Viêm não NB: chủ quan là hại con

Ngày 11/07/2014 00:00 AM (GMT+7)

Bệnh thường có biểu hiện ban đầu giống với các bệnh nhiễm virut thông thường khác, nên rất khó để phát hiện.

Theo ThS. BS. Đỗ Thiện Hải - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Thời điểm tháng 6, tháng 7 đang là đỉnh điểm của bệnh viêm não Nhật Bản. Hiện mỗi ngày tại khoa tiếp nhận tới 5 đến 7 ca viêm não. So với những năm trước thì mỗi năm chỉ có khoảng 80 ca viêm não Nhật Bản, nhưng năm nay riêng tháng 6 đã có khoảng 60 ca.

Cũng theo bác sĩ Hải, viêm não Nhật Bản là 1 trong những nguyên nhân đáng sợ nhất của các nguyên nhân gây viêm não, với tỉ lệ di chứng cao. Trẻ có thể bị di chứng về tinh thần như chậm phát triển về trí tuệ, về nhận thức,… hoặc di chứng về vận động: Trẻ nằm im tại chỗ, cơ co cứng và không phục vụ. Đó là những di chứng hết sức nặng nề.

Viêm não NB: chủ quan là hại con - 1
ThS. BS. Đỗ Thiện Hải - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương

Bệnh khó phát hiện

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải cho biết, trừ những trường hợp đặc biệt có diễn biến cấp tính rất nhanh, trong vòng 2 – 3 ngày đầu trẻ đã hôn mê; còn hầu hết các ca viêm não Nhật Bản cũng tương tự các bệnh nhiễm virut khác, trẻ đều có những biểu hiện giống nhau như: có thể có ho, sốt, chảy mũi, hắt hơi,… Do đó, trong vòng 2 – 3 ngày đầu rất khó để phân biệt được trẻ có phải nhiễm viêm não Nhật Bản hay không.

Rất nhiều phụ huynh khi thấy con có biểu hiện ho, sốt thông thường như vậy thì hay tự ý mua thuốc cho con uống. Để đến khi bé có biểu hiện nguy kịch mới đưa đến viện cấp cứu. Theo bác sĩ Hải, điều đó là hoàn toàn không nên, nhất là đang vào mùa của bệnh viêm não. Bố mẹ cần lưu ý, khi thấy trẻ có những biểu hiện như sốt, nôn, đau đầu,… thì phải nghĩ nhiều đến bệnh viêm não và cần tới ngay các cơ sở điều trị chuyên khoa Nhi khám, để được các bác sĩ hoặc nhân viên y tế tư vấn và cho biết cách theo dõi triệu chứng bệnh như thế nào.

Tránh trường hợp có mẹ thấy con bị nôn thì cứ “khăng khăng” là bé nôn do viêm họng mà không đưa con đi viện. Bác sĩ Hải cho biết, chỉ có các bác sĩ mới phân biệt được đâu là trường hợp nôn của nhiễm trùng thần kinh do virus, và đâu là nôn do viêm họng. Vì thế, ngay khi con có những biểu hiện như vậy thì nên lập tức đưa bé tới bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời. Tránh để bé nguy kịch rồi mới nhập viện có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị và khiến con mang di chứng nặng nề.

Khả năng hồi phục

Bác sĩ Hải cho biết, nếu được điều trị sớm và không xảy ra biến chứng, bệnh nhân viêm não Nhật Bản có thể hết viêm cấp sau 1 tuần đến 10 ngày, sau đó thì hồi phục. Tuy nhiên, với những bệnh nhân bị biến chứng thì có thể mang di chứng khá nặng nề về tinh thần hoặc thể chất. Đáng ngại nhất là có những trường hợp biến chứng rất nhanh và can thiệp không đáp ứng thì bệnh nhân có thể tử vong.

Tuy nhiên, hiện tại kĩ thuật điều trị khá tốt, khả năng hồi phục 80 – 90%. So với trước đây tỉ lệ di chứng rất cao, chỉ có 20 – 30 % bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Vì thế, điều quan trọng là bố mẹ cần cảnh giác với bệnh và đưa con đến khám, điều trị kịp thời.

Viêm não NB: chủ quan là hại con - 2
Một em bé đang rất nguy kịch do viêm não Nhật Bản tại BV Nhi TW

Làm sao để phòng tránh viêm não Nhật Bản

Theo Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, các bậc phụ huynh cần lưu ý tới những vấn đề sau để phòng tránh viêm não Nhật Bản cho con:

- Tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế dự phòng mới nhất: Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch, bởi vắc-xin này rất hiệu quả. Trẻ cần được tiêm chủng với 3 liều cơ bản: Mũi đầu tiên lúc trẻ được 1 tuổi, mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

- Phụ huynh cũng nên lưu ý tới các phương tiện truyền thông, bởi vào mùa bệnh dịch thường sẽ có rất nhiều thông tin để các bậc phụ huynh tham khảo, đối chiếu. Khi ấy, cần để ý xem con có biểu hiện bất thường (ví dụ như sốt cao) nào không thì đưa bé đi khám sớm. Bởi khi đang có bệnh dịch nào, các bác sĩ sẽ lưu ý đến các triệu chứng đặc biệt về bệnh dịch đó. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về cho con uống. Bởi có nhiều bà mẹ thấy con ho, sốt,… thì hay nghĩ đến lần con bệnh trước đó và chủ quan mua những loại thuốc như vậy về cho con. Thế nhưng, với hầu hết các bệnh nhiễm vi rút: sốt xuất huyết, cúm hay viêm họng do vi rút,… thì đều có những biểu hiện “na ná” nhau trong 2 – 3 ngày đầu. Vì thế, các bậc phụ huynh không được chủ quan.

Huyền Đặng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ và bé