Làng đào Nhật Tân phấp phỏng canh hoa chờ Tết

Ngày 07/01/2013 06:43 AM (GMT+7)

Cuối năm, người trồng đào ở làng hoa Nhật Tân (Q.Tây Hồ, Hà Nội) lại nơm nớp lo rét đậm kéo dài và đang lên kế hoạch “sưởi ấm” cho đào nở đúng vào dịp Tết nguyên đán.

Rét đậm kéo dài từ hơn 2 tuần trở lại đây khiến cho anh Nguyễn Văn Hùng (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) lo đứng lo ngồi. Hơn 100 gốc đào chờ Tếtbán của nhà anh Hùng đang ở thời điểm quyết định, nhưng nếu trời cứ rét đậm kéo dài như hiện nay, nguy cơ thất thu nhìn thấy rõ.

“Hôm nào nghe dự báo thời tiết xong cũng sốt hết ruột. Thời gian này đang là lúc quyết định cho công sức cả năm, nên lúc nào cũng lo ngay ngáy”, anh Hùng chia sẻ.

Làng đào Nhật Tân phấp phỏng canh hoa chờ Tết - 1
Theo ông Hùng, nếu thời tiết cứ rét đậm như mấy ngày này mà không "chống rét" cẩn thận cho đào thì mất ăn.

Cả một năm trồng đào, người dân Nhật Tân phấp phỏng nhất lúc này. Còn hơn 1 tháng là đến Tết, đi đâu cũng thấy người trồng đào bàn tán về thời tiết và đưa ra các phỏng đoán. Song mỗi nhà đều có “chiến lược” riêng. Quan niệm của người trồng đào, nghề này là nghề “đánh bạc với trời, năm ăn năm thua” vì phụ thuộc đến 70-80% vào thời tiết.
Ông Trần Văn Sinh, ở cụm 1, Nhật Tân cho biết, vài năm trở lại đây, thời tiết Tết không ổn định, năm nóng, năm lạnh đan xen nên người trồng hoa vất vả hơn trong khâu tính toán để chăm sóc cho đào.

“Từ nay đến Tết nếu cứ rét đậm, rét hại như thế này, chúng tôi lại phải tìm phương án “sưởi ấm” cho đào, nếu không thì “mù” hết, không có hoa, mất ăn. Còn nếu không may trời đổ nắng, thì công sức cả năm bỏ sông bỏ bể vì hoa bung hết, Tết không có hàng mà bán hoặc có cũng không nhiều cành đẹp”, ông Sinh tiết lộ.

Làng đào Nhật Tân phấp phỏng canh hoa chờ Tết - 2
Bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Sinh đang tưới nước cho những gốc đào rừng ghép mắt đào Nhật Tân có giá đắt nhất vườn.

Chưa tiết lộ giá bán hoa đào, song ông Sinh cho hay, đến thời điểm này, hoa, nụ vẫn đẹp nên nếu thuận lợi, giá cũng chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn năm ngoái một chút. Song nếu rét đậm kéo dài, việc “sưởi ấm” hoa không có nhiều tác dụng, đào “mù”, “chột” nhiều thì có khả năng giá những cành, cây đẹp sẽ đội lên đáng kể. Còn nếu trời nắng như dịp Tết 2010, nhiều khả năng, người trồng hoa sẽ mất trắng, phải bán tháo đào với giá rẻ như cho. Ông Sinh cho biết, đã thấp thoáng có người đến vườn thăm, xem và “dạm” trước những cây đẹp.

Vẫn như mọi năm, dịp Tết, hai loại hoa đào được ưa chuộng nhất là đào bích và đào phai. Ngoài ra, còn có đào rừng lâu năm do chính người Nhật Tân kỳ công chọn từng cành, ghép vào gốc đào phai Hà Nội, chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận.

Dịp Tết các năm trước, có cây đào “rừng lai nhà” được người dân Nhật Tân báo giá hơn 100 triệu đồng/gốc. Đó là cây đào hình rồng được bày bán trên đường Âu Cơ vào dịp Tết năm 2012. Những cây đào rừng bình thường có gốc xù xì, rêu mốc và hoa màu nhạt, pha trắng, pha hồng cũng đã có giá vài triệu đồng đến cả chục triệu đồng.



 Làng đào Nhật Tân phấp phỏng canh hoa chờ Tết - 3
Những ruộng đào đã tuốt hết lá đang vào thời điểm quan trọng nhất, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu người trồng đào khôngchăm sóc tốt sẽ mất công cả năm.

Anh Nguyễn Văn Thắng, một người ghép mắt đào kỳ cựu tại làng Nhật Tân cho biết, để cho ra một cây đào đẹp, người trồng hoa phải rất kỳ công, từ khâu chọn gốc, mắt đào, phương pháp ghép, cách chăm sóc, chế độ “dinh dưỡng” suốt một năm để cây đậu hoa đều, đẹp và nở đúng dịp Tết.

Theo anh Thắng, chi phí và công sức bỏ ra cho một vụ đào không nhỏ, đôi khi phải huy động tất cả các thành viên trong gia đình cùng làm: chưa Tết thì tính thời điểm tuốt lá, lên lịch tưới tắm, chăm bón; trồng đào ghép còn phải ghép gốc; thuê nhân công làm đất; thuê vỉa hè bán đào… nên nếu thời tiết không ủng hộ, người dân có nguy cơ “mất Tết” vì loài hoa này.

Mua sắm - Giá cả đang được đọc nhiều nhất:

Theo Đan Hạ (Lao động)
Nguồn: