Thi vào lớp 1: Đã hết ép con!

Ngày 07/06/2014 14:36 PM (GMT+7)

Phần lớn phụ huynh đưa con đi thi vào lớp 1 tại một trường nổi tiếng ở HN đều có tâm lý "thi như đi chơi".

Sáng 7/6, rất đông phụ huynh đưa con tới tham dự kiểm tra năng lực nhận thức vào lớp 1 của trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm. Hầu hết các bậc cha mẹ đều tỏ ra thoải mái và không gây áp lực cho con cái.

“Đi kiểm tra là cuộc đi chơi”

Gia đình chị Phạm Thị Ân (Ba Đình – Hà Nội) dành ngày nghỉ cuối tuần đưa cô con gái đến tham dự kiểm tra năng lực nhận thức. Ngay từ khi con gái còn học mẫu giáo, quan điểm dạy con của cả hai vợ chồng hết sức rõ ràng, chú trọng dạy về tâm hồn thông qua các bài thơ, câu chuyện, khám phá thế giới xung quanh. Tâm lý thoải mái nhất luôn được chị tạo ra để con gái không cảm thấy áp lực. Thậm chí, chị Ân cho rằng, việc đỗ hay không không phải là điều quan trọng.

Thi vào lớp 1: Đã hết ép con! - 1
Hầu hết các phụ huynh và các con đều có tâm lý thoải mái khi đến trường

"Tôi nghĩ rằng cháu thi được thì học không thi được thì thôi chứ không ép học hay ép thi. Nhiều phụ huynh quan niệm, trước khi con vào lớp 1 phải đọc thông viết thạo. Còn với con gái tôi, đây là lần đầu tiên bé đến trường Đoàn Thị Điểm, chỉ mới biết bảng chữ cái. Thế nhưng, cháu vẫn hay đọc sách qua trí nhớ từ các câu chuyện mẹ kể. Riêng về tiếng Anh, cháu có tham gia 1 lớp từ giữa tháng 12 với thời lượng 2 tiếng/tuần. Tham dự những lần kiểm tra như thế này sẽ giúp con được trải nghiệm, tiếp xúc với mọi người”, chị Ân chia sẻ.

Thi vào lớp 1: Đã hết ép con! - 2
Không quá gây áp lực cho con là điều mà các phụ huynh luôn chú ý

Trong khi đó, một vị phụ huynh khác tỏ ra hồ hởi khi cậu con trai bước ra khỏi phòng thi với nụ cười hồn nhiên. Phụ huynh này cho biết, gia đình anh đánh giá, đi kiểm tra về năng lực cũng giống như một cuộc đi chơi, để con được thể hiện khả năng của bản thân chứ hoàn toàn không gây áp lực.

“Tôi cũng tiếp xúc với các phụ huynh, rõ ràng có sự phân chia ra hai nhóm. Có những người muốn con phát triển theo khả năng tự nhiên. Tuy nhiên, cũng có người muốn con phải đỗ vào trường này trường kia để có hội phát triển. Tất nhiên, việc con được học ở môi trường tốt sẽ vẫn là điều mong mỏi của nhiều phụ huynh. Nhưng có lẽ các bậc cha mẹ cũng nên nhìn vào khả năng của con cái. Nếu gây áp lực đôi khi có tác dụng ngược lại. Trẻ con mà, với một câu hỏi, nếu trong trạng thái tâm lý thoải mái thì trả lời rất nhanh chóng nhưng khi trẻ không thích thì lại là vấn đề khác”, vị phụ huynh này tâm sự.

Thi vào lớp 1: Đã hết ép con! - 3
Anh Hà (Mỹ Đình - Hà Nội) tỏ ra vui vẻ sau khi con gái hoàn thành bài kiểm tra

Chung quan điểm với hai phụ huynh trên, anh Hà (Khu đô thị Mỹ Đình – Hà Nội) cũng cho rằng, việc gây áp lực là điều không nên, bởi ở lứa tuổi như các bé vào lớp 1 vẫn cần thời gian vui chơi nhiều.

Anh Hà chia sẻ thật: “Iối qua, tôi vẫn cho cháu đi chơi, sáng nay đưa bé đến đúng giờ chứ không có chuyện bắt học hay là tạo áp lực khiến con phải lo lắng. Đưa con đi thi ai cũng hi vọng sẽ có kết quả như mong đợi nhưng không vì thế mà ép con làm quen  quá sớm với các môn học”.

Chuẩn bị là một quá trình chứ không phải cấp tốc

Khi con gái vừa bước ra sân trường sau khi hoàn thành bài kiểm tra, chị Thanh Mai (Nguyên Hồng – Hà Nội) cảm thấy nhẹ nhõm. Dù mong muốn con gái được học ở môi trường tốt nhưng không phải vì vậy mà cá nhân chị cũng như gia đình đặt quá nhiều áp lực lên vai con. Theo chị, ở tuổi lên 6, lên 7, trẻ vẫn cần được vui chơi, khám phá thế giới xung quanh.

Tuy nhiên, chị Mai cho hay, giá như bé được vui chơi nhiều hơn sẽ là điều tốt hơn, nhưng bất đắc dĩ nên cả nhà cùng nhau cố gắng. Bản thân chị Mai cũng xác định rằng, việc để cháu được học ở môi trường tốt cần một sự chuẩn bị từ 1-2 năm trước đó, chứ không thể chỉ rèn luyện cấp tốc trong một khoảng thời gian ngắn. Chính sự chuẩn bị và xác định mục tiêu từ lâu sẽ giúp các bé và gia đình không quá vất vả.

Thi vào lớp 1: Đã hết ép con! - 4
Sự chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 là một quá trình chứ không phải chỉ có rèn luyện cấp tốc

“Trước khi tham dự thi tuyển vào một trường khác, tôi đã nhờ gia sư tiếng Anh là giáo viên bản ngữ dạy 10 buổi giúp tăng khả năng phản xạ ngoại ngữ. Các bé khi vào lớp một không cần phải học trước quá nhiều nhưng phụ huynh nên chuẩn bị cho các bé về kỹ năng. Tâm lý của gia đình tôi thoải mái vì có nhiều lựa chọn, bên cạnh đó sự chuẩn bị về kỹ năng, kiến thức cho con rất kỹ càng nên không phải lo lắng”, chị Mai nói.

Ngoài việc học, sức khỏe cũng là điều mà chị Mai quan tâm. Ngay từ nền nếp ăn uống, cho đến uống thuốc bổ để tăng cường sức khỏe cho con đều được vợ chồng chị chú ý hàng ngày.

Thi vào lớp 1: Đã hết ép con! - 5

Hi vọng con em sẽ được học ở ngôi trường tốt nhưng không phải vì thế mà gây áp lực cho con là điều mà nhiều phụ huynh quan niệm

Thi vào lớp 1: Đã hết ép con! - 6
Các bé khi vào lớp một không cần phải học trước quá nhiều nhưng phụ huynh nên chuẩn bị cho các bé về kỹ năng.

Còn anh Hải (Khu đô thị mới Mỹ Đình – Hà Nội) nhận thấy có một số bé trai tỏ ra khá bỡ ngỡ, thậm chí khóc thút thít khi lần đầu “vượt vũ môn”. Theo anh Hải, sở dĩ có điều đó là do một phần phụ huynh bao bọc con quá nhiều, trẻ chưa đủ tự tin và ít tham gia các hoạt động xã hội, thậm chí ít giao lưu với môi trường xung quanh.

Với anh Hải, để chuẩn bị cho con trai vào lớp 1, bên cạnh kiến thức thì gia đình anh chú ý đến khả năng tự tin trước đám đông của bé. Ngay cả việc chuẩn bị về kiến thức cũng không quá nặng nề như phải đọc thông viết thạo hay làm phép cộng trừ nhanh chóng. Bởi vì, điều quan trọng nhất là chuẩn bị cho trẻ đầy đủ những kỹ năng cần thiết về logic, kể chuyện, tiếng Anh.

“Tôi nghĩ rằng, không nên luyện tủ nhưng cũng cần chuẩn bị trước cho trẻ sự hiểu biết về thế nào là logic, khả năng sáng tạo khi kể chuyện. Đôi khi kể một câu chuyện chưa hẳn đã khiến trẻ thích mà hãy để trí tưởng tượng của con được bay xa. Tôi từng có con trai lớn thi vào lớp 1, gia đình không bắt ép cháu phải học trước chữ, đếm số… mà quan trọng là các cháu có sự tự tin.  Còn kiến thức không thể chuẩn bị trong ngày  một, ngày hai được mà đó là một quá trình để tích lũy dần”, anh Hải nói thêm.

Anh Minh, ảnh Như Hoàn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tuyển sinh lớp 1