Thuốc không tốt cho trẻ 2-4 tuổi

Ngày 15/04/2013 13:57 PM (GMT+7)

Một sơ sẩy nhỏ khi cho trẻ uống thuốc cũng có thể hại đến tính mạng trẻ nhỏ.

Trẻ nhỏ dễ gặp phản ứng có hại, tác dụng phụ của thuốc hơn người lớn, vì thế cho trẻ uống thuốc kê đơn hoặc không kê đơn thậm chí cả những thuốc “thảo dược” cũng là vấn đề nghiêm trọng mà các bậc phụ huynh cần cân nhắc. Dưới đây là một số loại thuốc bạn không bao giờ được cho trẻ từ 2-4 tuổi uống.

Aspirin

Nếu không phải do bác sĩ nhi khoa kê đơn cho trẻ, bạn đừng bao giờ cho trẻ uống aspirin hay bất kỳ dược phẩm nào có chứa aspirin. Nghiên cứu cho thấy aspirin có mối liên hệ đến hội chứng Reye, một bệnh lý não và gan hiếm gặp, chủ yếu ở trẻ em với đặc điểm là tình trạng phù não và suy gan nhiễm mỡ tiến triển nhanh chóng, tỷ lệ tử vong cao từ 30 – 50%. Trẻ em bị bệnh này thường dùng nhiều Aspirin và nồng độ Aspirin trong máu rất cao so với người khác.

Nếu cần hạ sốt hoặc điều trị triệu chứng cho trẻ, bạn có thể thay aspirin bằng paracetamol (tên gọi khác là acetaminophen) hoặc ibuprofen và đừng quên đảm bảo liều lượng thuốc cho trẻ phải chính xác. Tuy nhiên, nếu con bạn bị mất nước hoặc ói mửa hay bị hen suyễn, có các vấn đề về thận, có vết loét hoặc các chứng bệnh gì khác kéo dài, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ uống ibuprofen. Ngoài ra, bạn cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ về loại thuốc thay thế paracetamol nếu con bạn có bệnh về gan.

Thuốc không tốt cho trẻ 2-4 tuổi - 1
Một sơ sẩy nhỏ khi cho trẻ uống thuốc cũng có thể hại đến tính mạng trẻ nhỏ.

Các loại thuốc không kê đơn trị ho và cảm

Việc hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ khuyên không cho trẻ 2-4 tuổi uống các loại thuốc không kê đơn trị ho và cảm. Nhiều nghiên cứu cho thấy các loại thuốc này không thật sự làm dịu triệu chứng ở trẻ độ tuổi này nhưng lại có thể gây nguy hiểm, nhất là khi trẻ nhầm lẫn uống quá liều lượng được khuyến cáo.

Ngoài các tác dụng phụ như buồn ngủ hoặc mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, nổi mẫn hoặc phát ban, trẻ còn có thể gặp những ảnh hưởng nghiêm trọng khác như nhịp tim nhanh, co giật và thậm chí tử vong. Theo thống kê, mỗi năm tại Hoa Kỳ có hàng ngàn trẻ phải nhập viện sau khi uống quá nhiều thuốc trị ho và cảm.

Nếu con bạn từ 2-4 tuổi bị cảm lạnh, bạn hãy thử dùng máy tạo ẩm hoặc những liệu pháp chữa trị khác tại nhà cho trẻ.

Thuốc chống ói

Đừng cho con bạn uống thuốc kê đơn hoặc không kê đơn chống ói trừ khi bác sĩ của bé đặc biệt khuyến cáo bạn làm thế. Hầu hết các cơn buồn nôn thường diễn ra trong thời gian rất ngắn và trẻ thường có thể xử lý mà không cần dùng đến thuốc. Ngoài ra, các thuốc chống ói cũng có rủi ro và có thể xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, nếu con bạn ói và bị mất nước, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ những gì nên làm cho con trong trường hợp này.

Thuốc nào hết hạn

Hãy vứt bỏ bất kỳ thuốc kê đơn hay không kê đơn nào đã hết hạn sử dụng. Đồng thời, bạn cũng cần bỏ ngay những viên thuốc có màu sắc thay đổi hoặc vỡ vụn – nói chung là không giống như khi bạn mới mua thuốc về. Nếu quá hạn sử dụng, thuốc có thể không còn hiệu quả và thậm chí còn có thể gây hại. Ngoài ra, bạn cũng không nên vứt thuốc cũ vào bồn cầu rồi xả nước vì có thể khiến thuốc thẩm thấu vào nguồn nước ngầm và lọt vào hệ thống cung cấp nước cho gia đình. Mặc dù vậy, cũng có một số loại thuốc mà Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ khuyến cáo nên bỏ vào bồn cầu xả nước thay vì cho vào thùng rác. Bạn có thể nhận ra các loại thuốc này bằng cách đọc trên nhãn thuốc. Nếu không chắc chắn về thông tin bạn cần, hãy hỏi dược sĩ hoặc tìm hiểu ở địa phương nơi bạn sinh sống liệu có chương trình thu gom thuốc cũ và quá hạn sử dụng hay không.


Thuốc không tốt cho trẻ 2-4 tuổi - 2

Không nên cho trẻ uống thuốc bừa bãi (Ảnh minh họa).

Dư lượng paracetamol (acetaminophen)

Một số loại thuốc có chứa paracetamol để giúp hạ sốt và giảm đau, vì thế bạn cần thận trọng khi cho trẻ thêm một liều paracetamol khi trẻ đang uống các loại thuốc này. Nếu bạn không chắc thành phần trong thuốc đó có gì, đừng vội cho trẻ uống paracetamol hoặc ibuprofen cho đến khi bạn có thông tin xác nhận từ bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thuốc gây ói Ipecac Syrup

Ipecac Syrup là thuốc gây ói và thường được dùng để cấp cứu khi bị ngộ độc. Tuy nhiên, các bác sĩ hiện nay không còn khuyến cáo dùng Ipecac Syrup vì không có bằng chứng nào cho thấy ói giúp điều trị ngộ độc. Trên thực tế, Ipecac Syrup gây hại nhiều hơn lợi khiến con bạn ói liên tục trong trường hợp con bạn sử dụng một giải pháp chữa trị khác, chẳng hạn như than hoạt tính.

Viện hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên loại bỏ bất kỳ Ipecac Syrup nào có trong nhà và cho rằng cách tốt nhất để ngăn ngừa các tai nạn ngộ độc là giữ các tác nhân tiềm ẩn rủi ro trong tủ khóa lại hoặc để tránh xa tầm tay trẻ.

Thuốc có thể nhai

Không phải tất cả các loại thuốc có thể nhai được đều cần hạn chế, nhưng bạn nên cẩn thận cân nhắc nên hay không nên và cho trẻ uống như thế nào.

Hầu hết trẻ 4 tuổi đều có thể “tiêu thụ” được các loại thuốc nhai, đặc biệt là những loại thuốc mau tan.  Nhưng bạn cần để chú ý khi đưa thuốc nhai cho trẻ, đặc biệt là khi trẻ chưa quen ăn thức ăn đặc.

Nếu bạn lo ngại các thuốc nhai có thể gây ngạt thở cho con bạn, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ xem liệu có thể nghiền viên thuốc đó rồi đặt vào muỗng thức ăn mềm chẳng hạn như yogurt hay táo thắng nước đường cho trẻ không. Và dĩ nhiên, bạn sẽ cần đảm bảo trẻ ăn hết cả muỗng để đảm bảo thuốc đủ liều.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Thuốc cho trẻ