Mẹ Pháp: "Trẻ con không phải ngỗng béo!"

Ngày 11/08/2014 14:53 PM (GMT+7)

Trò chuyện với Lina - cô bạn mới người Pháp mà mình đã rút ra được nhiều điều đáng suy ngẫm về cách chăm con.

Đợt hè vừa rồi, mình với ông xã đã có chuyến du lịch tới Pháp vô cùng đáng nhớ. Không chỉ là ấn tượng về cảnh quan tuyệt đẹp, những món ăn ngon và nhiều điều mới mẻ nơi đây; mình còn được làm quen với 1 bà mẹ Pháp thực sự thú vị - Marianne Lina. Cô ấy là bạn cũ của ông xã thời học Đại học (chồng mình trước đây đi du học bên này mà). Không thể từ chối lời mời đến thăm nhà của cô ấy, mình và ông xã đã ghé qua đó vào sáng chủ nhật trước khi về Việt Nam. Cuộc gặp gỡ khá vui vẻ vì Lina là người cởi mở, dễ gần. Nhất là khi trò chuyện với cô ấy về con cái (Lina cũng có cậu con trai trạc tuổi Bin nhà mình), mình đã rút ra nhiều điều đáng suy ngẫm.

Kể lại chuyện này mình vẫn hơi xấu hổ một chút. Vì quen như khi ở Việt Nam, vừa đến nhà Lina là mình vội vã "khen" ngay khi găp Paul - con trai cô ấy: "Trời ạ, cậu bé mũm mĩm dễ thương quá! Chắc bạn phải khéo lắm mới chăm con mập mạp như thế này". Đến khi ngồi uống trà trò chuyện, mình vốn không quen với văn hóa nơi đây nên lại tiếp tục tập trung vào chủ đề con cái. Mình ra sức khen Paul béo khỏe và tỏ ra buồn khi nói đến Bin - con trai mình - so với Paul thì không khác gì cành củi khô! Thế nhưng, khác với suy nghĩ của mình, Lina không hề tỏ ra tự hào hay vui với những lời khen đó. Khi cuộc trò chuyện trở nên thân mật hơn, cô ấy nói rằng: "Sự thật là mình đang có chút lo lắng về Paul".

- Lo lắng ư? Vì điều gì chứ? Thằng bé đang khỏe mạnh, tăng cân nhanh và dễ thương thế cơ mà? - mình hết sức ngạc nhiên hỏi cô ấy.

Và để giải đáp cho những thắc mắc của mình, Lina nhẹ nhàng giải thích: "Thực ra Paul chỉ "béo" chứ không hề "khỏe" chút nào. Thằng bé có vài vấn đề về sức khỏe do tăng cân nhiều quá. Có thể các bạn quan niệm rằng 1 cậu bé mập mạp thì sẽ rất đáng yêu và khỏe mạnh. Nhưng thực ra một đứa trẻ quá mập mạp không hẳn là khỏe đâu. Bạn phải nhớ rằng không có mối liên quan nào giữa béo và khỏe cả. Hiện tại mình đang kiểm soát rất chặt chẽ chế độ ăn của bé, nên con chỉ được ăn một lượng đủ để cung cấp năng lượng cho các hoạt động hàng ngày mà thôi...".

Vậy đấy, điều đó có nghĩa là Paul vẫn có thể ăn thêm nữa nhưng bị mẹ từ chối! Tôi liền kể cho Lina nghe rằng, với tôi và nhiều mẹ Việt khác, con ăn được thêm 1 thìa cơm đã là điều hạnh phúc lắm rồi. Chứ chưa bao giờ có chuyện con vẫn đói mà không được ăn thêm. Nhiều mẹ còn khổ sở nhồi nhét thức ăn để bé mập hơn đôi chút. Vậy là cô ấy ngạc nhiên: "Thật ư? Bọn trẻ đâu phải... ngỗng béo mà bị nhồi thức ăn như thế?" Rồi cô ấy xác nhận sau khi tôi "tường thuật" lại cách nuôi con của mình: "Đúng là ở mỗi nơi mỗi khác thật". Sau đó, Lina bắt đầu chia sẻ về cách chăm con của phần lớn những mẹ Pháp nơi đây:

Coi trọng sự phát triển trí não hơn cả

Lina bảo rằng, ở đây mọi người không bao giờ hỏi: "Cháu được mấy kg rồi? hay con ăn được bao nhiêu cơm?...". Thay vào đó là những câu hỏi như: "Bé đã làm được gì rồi, đã biết được những gì,..." và bàn luận về những hoạt động, những trò chơi giúp bé phát triển tư duy, nhận thức,... Họ cũng chia sẻ với nhau về thời điểm hợp lý để bắt đầu trò chuyện với bé, khi nào thì nên dạy con chơi những trò luyện cách cầm nắm, vỗ tay,.... Tóm lại, với Lina và nhiều mẹ Pháp khác, một trong những tiêu chí phát triển quan trọng nhất đối với con người là phát triển não.

Mẹ Pháp: quot;Trẻ con không phải ngỗng béo!quot; - 1
Những em bé Pháp không bao giờ bị nhồi nhét thức ăn, thậm chí, nếu bé tăng cân nhiều quá còn có thể bị "cắt giảm" bớt thực phẩm để đảm bảo sức khỏe. (Ảnh minh họa)

"Béo" không liên quan đến "khỏe"

"Tất nhiên, một cậu bé mũm mĩm dễ thương thì nhìn sẽ rất đáng yêu" - Lina nhún vai công nhận - "Nhưng mình thấy một cậu bé hơi "còi cọc" 1 chút cũng chẳng có vấn đề gì. Miễn sao bé vẫn khỏe mạnh, tăng cần đều hàng tháng (tuy rất ít) và nhất là khả năng ngôn ngữ, tư duy, nhận thức của con phát triển kịp các mốc chuẩn được đưa ra" - Lina chia sẻ. Cô ấy còn nói thêm: "Một đứa trẻ lớn lên phải được chăm sóc sao cho con phát triển nhận thức tốt, để cảm nhận được những điều tốt đẹp. Bố mẹ phải làm cho bé cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ, thoải mái,... thay vì "vỗ béo" để chúng trở nên đáng yêu hay khiến cho mọi người không cười chê. Như thế là mẹ đã chỉ nghĩ đến bản thân mình rồi chứ không phải đang muốn điều tốt cho con. Thử nghĩ xem, nếu chúng ta là những đứa trẻ và bị ép ăn khi đã quá no, quá chán thức ăn rồi, điều đó có khủng khiếp không? Tất nhiên, khi đó con sẽ chỉ sợ hãi và tìm cách chống lại mà thôi chứ đâu có tốt cho bé chút nào".

Đến đây thì mình bắt đầu “ngộ” ra những sai lầm trong cách chăm sóc Bin lâu nay. Có lẽ vì khi đưa con đi khám, mình chỉ thấy bác sĩ cân và đo chiều cao của bé mà không thực hiện kiểm tra sự phát triển trí não, nên đã lầm rằng "cao" và "béo" mới là tiêu chí quan trọng nhất. Vậy là mình “chăm chăm” vào vỗ béo cho con. Thực ra, ép uổng Bin ăn mình cũng chẳng hề muốn chút nào, mình cũng là một bà mẹ hiện đại và biết rằng điều đó chẳng hề tốt cho con. Nhưng nhìn Bin cứ còi dí còi dị, kém xa so với các bạn ở nhà trẻ, mình thấy chạnh lòng lắm. Nhất là những khi trò chuyện với các mẹ khác về con cái, ai cũng ra sức khoe con còn mình thì im lặng, bởi mình chẳng có gì để khoe cả. Đã vậy, ông bà và nhiều người thân cứ gặp con là lắc đầu: “Mẹ chăm làm sao mà Bin chẳng lớn được thế này?” Lúc ấy mình cũng stress kinh khủng và bị cuốn đi với suy nghĩ: “Cần làm mọi cách để con béo hơn”.

Giờ nhớ lại những lúc Bin giãy giụa, khóc ngằn ngặt vì mình cố đút thêm vào thìa cháo mà ân hận quá, hình ảnh đó bỗng dưng khiến mình nhận ra rằng đã quá ích kỉ với con, và chỉ nghĩ đến bản thân. Lúc đó, chắc hẳn Bin đã sợ hãi và cố gắng lắm để thoát ra mà không được. Người ta thường nói, bữa ăn là sự hưởng thụ, vậy mà mình đã biến nó thành nỗi ám ảnh của con mất rồi.

Giờ thì có lẽ mình sẽ học theo cách chăm con của mẹ Paul thôi. Lời khuyên của Lina làm mình suy ngẫm rất nhiều: “Nếu Bin cũng mập ú như Paul, nhưng suốt ngày phải đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe thì bạn có vui nổi không? Cho dù bề ngoài vẫn được mọi người khen ngợi là chăm con tốt”.

Chia sẻ của mẹ Bin (Jolie_Le...@.......)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ tây dạy con