Giá trứng gia cầm giảm mạnh

Ngày 17/02/2013 05:00 AM (GMT+7)

Sau Tết, giá trứng cung ứng của các công ty CP, Emivest đã giảm và nhanh chóng ổn định trở lại.

Theo Bộ Công Thương, với sự đồng thuận, kiên định của các doanh nghiệp phân phối, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn, giá trứng cung ứng của các công ty CP, Emivest đã giảm. Việc kiểm tra tăng giá bất hợp lý vẫn đang được tiếp tục để xử lý nghiêm theo quy định của Pháp luật.

Xử nghiêm đơn vị tăng giá trứng bất hợp lý

Trong những ngày đầu năm mới 2013 vừa qua, thị trường trong nước đã chứng kiến việc tăng giá chóng mặt của trứng gia cầm, ước tính tăng từ 5 – 10 nghìn đồng/chục quả (tùy từng loại). Trước tính trạng này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra và phát hiện tình trạng đẩy giá của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam và Công ty Emivest.

Công nhận tình trạng này, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 1/2013, tại TP.HCM và Hà Nội, riêng mặt hàng trứng gia cầm của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam và Công ty Emivest liên tục tăng giá, gây bất ổn thị trường. Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Công Thương cùng với các địa phương (TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương) đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất tập trung, tăng cường lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối bình ổn thị trường; tổ chức đoàn công tác làm rõ nguyên nhân tăng giá...

Với sự đồng thuận, kiên định của các doanh nghiệp phân phối, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn, giá trứng cung ứng của các công ty CP, Emivest đã giảm và nhanh chóng ổn định trở lại. Cụ thể, mức giá bán buôn trứng gà công nghiệp tại TP.HCM giảm từ 29 nghìn đồng/chục xuống còn 21,5 nghìn đồng/chục từ ngày 16/1/2013; còn tại Hà Nội giảm từ 24 nghìn đồng/chục xuống còn 21 nghìn đồng/chục từ ngày 25/1/2013.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc kiểm tra tăng giá bất hợp lý vẫn đang được tiếp tục để xử lý nghiêm theo quy định của Pháp luật.

Sau Tết, không có hiện tượng tăng giá do thiếu hàng

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, thị trường tháng 1/2013 giá các mặt hàng tiêu dùng không có nhiều biến động, ngoại trừ một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau xanh, thịt gia súc, gia cầm…bắt đầu tăng giá do ảnh hưởng của thời tiết và các đơn vị cung ứng tập trung để đưa ra vào dịp Tết Nguyên đán, nên nguồn cung trong giai đoạn này có phần bị thu hẹp.

Giá một số mặt hàng thực phẩm chế biến phục vụ Tết bắt đầu nhích lên. Đa phần các mặt hàng thiết yếu khác như xăng dầu, LPG, phân bón, thép xây dựng, xi măng giá tiếp tục ổn định hoặc giảm nhẹ.

Cũng theo dự báo của Bộ Công Thương, trong tháng 2, giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới nhìn chung biến động không đáng kể. Đối với thị trường trong nước, đây là thời gian cao điểm cho các hoạt động mua sắm, tiêu dùng Tết. Theo quy luật, nhu cầu tiêu thụ đối với nhiều nhóm hàng, nhất là hàng thực phẩm tươi sống sẽ tăng cao trong những ngày cận Tết, ngoài ra thời gian nghỉ Tết kéo dài nên nhu cầu vui chơi giải trí trong dịp này sẽ tác động tới giá nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ trong cơ cấu tính CPI.

Tuy nhiên, với sự chủ động của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong công tác chuẩn bị Tết, các chương trình bình ổn thị trường được tích cực triển khai tại nhiều địa phương, cùng nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá diễn ra trên cả nước, với sức mua dự kiến tăng không quá cao thì sẽ không có hiện tượng sốt giá do thiếu hàng, giá hàng hóa trong nước sẽ tăng theo quy luật thông thường.

Theo Yến Nhi (Vnmedia)
Nguồn: