Kinh nghiệm đi xa bằng xe hơi

Ngày 09/02/2013 05:02 AM (GMT+7)

Bí ẩn của một hành trình dài là không có gì có thể dự đoán trước, và vì thế chuẩn bị là cách đối phó tốt nhất.

Rong ruổi qua những vùng đất chưa bao giờ tới là đam mê của những người thích phiêu lưu và mới bắt đầu sở hữu xe hơi. Nhưng mọi thứ thước không dễ. Một hành trình trên 5 ngày cần có những dự tính chi tiết và chuẩn bị cẩn trọng.

"Không ai có thể nói trước điều gì trước một chuyến đi dài, bởi con đường luôn ẩn chứa những điều bất ngờ", Việt Anh, người vừa kết thúc chuyến đi qua 4 điểm cực Việt Nam, dài tới 5.000km, trong suốt 20 ngày chia sẻ.

Những hành trang cơ bản

Nếu hành trình của bạn đi tới những vùng hoang vắng, nhất thiết phải có trang thiết bị sơ cứu như băng gạc, nước sát trùng, bông cồn và thuốc trị các loại bệnh thường gặp như cảm cúm, rối loạn tiêu hóa, đau bụng...

Kinh nghiệm đi xa bằng xe hơi - 1

Với chiếc xe, thứ quan trọng là bộ vá dùi và một chiếc bơm điện (chạy bằng nguồn điện trên ôtô, qua lỗ châm thuốc). Một số dòng xe sang như Mercedes GLK trang bị bơm điện trong gói phụ tùng. Nếu chưa có bạn có thể mua tại các đại lý kinh doanh phụ tùng và đồ chơi xe hơi. Trường hợp xe bị thủng lốp do dính đinh, chỉ cần mất khoảng 5 phút là có thể xử lý được xự cố ngay tại chỗ.

Nếu thích khám phá địa hình, trong điều kiện cho phép của xe, bạn nên có một số dây cáp tời chuyên dụng và vài chiếc ma ní. Khi gặp sự cố thì có thể nhờ xe khác kéo. Nếu ở nơi hoang vắng, lái xe cần có dây chão to để quấn vào lốp, giúp xe có độ bám để có thể tự thoát khỏi chỗ bùn lầy. Một chiếc xẻng có thể gấp gọn không chiếm nhiều không gian hành lý, nhưng lại phát huy công năng trong khi bị sa lầy trên bùn hoặc cát.

Với những chuyến hành trình đơn giản tài xế cũng nên chuẩn bị đèn pin, kiểm tra lốp dự phòng, bộ đồ sửa chữa.

Chú ý khi đi đường đồi núi

Đường sá ở nhiều vùng đồi núi Việt Nam có đặc điểm là mặt đường hẹp, nhiều khúc cua gấp hoặc rất gấp, và nhiều đèo dốc gắt. Hơn nữa, rất nhiều xe hai bánh phóng với tốc độ rất cao và thả dốc nguy hiểm.

Chính vì vậy, việc lái xe trên những địa hình này luôn tiềm ẩn những nguy cơ có thể mất an toàn. Trước tiên, tuyệt đối không lấn đường để mở cua ở những khúc cua khuất tầm nhìn, kết hợp bấm còi để báo hiệu cho xe đi ngược chiều biết sự có mặt của mình.

Để đổ dốc an toàn, hãy sử dụng chế độ chuyển số bằng tay (đối với xe số tự động) và tận dụng khả năng phanh động cơ. Giữ tốc độ chậm ở mức bạn cảm thấy có thể quan sát và xử lý kịp thời nếu có tình huống bất ngờ. Nếu trong quá trình đổ dốc mà xe vẫn có xu hướng tăng tốc nhanh hơn thì có nghĩa là cần phải chuyển về số thấp hơn (với cả xe số sàn hoặc số tự động có chế độ chuyển số bằng tay).

Chú ý khi qua cầu khỉ

Với những chuyến đi ở miền sông nước, vượt cầu khỉ là yêu cầu tối quan trọng, đặc biệt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Điểm chung của nhiều cây cầu nhỏ vùng này là làm bằng gỗ, trong đó nhiều cầu có đỡ bằng dầm bê tông. Mặt cầu thường vồng lên, tạo thêm lực cản.

Do đó lái xe cần di chuyển với tốc độ chậm khi leo cầu và giữ đều ga. Nếu cầu nhỏ và yếu, nên lần lượt đi qua cầu, tránh tình trạng cầu bị quá tải. Thốc ga hay phanh gấp là điều tối kỵ khi đi qua cầu khỉ, bởi có thể làm cầu mất cân bằng.

Còn vô vàn những điều để nói về hành trang đường xa, bởi điều đó còn phụ thuộc vào từng tình huống và hoàn cảnh cụ thể. Những người cầm lái cần vận dụng linh hoạt tất cả những gì mình có. Luôn có ý thức tiết kiệm trong cách điều khiển xe. Hãy tưởng tượng, việc kiểm soát chân ga êm ái chỉ cần tiết kiệm 1 lít xăng trên 100 km thì hành trình 5.000 km, một chiếc xe ô tô đã có thể giúp tiết kiệm hơn 1 triệu đồng.

Không những thế, việc điều khiển xe êm ái còn mang lại lợi ích lớn hơn thế rất nhiều. Đó là tâm lý của tất cả những người ngồi trên xe, từ sự thư thái của người lái, đến tự thoải mái của những người đồng hành, và điều này rõ ràng là ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mọi người trong một hành trình dài.

Theo Autopro
Nguồn:

Tin liên quan