Kinh nghiệm sinh nở xuyên lục địa của mẹ 2 con

Ngày 16/09/2014 00:01 AM (GMT+7)

Những kinh nghiệm sinh nở xuyên lục địa của tôi đã giúp tôi có được những hiểu biết cần thiết để có một thai kỳ khỏe mạnh.

Tôi đã được chăm sóc trước khi sinh trên 3 châu lục ở 4 quốc gia – Trung Quốc, Mỹ, Ý và Hà Lan. Tôi mang bầu con trai ở Trung Quốc và tôi đã dành 3 tháng đầu làm việc ở Thượng Hải, sau đó là một mùa hè ở thành phố New York trước khi chuyển đến Milan để sinh bé.

Hiện tại tôi đang mang thai bé thứ hai được nửa chặng đường và giả sử tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch con gái tôi sẽ được sinh ra ở Amsterdam, nơi mà người chồng Hà Lan của tôi và tôi mới chuyển đến gần đây. Tôi ước gì tôi có thể nói rằng những kinh nghiệm xuyên lục địa của tôi đã giúp tôi thu thập được những hiểu biết cần thiết để có một thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, đây là những gì tôi đã học được:

1. Quan niệm khi mang thai ở mỗi quốc gia khác nhau

Đây là một chân lý phổ biến: Ngay khi bạn mang thai, cho dù bạn ở nơi nào trên thế giới, một số người có ý tốt sẽ cho bạn một số lời khuyên (mặc dù bạn không yêu cầu họ). Tuy nhiên, những lời khuyên này lại thường mâu thuẫn nhau.

Ở Trung Quốc, phụ nữ khi mang thai cố gắng đi lại càng ít càng tốt – phụ nữ mang thai được cho là rất nhạy cảm và yếu. Ngược lại, nữ hộ sinh người Hà Lan của tôi lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thường xuyên tập thể dục, cô ấy nói rằng tôi có thể tiếp tục chạy bộ miễn là tôi cảm thấy thoải mái và cô ấy còn khuyến khích tôi tập yoga trước khi sinh.

Ở Mỹ, phụ nữ mang thai được khuyên nên tránh ăn sushi, còn ở Nhật Bản, tôi nghe nói bạn khó có thể tìm thấy người nào mà không nghĩ rằng cá sống tốt cho thai nhi. Ở Ý, tôi được khuyên uống cà phê đặc sẽ tốt, trong khi ở Mỹ tôi lại được khuyên uống đồ uống đã lọc hết caffein.

Kinh nghiệm sinh nở xuyên lục địa của mẹ 2 con - 1
Ở mỗi nước lại có những lời khuyên cho bà bầu rất khác nhau. (ảnh minh họa)

2. Nên tin tưởng vào chính mình

Trong bối cảnh những lời khuyên trái chiều thì điều tốt nhất là nên tin vào chính mình và sự lựa chọn của mình. Bởi bạn là người biết rõ nhất điều gì tốt cho bạn và con. Ví dụ ở một số nước ở nơi công cộng tôi sẽ không uống một hớp rượu nào dù là nhỏ của chồng, ngay cả khi tôi có thể uống tại một buổi tiệc riêng của gia đình nhưng tôi cũng sẽ không làm điều đó. Nếu ai đó nói rằng: “Ôi, bạn đang mang thai, bạn không thể ăn miếng pho mát này!” thì tôi sẽ mang theo miếng pho mát đó ra ngoài hơn là bắt đầu một cuộc tranh luận. Và sau đó, tôi sẽ biết quyết định nào là tốt nhất cho tôi. Đó là một bài học thực sự: giữa những ý kiến trái chiều, bạn nên tin tưởng chính mình.

3. Không phải tất cả người Châu Âu đều thoải mái ăn uống trong suốt thai kỳ

Khi mẹ chồng tôi mang thai ở Pháp, vị bác sĩ người Pháp của mẹ chồng tôi đã quy định mỗi ngày bà uống một ly rượu vang đỏ  vì thế tôi đã tính toán rằng thời kỳ tam cá nguyệt thứ ba của tôi ở Ý sẽ là một cơ hội tuyệt vời để tôi dùng rượu vang đỏ và tha hồ ăn mỳ ống.

Tuy nhiên, tôi đã mắc một sai lầm chết người. Bởi ở miền Nam nước Ý, ở Milan các bà bầu được khuyến cáo phải kiêng hoàn toàn rượu. Và việc tôi thoải mái ăn mỳ ống đã bị bác sĩ người Ý trách mắng vì tăng cân quá nhiều. (Tôi đã tăng gần 8 kg trong 7 tháng, theo bác sĩ người Mỹ của tôi đây là cân nặng vừa đẹp).

Thậm chí ở Amsterdam, tại một bữa tiệc tối, tôi đã rất ngạc nhiên khi vị chủ nhà thông báo với chúng tôi rằng món cá sẽ được chuẩn bị đặc biệt đó là khi nấu sẽ không cho rượu trắng vào cho tôi và một vị khách mang thai khác. Tuy nhiên, trước đó tôi lại chưa bao giờ lo lắng về việc cho rượu vào một số món trong khi nấu.

4. Tiêu chuẩn về cân nặng ở mỗi quốc gia rất khác nhau

Theo nguyên tắc, bác sĩ người Ý của tôi nói, cân nặng tiêu chuẩn trong thời kỳ mang thai là mỗi tháng tăng 1 kg tức là tăng khoảng 9 kg trong toàn bộ thai kỳ. Tuy nhiên, ở Mỹ số cân nặng tiêu chuẩn là từ 11 kg đến 15 kg. Ở Trung Quốc, theo lý thuyết là tăng càng nhiều càng tốt. Còn ở Hà Lan, họ không quan trọng tăng bao nhiêu cân.

Phụ nữ ở Ý thường tự hào khi tăng cân đúng như tiêu chuẩn là 9 kg. Còn phụ nữ ở Trung Quốc thì dường như đều hài lòng khi họ tăng được 22 kg hoặc nhiều hơn khi mang thai.

Và tôi đã cố gắng để không quá quan tâm vào cân nặng nhưng thực sự đôi khi rất khó.

Kinh nghiệm sinh nở xuyên lục địa của mẹ 2 con - 2
Phụ nữ Trung Quốc dường như đều hài lòng khi họ tăng được 22 kg hoặc nhiều hơn khi mang thai. (ảnh minh họa)

5. Quan niệm khác nhau về mốc thời gian sinh mổ

Gần đến tuần sinh nhưng con trai tôi vẫn quay ngược đầu xuống dưới vì vậy vợ chồng tôi đã lên kế hoạch đẻ mổ, tuy nhiên tôi và chồng đã rất ngạc nhiên khi biết rằng tiêu chuẩn để đẻ mổ ở Ý phải là 38 tuần. Còn ở đất nước của vợ chồng tôi là Mỹ và Hà Lan tiêu chuẩn là 39 tuần.

Không muốn xúc phạm bác sĩ của mình hay văn hóa ngành y của cô ấy, tôi đã nhẹ nhàng cố gắng để đẩy lùi ngày sinh lại. Ban đầu cô ấy muốn sắp xếp cho tôi sinh mổ vào ngày Halloween, nhưng tôi đã giải thích trong văn hóa của tôi đó là một ngày của thần thánh và vì thế tôi không thể sinh vào ngày đó.

Ngày có thể mổ tiếp theo là ngày 2 tháng 11, nhưng ở Ý đó là ngày của người chết vì vậy theo lương tâm cô ấy không thể mổ cho tôi. Cuối cùng, chúng tôi đã quyết định mổ vào ngày 6 tháng 11.

6. Mức độ can thiệp trước khi sinh ở mỗi đất nước cũng khác nhau

Ở Hà Lan cân nặng của tôi không được nhắc đến cũng không được đo. Họ để quá trình mang thai phát triển tự nhiên trừ khi có một vấn đề nào đó. Ban đầu tôi đã rất sửng sốt với điều này bởi tôi luôn luôn cân vào mỗi lần khám ở Trung Quốc, Mỹ và Ý.

Trong cuộc thăm khám đầu tiên của tôi với nữ hộ sinh của tôi, tôi đã chờ đợi để được yêu cầu bước lên cân hoặc thử máu. Bởi tại Ý và Trung Quốc, tôi đã trải qua rất nhiều xét nghiệm máu mà thậm chí tôi còn không biết mình đang xét nghiệm máu làm gì. Tuy nhiên, cô ấy lại giải thích rằng họ tin em bé phát triển tự nhiên và họ cố gắng không can thiệp vào mẹ hoặc bé trừ khi cần thiết. Trong một lần khám, cô ấy đã không nghe nhịp tim của em bé bởi vì trước đó tôi đã thực hiện một siêu âm. Theo cô ấy, chỉ một sự can thiệp đó đã đủ để biết em bé và mọi thứ vẫn tốt.Trong một lần khám gần đây, tôi còn được biết người Hà Lan cũng không yêu cầu phụ nữ mang thai xét nghiệm sàng lọc glucose để kiểm tra bệnh tiểu đường thai kỳ trừ khi có một dấu hiệu cho thấy mẹ bầu có nguy cơ mắc. Điều này khiến tôi hết sức ngạc nhiên.

Ở Mỹ, các xét nghiệm kiểm tra glucose được yêu cầu làm. Và tôi đã làm xét nghiệm đó, thật sự là khó chịu. Tôi đã phải uống một lượng lớn glucose trong 5 phút và cố gắng không để nôn ói khi chờ đợi 1 tiếng để lấy máu. Sau khi thất bại trong xét nghiệm đầu tiên, tôi phải làm một xét nghiệm thứ hai thậm chí còn kinh khủng hơn đó là uống glucose ngay khi buồn nôn và tôi phải lấy máu mỗi giờ trong 3 giờ. Và thật may tôi không bị tiểu đường thai kỳ.

Khoảng 2 – 5% bà mẹ mang thai mắc bệnh tiểu đường thai kỳ vì thế ở Mỹ tất cả các bà mẹ mang thai đều đi xét nghiệm. Còn ở Hà Lan, bạn chỉ phải đi xét nghiệm nếu nữ hộ sinh hoặc bác sĩ của bạn tin rằng bạn có nguy cơ mắc bệnh.

Thu Hoài (Lược dịch)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu