Rau thân ống: Dễ rước trứng giun

Ngày 14/02/2014 10:11 AM (GMT+7)

Theo các chuyên gia, chị em nội trợ cần lưu ý rửa sạch sẽ rau thân ống và nấu chín, không được ăn tái.

Với các loại rau thân ống, nếu sống trong môi trường nước bị ô nhiễm thì chất độc hại, vi khuẩn, ký sinh trùng, trứng giun có thể đi vào thân để tồn tại. Nếu quá trình rửa không được sạch sẽ, đúng quy trình thậm chí đun nấu không kỹ sẽ dẫn đến trứng giun, trứng sán có thể đi vào cơ thể gây hại cho sức khỏe.

Một số hình ảnh trên mạng Internet chụp bên trong ống của rau với những vi sinh vật bám chặt. Nếu rửa và đun nấu không kỹ khó có thể hết được.

Rau thân ống: Dễ rước trứng giun - 1

Rau thân ống: Dễ rước trứng giun - 2

Sán được tìm thấy trong rau cải xoong (Ảnh: Internet)

Ký sinh trùng, chất độc hại vào thân ống

Trao đổi với chúng tôi, PGS  - TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, những rau thân ống phần lớn sống ở dưới nước như rau cần, rau muống (có loại rau muống cạn), rau cải xoong… Tuy nhiên, hiện nay, có một số ao, hồ, sông bị ô nhiễm nên nước bẩn có thể vào trong phần thân của cây rau.

Rau thân ống: Dễ rước trứng giun - 3

Rau thân ống: Dễ rước trứng giun - 4

Rau cần là một loại rau thân ống

“Các loại rau trồng ở khu vực nước bị ô nhiễm vốn dĩ đã bẩn vì nước ô nhiễm chui vào trong thân ống. Nhưng có một số người sau khi hái còn nhúng xuống nước không được sạch sẽ để rửa rau, làm cho rau nhìn được tươi hơn nên các chất độc hại, ký sinh trùng có thể tiếp tục vào trong ống”, PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh nói thêm.

Cũng theo ông Thịnh, trong nước ô nhiễm có thể chứa vi sinh vật, ký sinh trùng, trứng giun, trứng sán… Một số người từng có thói quen ăn rau muống sống, rau cần tái, nhưng trên thực tế quá trình rửa nếu không sạch sẽ không loại bỏ hoàn toàn được các chất độc hại. Thậm chí, một số hàng quán vỉa hè, chạy theo số lượng, rửa rau không đảm bảo làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Rau thân ống: Dễ rước trứng giun - 5

Một số người từng có thói quen ăn rau muống sống, rau cần tái, nhưng trên thực tế quá trình rửa nếu không sạch sẽ không loại bỏ hoàn toàn được các chất độc hại (Ảnh: Internet)

Mặc dù, quá trình đun nấu có thể tiêu diệt được trứng giun, trứng sán nhưng vẫn có loại trứng giun chịu được nhiệt độ cao như trứng giun đũa. Nếu rau không được nấu chín, trứng giun vào cơ thể sẽ gây hại. Trứng giun vào ruột sẽ lấy dinh dưỡng cơ thể làm cho người đó bị suy kiệt, chui qua màng ruột có thể đi vào cơ bắp, thậm chí lên não, mắt, gan, thận…hết sức nguy hiểm

Cùng quan điểm với ông Thịnh, TS Phan Thanh Tâm (Bộ môn Công nghệ Thực phẩm – Sau thu hoạch, Viện Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cao nhất là từ rau sống, bởi không được qua chế biến nhiệt. Cho nên, trứng giun có thể dễ dàng vào cơ thể, đi qua đường tiêu hóa, qua cả thành ruột để lên đến não, thậm chí gan, thận.

 “Nguy cơ rau bị nhiễm bẩn có thể gặp với tất cả các loại rau chứ không phải mỗi rau thân ống. Tuy nhiên, nguy cơ càng cao nếu người dân dùng phân hoặc nước bẩn tưới rau, điều đó là hoàn toàn không được phép.”, TS Phan Thanh Tâm khuyến cáo.

Rửa rau dưới dòng nước, cắt bớt phần ngập nước

Rau thân ống: Dễ rước trứng giun - 6

PGS - TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng: Khi mua rau thân ống về ăn, người tiêu dùng có thể cắt bớt phần ngập nước cách gốc một đoạn

Để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình, PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh đưa ra lời khuyên, với rau thân ống, người tiêu dùng cần rửa sạch rau khi mua về hoặc cắt đi một đoạn cách gốc một chút, bởi đó là phần bị ngập nước, làm như vậy cũng giúp bỏ bớt phần già. Tuy nhiên, lưu ý không để rau dập nát, vì như vậy các ký sinh trùng, vi sinh vật có thể bám vào những bộ phận khác.

“Lưu ý rửa nhiều nước, rửa nhiều lần, không để bầm dập rau. Ngoài ra, không nên ăn sống, cần đun chín. Khi nấu cũng cần có thời gian, không ăn tái dễ bị nhiễm các loại trứng giun, trứng sán, vi sinh vật”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Mặt khác, PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho rằng, ở những khu vực có nước bị ô nhiễm không nên khuyến khích trồng rau. Ngoài ra, người hái rau để bán cũng cần có lương tâm, không nên nhúng xuống nước bẩn rửa rau để bán lại cho người tiêu dùng.

Còn TS Phan Thanh Tâm khuyến cáo, để xử lý ấu trùng trong thân ống hoặc bám chặt vào rau, hay giảm bớt các ký sinh trùng độc hại có thể ngâm rau trong dung dịch nước muối loãng 0,9-1% với thời gian 10 phút để tách ấu trùng tách ra khỏi rau trước khi rửa.

“Tuy nhiên, sau đó cần rửa sạch rau,  rửa nhiều lần, rửa liên tục dưới dòng nước để làm trôi bớt ấu trùng, tạp chất bẩn. Khi nấu cần cho nước ngập rau, đun sôi sau đó để thêm khoảng 5 phút để rau chín hoàn toàn”, TS Phan Thanh Tâm lưu ý.

Anh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹo hay nhà bếp