Không nên để trẻ bị áp lực thi quá sớm

Ngày 09/06/2014 15:16 PM (GMT+7)

Tạo cho trẻ một tâm lý thoải mái và hào hứng khi mới bắt đầu đến trường có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quá trình học tập của trẻ về sau. Bởi vậy, không nên tạo áp lực học tập cho trẻ khi mới bắt đầu đi học, nhất là về thi cử.

“Cuộc chiến” vào lớp 1 và nhận thức sai lầm của phụ huynh

Muốn con mình được học tập trong một môi trường có chất lượng giáo dục và đào tạo tốt nhất, đó là tâm lý chung của nhiều phụ huynh. Bởi vậy cũng không có gì lạ khi nhiều bậc cha mẹ cố gắng tìm những trường chuyên, lớp chọn – những địa chỉ được cho là đáng tin cậy để con mình dự thi và mong con sẽ đỗ trong đầu vào. Có lẽ cũng chưa khi nào mà kì thi vào lớp 1 cho trẻ lại trở nên căng thẳng và cũng không kém phần quyết liệt như hiện nay, nó là một “cuộc chiến” thực sự đối với các “sĩ tử nhí”, một “cuộc chiến” không thua kém gì một kì thi đại học ngay khi các em vừa bước chân vào ngưỡng cửa học đường.

Hình ảnh những đứa trẻ 6 tuổi “mắt nhắm mắt mở” vì quá buồn ngủ nhưng vẫn phải cặm cụi bên ngọn đèn đến tận 1 giờ sáng để làm đề thi thử vào các trường “điểm”, bên cạnh là cha hoặc mẹ ngồi kèm với ánh mắt cương nghị và kiên quyết đã trở nên quen thuộc tại một số thành phố lớn, trước 1 – 2 tháng khi kì thi vào lớp 1 của các trường “điểm” bắt đầu.

Không nên để trẻ bị áp lực thi quá sớm - 1

Phụ huynh đợi con thi vào lớp 1 tại buổi thi sáng ngày 7/7 tại trường THDL Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.

Thực tế thì với nhiều em, học ôn và thi vào lớp 1 là vì sợ (áp lực từ cha mẹ) hơn là vì niềm đam mê, hào hứng được đến trường đi học và gặp gỡ bạn bè.

Dù khi sinh ra là một đứa trẻ hoàn toàn bình thường và con được đánh giá là hiếu động, học hỏi nhanh, ưa khám phá thế giới xung quanh nhưng giờ đây, Nguyễn Hoài Anh (8 tuổi), con trai chị Trần Thị Mai Phương (trú tại 204 E3, KTT Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội) lại phải học trong lớp dành cho trẻ tự kỉ. Hoài Anh mắc hội chứng “sợ học”. Hơn ai hết, chính cha mẹ em là người hiểu rõ nguyên nhân khiến con mình mắc bệnh.

Chị Phương cho biết: “Trước kia cháu hoàn toàn bình thường, cháu chỉ mắc bệnh hơn 1 năm nay thôi. Vợ chồng tôi thực sự  rất ân hận, có lẽ do cách bắt ép con mình học nhiều quá nên cháu mới bị ức chế tâm lý và sinh ra bệnh. Cách đây gần 3 năm, khi cháu thi vào lớp 1, vợ chồng tôi quyết định chọn trường Tiểu học Marie Curie để cháu thi vào vì tôi nghe nói chất lượng dạy học của trường rất tốt. Hai tháng trước khi thi, tôi bắt con mình phải thức để làm hết các đề thi của trường.

Khi cháu đã đỗ vào, sợ con mình ham chơi, lực học bị giảm không theo kịp các bạn nên ngoài việc thúc ép con học, vợ chồng tôi còn thuê gia sư về dạy kèm thêm cho cháu 3 môn Tiếng Việt, Toán và Tiếng Anh”.

“Thời gian đầu thì tôi thấy cháu vẫn bình thường nhưng về sau thì cháu bắt đầu nói ít, ngại giao tiếp với người ngoài, thậm chí cả bố mẹ và bạn bè. Lực học của cháu cũng sút hẳn. Hỏi cô giáo chủ nhiệm thì được biết trên lớp học cháu tiếp thu bài rất chậm. Qua lời khuyên của bạn bè, tôi đưa cháu đi khám thì các bác sĩ chẩn đoán cháu chớm mắc bệnh trầm cảm – tự kỉ. Nguyên  nhân là do bị ức chế tâm lý kéo dài”, chị Phương nói.

Trên thực tế, những trường hợp trẻ mặc bệnh về tâm lý do liên quan đến áp lực học tập quá lớn từ gia đình và nhà trường như trường hợp con chị Phương nói trên không phải là hiếm nếu không muốn nói là khá phổ biến hiện nay.

Chị Phan Thị Hương – Giáo viên và chủ nhiệm lớp Tư vấn và can thiệp sớm Mai Hương (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Số trẻ từ 6 – 10 tuổi mắc bệnh liên quan đến tâm lý do áp lực từ học tập và thi cử phải chiếm đến hơn 50% số trẻ mắc bệnh tâm lý đang cần các phương pháp can thiệp tại lớp học của chúng tôi hiện nay. Nhận thức sai lầm của phụ huynh khi bắt ép con học và thi cử quá nhiều đã gây nên áp lực cho trẻ, khiến trẻ luôn lo lắng, sợ hãi và sinh ra bệnh khi áp lực đó tồn tại trong một thời gian dài”.

Hãy để trẻ phát triển một cách tự nhiên

Tại kì thi vào lớp 1 vào trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm (được cho là một trong những trường “điểm” về đào tạo cấp tiểu học tại Hà Nội) ngày 7/7 vừa qua, nhiều bậc cha mẹ đưa con đi thi cho biết để chuẩn bị cho con bước vào kì thi, trước đó 2 tháng, nhiều người đã bắt ép con học ôn và làm tất cả các đề thi từ các năm trước của trường, có hôm đến 1 giờ sáng.

Lý giải về điều này, nhiều bậc cha mẹ cho rằng làm thế là cần thiết, là “rèn cho con ý thức tự học” về sau. Bà Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng trường THDL Đoàn Thị Điểm cho biết, trong kì thi tuyển sinh vào lớp 1 năm nay, trường chỉ lấy chỉ tiêu 12 lớp, mỗi lớp khoảng 30 – 34 học sinh. Tuy nhiên số hồ sơ dự thi vào trường đông gấp 4 lần chỉ tiêu nên tỉ lệ chọi trong kì thi vào lớp 1 của trường sẽ “quyết liệt” không thua kém gì kì thi đại học.

Không nên để trẻ bị áp lực thi quá sớm - 2

Nhận thức sai lầm về vấn đề định hướng học tập cho con của nhiều phụ huynh đã và đang khiến các em bị áp lực.

Bà Trần Thị Thắm – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết, Bộ GD-ĐT đã có quy định nghiêm cấm việc dạy ôn thi vào lớp 1 cho trẻ. Theo bà Thắm, quy định trên là nhằm giàm bớt áp lực cho học sinh và tiêu cực xảy ra trong việc chạy lớp chạy trường.

“Tuy quy định của Bộ đã ban hành cụ thể, rõ ràng song việc ép trẻ ôn thi vào lớp 1 vẫn xảy ra, điều này xuất phát từ chính tâm lý của phụ huynh nên Bộ rất khó quản lý. Nhận thức sai lầm của cha mẹ trong việc ép con học và thi cử, chọ trường chọn lớp cho con đã tạo ra áp lực cho trẻ. Đáng ra trẻ có thể hào hứng đi học nhưng vì bị ép nên tạo ra hiệu ứng ngược: trẻ sợ học. Dưới góc độ là cơ quan quản lý, chúng tôi cũng đã cảnh báo rất nhiều lần về vấn đề này”, bà Thắm cho biết.

Tiến sĩ Vũ Thị Lan Anh (Tổ Tâm lý – Giáo dục học. Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐHSP Hà Nội) cho rằng: “Tạo cho trẻ một tâm lý thoải mái và hào hứng khi mới bắt đầu đến trường có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quá trình học tập của trẻ về sau. Bởi vậy, không nên tạo áp lực học tập cho trẻ khi mới bắt đầu đi học, nhất là về thi cử. Kết quả từ công tác nghiên cứu và giảng dạy nhiều năm, chúng tôi nhận ra rằng giai đoạn trẻ bắt đầu đi học đóng vai trò quyết định đến thái độ của các em đối với việc học tập về sau”.

“Hiện nay, học sinh tiểu học nói riêng và học sinh các cấp học nói chung đang phải chịu rất nhiều áp lực lớn từ học tập, thi cử. Áp lực đó đến cả từ phía gia đình và nhà trường. Khi trẻ mới vào lớp 1 là khi các em còn bỡ ngỡ, càn tạo một cảm giác thoải mái, thú vị, hòa đồng để các em làm quen và khám phá, từ đó hình thành nên thái độ học tập tự giác từ các em hơn là tạo ra áp lực từ thi cử khiến các em có cảm giác sợ hãi việc học và môi trường giáo dục”, TS Vũ Thị Lan Anh cho biết.

“Hãy để trẻ phát triển tự nhiên, đừng tạo áp lực hay gò bó các em. Sai lầm lớn nhất của nhiều bậc phụ huynh là cố “gò” con mình theo định hướng và khuôn phép mà mình vạch sẵn mà quên mất rằng chính điều đó đã triệt tiêu luôn cả sự sáng tạo từ nơi các em. Trường chuyên lớp chọn chưa hẳn đã là một môi trường tốt cho trẻ lớp 1 khi thi vào nếu ở các em luôn bị áp lực và tạo ra cảm giác sợ hãi việc học”, TS Lan Anh khuyến cáo.

H.Sơn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tuyển sinh lớp 1