Ăn hải sản "siêu rẻ": Chớ coi thường mạng sống!

Ngày 25/07/2014 12:40 PM (GMT+7)

Ăn hải sản "siêu rẻ" có thể mắc các triệu chứng như dị ứng hải sản gây đỏ da, ngứa, nặng hơn có thể bị khó thở, tụt huyết áp, nôn, đau bụng, thậm chí tử vong.

Thời gian gần đây, tại các khu chợ Việt liên tục xuất hiện những loại hải sản "siêu rẻ" khiến dư luận đi từ bất ngờ đến kinh ngạc. Đặc trưng của những loại hải sản này là có giá thành chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với sản phẩm thông thường. Chính vì thế, những lo ngại về chất lượng sản phẩm đến sức khỏe người sử dụng thực phẩm này đang khiến người dân hết sức quan tâm.

Đủ loại hải sản "siêu rẻ" được bày bán

Theo tìm hiểu thực tế của PV báo Đời sống và Pháp luật, vào các buổi chiều muộn, dọc vỉa hè nhiều tuyến đường ở Hà Nội như Tố Hữu, Nguyễn Xiển, Hoàng Minh Giám, Hồ Tùng Mậu... xuất hiện khá nhiều điểm bán cua biển. Cua được bày trên bao tải hay thùng xốp ngay tại vỉa hè với nhiều giá thành khác nhau. Tuy nhiên, đa phần, chủ hàng bán đổ xô với mức giá được niêm yết công khai là 50.000 đồng/con. Đối với cua to hơn (thường có trọng lượng khoảng 500g/con) thì mức giá tùy vào thỏa thuận giữa người bán và người mua. Trong vai một khách hàng đi mua cua, chúng tôi dừng trước sạp hàng của một thanh niên bán cua trên đường Nguyễn Xiển. Người này quảng cáo đây là cua biển nhập từ miền Nam, giá bán loại to là 80.000 đồng/con, còn loại nhỏ có giá 50.000 đồng/con.

Khi chúng tôi thắc mắc tại sao giá rẻ chỉ bằng một nửa so với cua biển bán tại chợ thì thanh niên này cho biết: "Cua biển bán tại chợ phải thông qua nhiều "cầu" khác nhau nên chi phí phải cao hơn. Ngoài ra, người ta còn tính cả chi phí thuê địa điểm và tâm lý thích mua hàng ở chợ nên người bán có cơ hội thách giá. Chúng tôi thì lấy hàng tận gốc, bán ngay tại vỉa hè nên chắc chắn giá rẻ hơn". Theo quan sát của PV, cua biển bán tại vỉa hè thường là loại cua yếu, rất nhiều con bị chết do "phơi nắng" suốt cả buổi. Vì thế, cứ tầm chiều muộn là các chủ hàng lại bán tống bán tháo cho người qua đường để "lấy vốn".

Bên cạnh những loại cua "siêu rẻ", dân nhậu mùa World Cup truyền tai nhau một loại mực khô "siêu rẻ" rất tiện cho thú, vừa xem bóng đá vừa uống bia. Theo đó, loại mực này được gọi là "mực năm nghìn". Nó có kích thước chỉ bằng 3 đầu ngón tay và khi nướng lên thì thơm ngon không khác gì mực bình thường.

Chính vì thế mà bất chấp lời đồn đoán về nguồn gốc Trung Quốc của loại mực này, các thực khách vẫn đua nhau mua loại mực mini về để vừa ăn, vừa thưởng thức bóng đá. Một tiểu thương bán mực mini tại chợ Hoàng Mai (Hà Nội) quảng cáo với PV rằng: "Mực mini được nhập từ Quảng Ninh với giá khá cao. So với mực thông thường (có giá từ 500.000 đồng - 800.000 đồng/kg tùy loại) thì nó cũng không chênh lệch nhiều lắm. Tôi nhập vào là 400.000/kg. Tuy nhiên, do mực nhỏ, số lượng rất nhiều nên giá nhập tính ra cũng chỉ khoảng 4.000 đồng/con. Trong khi đó, tại chợ đầu mối Phùng Khoang, chị L. quảng cáo mực mini nhập từ quê nhà Thanh Hóa và có giá bán 320.000 đồng/kg. Nếu mua về để bán lẻ thì chỉ cần bán với giá 5.000 đồng/con là có lãi".

Trong khi đó, tại các chợ của TP. Hồ Chí Minh và TP. Huế gần đây xuất hiện loại mực tươi có giá "sốc" là 20.000 - 40.000 đồng/kg. Theo phản ánh của nhiều người dân thì loại mực này có màu lạ, thân tròn dài, da đỏ nâu, khác hẳn những loại mực tươi được bày bán trên thị trường từ trước đến nay. Nguồn gốc của mực "siêu rẻ" thì mỗi người bán nói một cách không biết ai đúng, ai sai. Tuy nhiên, so với giá mực tươi thông thường thì mực này chỉ bằng 1/6 giá thành nên nhiều người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Hơn nữa, theo phản ánh của nhiều người dân thì chất lượng của loại mực tươi "siêu rẻ" này cũng rất khác với mực tươi truyền thống, ăn tuy có giòn nhưng không hề ngọt và có dấu hiệu bị mủn.

Ăn hải sản quot;siêu rẻquot;: Chớ coi thường mạng sống! - 1

Cua biển được "phơi nắng" trên đường Nguyễn Xiển. 

Độc tố nào có trong “hải sản lòng đường”?

Có lẽ, chưa bao giờ hải sản "siêu rẻ" lại xuất hiện ồ ạt tại các chợ trên khắp cả nước như hiện nay. Trong khi người ta đang tranh cãi nhau về nguồn gốc và chất lượng của những thực phẩm này thì hàng ngày, rất nhiều người vẫn mua về để sử dụng. Bất chấp những cảnh báo và nghi ngờ vì giá thành rẻ đáng kinh ngạc của những loại hải sản vốn có giá thành rất cao, người tiêu dùng bình dân vẫn cho đây là một cơ hội được ăn những sản phẩm vốn khá đắt đỏ này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dinh dưỡng rất lo ngại về điều này.

Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên- trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai cho biết, những loại hải sản đã chết hoặc bị ôi thường chứa histamine (là một amin sinh học có liên quan trong hệ miễn dịch cục bộ cũng như việc duy trì chức năng sinh lý của ruột và hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh-PV). Trong các loại hải sản đều tồn tại loại vi khuẩn đặc biệt có khả năng gây bệnh tiêu chảy. Vi khuẩn này sẽ sinh sôi nhanh chóng trong hải sản vừa bắt lên và càng tăng nếu để lâu chưa chế biến. Với những loại hải sản đã chết, hải sản đông lạnh, hải sản khô... vi khuẩn này tăng hoạt động, sản sinh ra một chất có tên là histamine, nói cách khác thịt hải sản bị biến chất do vi khuẩn, thành một chất độc.

Khi vi khuẩn sinh sôi nảy nở thì lượng histamine cũng tăng lên và tích luỹ trong thịt hải sản. Khi người dân ăn vào, chất này được hấp thu nhanh vào trong máu và gây các biểu hiện dị ứng. Bởi theo nghiên cứu mới đây, histamine có vai trò như một chất của bạch cầu. Các triệu chứng ngộ độc, dị ứng hải sản sẽ gây đỏ da, ngứa (chủ yếu ở mặt, cổ, ngực, tay, nói chung là ở phần trên), nặng hơn có thể bị khó thở, tụt huyết áp, nôn, đau bụng, thậm chí tử vong. Nhưng quá ít người tiêu dùng biết đến nguy hiểm đó.

TS. Nguyễn Thị Lâm- viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: "Những thủy, hải sản tươi sống bán rải rác trên các tuyến đường, vỉa hè vốn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có thể nguy hại đến sức khỏe người ăn. Nguyên do là họ bán rong, bảo quản trong thùng nước đá thô sơ hoặc bày bán trên vỉa hè khó an toàn với thời tiết mưa, nắng thất thường, nên dễ hư hỏng, mà thủy hải sản có những tiêu chuẩn bảo quản rất khắt khe. Với các loại cua ghẹ đã chết vài giờ, nếu bảo quản đúng cách, xử lý, làm sạch, cấp đông và bảo quản lạnh vẫn có thể ăn được. Tuy nhiên, khi cua ghẹ đã chết, vi khuẩn xâm nhập nhanh, độc tố và men phân giải chất đạm hoạt động cũng rất nhanh nên rất nhanh hỏng. Đấy là tôi đề cập tới những hải sản có nguồn gốc rõ ràng. Đối với những hải sản không rõ nguồn gốc và nhất là những hải sản "siêu rẻ" như hiện nay thì người dân cần phải đề cao cảnh giác. Chớ thấy rẻ mà mua về sử dụng dễ rước bệnh vào người".                 

Theo Lan Thiệu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kinh hoàng thực phẩm bẩn