Con chậm nói, tôi từng lo “phát điên”

Ngày 03/05/2014 09:30 AM (GMT+7)

Con 18 tháng chưa biết nói, mọi người nhìn tôi "thương cảm" mà cho rằng con tôi bị...tự kỷ.

Tôi đã từng rất hoảng sợ khi thấy con đã 18 tháng vẫn chưa biết ê a bất cứ một câu gì. Thời gian đầu khi con chưa tròn 1 tuổi, tôi vẫn tỏ ra vô cùng lạc quan về khả năng nói của con. Thời gian sau, thấy bạn bè tôi hồ hởi khoe những đoạn clip quay cảnh con ê a gọi mè gọi bà, tôi tuy sốt ruột lắm nhưng vẫn tự an ủi mình : “trẻ đi sớm thì hay nói muộn”. Vậy nhưng khi thấy con chạm mốc 18 tháng mà vẫn chưa biết nói, tôi đã bắt đầu phải đối diện với những áp lực rất lớn từ người thân, gia đình và ngay cả những người không quen biết. Bố mẹ chồng tôi chì chiết “mẹ nó không quan tâm tới con nên nó chậm nói chứ sao”, họ hàng thì ra vẻ khuyên bảo “Chắc cho nó xem tivi nhiều đúng không? Đừng cho xem nữa”, người ngoài thì thương cảm “có khi tự kỷ cũng nên”.

Thời gian đó, tôi đã vô cùng căng thẳng. Nhiều đêm nghĩ đến con, nỗi sợ hãi phải đối mặt với hai chữ tự kỷ khiến tôi không sao ngủ được. Vậy nhưng bỗng dưng, vào một ngày đẹp trời khi Kem được 22 tháng tuổi, con bỗng dưng gọi tôi “mẹ” một tiếng thật ngọt ngào và tròn vành rõ chữ. Cũng từ đó, Kem học nói rất nhanh và phát triển ngôn ngữ thậm chí còn tốt hơn cả những bé đã biết nói trước Kem. Con nói từ nào rõ từ đó, hiếm khi nói ngọng. Lúc đó, tôi mới nhận ra bản thân mình đã quá “ngu ngốc” khi tự đặt mình dưới áp lực dư luận. Nhiều người chỉ nhìn vào kết quả hiện hữu của một đứa trẻ chậm nói, từ đó suy ra bố mẹ không quan tâm con, buộc tôi đứa trẻ bị tự kỷ mà không hề biết rằng, khả năng ngôn ngữ của mỗi đứa trẻ lại một khác.

Tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm của mình và những hiểu biết bản thân đọc được trong chuỗi ngày tìm đường dạy con tập nói để cho các bà mẹ đang rơi vào tình trạng như tôi trước đây có thể vững tin hơn vào khả năng của con mình.

Trẻ ê a “bà bà, mẹ mẹ” đừng vội tưởng là biết nói

Quá trình học tập ngôn ngữ của trẻ em có thể được chia thành ba giai đoạn: Phát âm (chỉ phát âm chính xác từ bắt chước theo người lớn, sau đó là hiểu ý nghĩa của từ và dùng từ để gọi, yêu cầu, cuôi cùng mới là nói: có thể dùng câu để biểu hiện suy nghĩ, trả lời câu hỏi của người khác. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em phải qua một quá trình dài mới có thể được gọi là biết nói. Chính vì vậy trẻ 0-1 tuổi ngôn ngữ mới đang trong giai đoạn chuẩn bị, về cơ bản chỉ có khả năng phát âm đơn giản và gọi dựa trên những gì nghe thấy từ bố mẹ.

Trong thực tế, giai đoạn này các bé mới chỉ đang trong quá trình tích lũy thông tin ngôn ngữ. Người mẹ không nên sốt ruôt. Nhiều mẹ cứ thấy con gọi “mẹ, bà” nhưng thực ra gặp ai bé cũng nói vậy, đó chưa được gọi là trẻ biết nói. Chỉ khi con nhìn đúng người, gọi đúng tên, nó mới thể hiện sự hiểu biết của con về ngôn ngữ.

Con chậm nói, tôi từng lo “phát điên” - 1
Chỉ khi con nhìn đúng người, gọi đúng tên, nó mới thể hiện sự hiểu biết của con về ngôn ngữ. (ảnh minh họa)

Trẻ hiểu danh từ trước vì nó hữu hình, cụ thể

Khoảng thời gian 1 năm đến 1 năm rưỡi, trẻ em trong giai đoạn hiểu ngôn ngữ, khả năng hiểu ngôn ngữ của người lớn đang gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên bé mới chỉ biết sử dụng những từ đơn giản để thể hiện mong muốn. Ví dụ: Khi bé muốn ăn sữa, bé sẽ chỉ nói được “sữa sữa”. Nói chung, trẻ em hiểu danh từ đầu tiên, sau đó đến động từ, tính từ và trạng từ.

Sau một năm rưỡi đến 3 tuổi, trẻ mới biết sử dụng các từ và câu để thể hiện ý tưởng và yêu cầu cũng như giao tiếp với bố mẹ. Do sự khác biệt cá nhân của từng đứa trẻ và môi trường tăng trưởng khác nhau nên mỗi bé sẽ có bước nhảy vọt phát triển ngôn ngữ xảy ra trong thời gian hơi khác nhau. Một số trẻ em dưới 2 tuổi sẽ có thể nói câu hoàn chỉnh, trong khi một số bé từ 2 tuổi rưỡi. Tuy nhiên, quá trình thì y hệt.

Cách khiến con nhanh biết nói

1, Chú ý đến tính chính xác của phát âm và từ

Khi nói chuyện với Kem, tôi luôn cố gắng sử dụng tiếng Việt đúng chuẩn, không nói ngọng, nhả nhớt, nhại lời con trẻ. Đồng thời, lời nói cũng phải chậm và rõ.

2, Khuyến khích con dùng từ để thể hiện mong muốn

Khi Kem yêu cầu điều gì, ngày trước tôi hay ngay lập tức lên tiếng “nói” hộ con. Ví dụ kem chỉ cần giơ tay, tôi ngay lập tức bảo “À con muốn bế đúng không”, rồi bế con lên. Như vậy là sai. Sau này, tôi hướng dẫn Kem từ đó và nếu con muốn mẹ bế, tôi kiên nhẫn đợi đến khi con nói ra được thì mới bế con. Khi trẻ cần cha mẹ giúp đỡ, cha mẹ không nên quá nhiệt tình đáp ứng nhu cầu của con, mà nên khuyến khích trẻ em sử dụng ngôn ngữ để thể hiện mong muốn của họ. Hãy để trẻ cảm thấy sức mạnh của ngôn ngữ.

3, Không tạo môi trường ngôn ngữ quá phức tạp

Một số gia đình, ông bà, cha mẹ và giúp việc mỗi người sử dụng ngôn ngữ khác nhau, trẻ sẽ không thể hiểu được và đương nhiên sẽ chậm nói. Tất nhiên, lợi ích là nếu biết nói, con sẽ nắm được ngôn ngữ nhiều ngôn ngữ cùng lúc. Tuy nhiên, hệ quả trực tiếp của môi trường đa ngôn ngữ là trẻ chậm nói. Vì vậy, theo quan điểm cá nhân, tôi không ủng hộ việc mẹ nói tiếng Việt bố nói Tiếng Anh. Cũng không tuyển giúp việc người Nam khi mẹ người Bắc.

Kiên trì trong một thời gian, tôi cũng đã nhận được “trái ngọt”. Trẻ nói nhanh hay chậm tùy vào từng đứa trẻ, thông thường bé gái cũng nhanh biết nói hơn bé trai. Các mẹ hãy tham khảo và áp dụng thử xem nhé.

Mẹ Kem
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy trẻ tập nói