, dù là trong hoàn cảnh này. Cắn chặt răng, tôi chậm rãi trong vật vã kéo chiếc quần qua khỏi hông, nhanh chóng kéo khóa quần lại và một lần nữa, cám ơn người đàn ông kia. Ông ấy mỉm cười: "Tôi là người quan trọng nên thể nào họ cũng đến cứu tôi", ông nói. 

"Phải rồi!", tôi trả lời. Và thực lòng mong như vậy. Quả thực tôi cũng thấy an lòng từ những lời trấn an, và từ chính sự hiện diện của người đàn ông này. Sau đó, mạnh ai người ấy thu mình vào vết thương của mình. Một vài tiếng sau đó chúng tôi có nói chuyện vài lần, và đều do tôi bắt chuyện. Nhưng khi nào đội cứu hộ mới tới? Tôi thấy rõ là người đàn ông bê cạnh đang yếu dần đi.

- Đừng chết, đừng chết mà! - Tôi nói như van với ông ta. - Tìm một chút nước đi!

- Tôi có nước tồi. - Ông trả lời, nhưng hết sức thều thào.

"À, vậy thì tốt", tôi nghĩ. Miệng tôi khô đắng, và tệ hơn, vừa hôi vừa nhớp nháp.

- Cho tôi xin miếng nước nhé? - Tôi hỏi.

Người đàn ông nhắm mắt, và cái chết dường như đang đến mỗi lúc một rõ ràng hơn với ông. Tôi khẩn thiết van nài:

- Đừng chết và đừng bỏ tôi, làm ơn đi mà!

Tôi hầu như thét lên. Nhưng hơi thở của ông mỗi lúc mỗi nhọc nhằn. Tôi cảm nhận rất rõ sự sống đang dần lìa khỏi ông. Ông trút hơi thở cuối cùng. Và ra đi. Cô gái người Việt bên cạnh tôi, trước đó ít phút còn rên rỉ thảm thiết, bây giờ cũng im bặt. Xung quanh im lặng đến tê dại. Mọi thứ bất động đến rợn người.

Không ai sống sót.

Phần tiếp: Ngày đầu tiên: Đau đớn và chờ đợi.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sách hay cho bạn