Chuyện roi vọt khi con hư không có ở Mỹ

Ngày 18/08/2014 00:00 AM (GMT+7)

Sang Mỹ tôi mới thấy, chỉ có những cha mẹ kém cỏi mới dùng roi vọt để dạy con.

10 năm trước tôi và anh lấy nhau, tôi theo chân anh sang Mỹ. Thời gian đầu tôi  còn nhớ nhà, nhớ người thân da diết, chỉ muốn vứt bỏ hết để hai vợ chồng về Việt Nam. Thế rồi, không lâu sau tôi có bầu, tất cả tâm trí tôi dành hết cho việc nuôi dạy con và viết lách. Thêm vào đó, tôi nhận thấy cách nuôi con của người Mỹ khá tiến bộ nên quyết định ở lại cho con thừa hưởng nền giáo dục ở đây.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, việc dùng roi vọt phạt, dạy con được coi là bình thường, thậm chí có nơi còn coi đó là "thượng sách". Chắc hẳn các bé ở Việt Nam đã quá quen và sợ hãi câu nói "Đánh cho nó mấy cái cho nó chừa" của cha mẹ. Sang Mỹ tôi mới thấy, chỉ có những cha mẹ kém cỏi mới dùng roi vọt để dạy con.

Tôi không có ý chê bai hay so sánh bởi tôi biết mỗi nước có một nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, khi được hỏi rất nhiều ông bố bà mẹ đều nói rằng chỉ đánh con khi đang "giận quá mất khôn", sau khi đánh, bình tĩnh lại cũng rất hối hận và xót con. Một số khác thì cương quyết cho rằng "yêu cho roi cho vọt", đánh con nghĩa là thương con. Thế nhưng cha mẹ đâu có biết đánh con không chỉ để lại vết sẹo trên cơ thể mà còn là vết thương trong lòng con.

10 năm qua sống ở Mỹ tôi đã học được rất nhiều về phương pháp giáo dục của người Mỹ từ việc quan sát các giáo viên tại trường tiểu học, những người hàng xóm, những người khách mua hàng ở siêu thị hay cả những người qua đường. Một trong những điều đặc biệt tôi nhận thấy về cách dạy con của người Mỹ là cha mẹ rất hiếm khi đánh con. Thay cho roi vọt, mẹ Mỹ thường dùng những phương pháp sau để dạy con mỗi khi con mắc lỗi.

Chuyện roi vọt khi con hư không có ở Mỹ - 1
Roi vọt không chỉ để lại vết sẹo trên cơ thể mà còn là vết thương trong lòng con (Ảnh minh họa)

1. Cấm túc

Cấm túc là phương pháp phạt phổ biến ở trường học cũng như các gia đình Mỹ. Khi có những hành vi không đúng mực, ảnh hưởng đến những người xung quanh, trẻ sẽ bị cấm túc và nhốt vào một phòng riêng. Đối với người Việt Nam, nhốt trẻ một mình trong phòng trống bị coi là nguy hiểm, là độc ác. Vậy việc đánh con không thương tiếc thì không độc ác sao?

Phương pháp cấm túc quả thực có hiệu quả bởi khoảng thời gian bé ở một mình sẽ giúp bố mẹ kiểm soát được cơn giận dữ vốn rất dễ dẫn đến những hậu quả không tốt đồng thời bé cũng có thời gian suy nghĩ về những hành động mình vừa gây ra. Cách này tôi đã áp dụng cho 2 bé Cua Cún nhà mình và thấy cực kỳ hiệu quả.

Chuyện roi vọt khi con hư không có ở Mỹ - 2
Cấm túc là phương pháp dạy trẻ rất phổ biến ở các trường học cũng như gia đình Mỹ (Ảnh minh họa)

2. Tước bỏ thú vui, sở thích của con

So với việc đánh đòn khiến con chỉ đau lúc ấy thì việc tước bỏ những thú vui, sở thích khi con làm sai còn khiến con “nhớ đời” hơn nhiều. Phương pháp này thường được các mẹ Mỹ áp dụng cho những bé đã đến tuổi học tiểu học trở lên. Những “đặc quyền” mẹ tước phụ thuộc vào từng sở thích cụ thể của con, đó có thể là không cho xem tivi, dùng máy tính, đi chơi nhà hàng xóm...

Tuy nhiên, các mẹ nên chú ý về khoảng thời gian hình phạt kéo dài. Khoảng thời gian "cấm vận" không nên chung chung như “mẹ sẽ phạt con không được xem tivi cho đến khi nào thấy con ngoan trở lại thì thôi” bởi như thế trẻ sẽ không có động lực để sửa sai nữa. Thông thường, tôi hay cho cậu cả Cua “lĩnh án” khoảng 1-2 ngày. Sau mỗi lần như thế, cu cậu thường không lặp lại lỗi đã mắc nữa.

3. Cho con chịu án “nhân - quả”

Mỗi lần bé có những hành vi không đúng mực, tốt nhất mẹ hãy cho bé thấy ngay hậu quả. Đây có thể là hậu quả tự nhiên hoặc hậu quả do mẹ tạo ra. Với trường hợp thứ nhất, chỉ cần đảm bảo an toàn, mẹ nên cho con tự gánh chịu hậu quả. Ví dụ, nói mấy lần rồi mà con không chịu làm bài tập về nhà cứ ngồi chơi, mẹ không nói nữa mà cứ để thế, sáng mai đến lớp, bị cô giáo bắt chép phạt, con sẽ tự biết sợ mà tránh.

Với trường hợp hậu quả do mẹ tự tạo, có lần bé Cún nhõng nhẽo không chịu ăn cơm tối, thế là tôi quyết định không cho con uống sữa trước khi đi ngủ nữa. Như thế con sẽ biết rằng chuyện không được uống sữa là hậu quả của việc không ăn cơm tối. Sau lần chịu phạt đó, các bé sẽ lường trước được hậu quả và không dám lặp lại lỗi thêm lần thứ hai nữa. Tuy nhiên, với trường hợp này, mẹ nên thông báo trước hình phạt tránh trường hợp bé mếu máo “mẹ có nói đâu mà con biết”.

Chuyện roi vọt khi con hư không có ở Mỹ - 3
Nếu không nhặt chú gấu bông vào giỏ, mẹ sẽ không cho con ôm chú ấy ngủ tối nay (Ảnh minh họa)

4. Lập bảng công trạng

Ở Việt Nam, mỗi lần con làm sai, các mẹ thường cho ăn roi vọt, thế nhưng mỗi lần con làm đúng, các mẹ lại coi như đó là chuyện hiển nhiên mà chẳng động viên, khen ngợi gì. Với mẹ Mỹ, không những con không bị đánh đòn mỗi lần làm sai mà còn được khen ngợi mỗi lần làm đúng. Nghe như thế có vẻ mẹ Mỹ chiều con quá mức, nhưng thực ra bản chất mọi việc không phải như vậy.

Khen ngợi sẽ giúp động viên con làm đúng, đồng thời những bé khác sẽ lấy đó làm gương mà noi theo. Có lần anh Cua giúp mẹ gấp quần áo tôi liền khen con luôn trước mặt em Cún “Anh Cua giỏi lắm, giúp mẹ gấp quần áo. Ấy chết, mẹ quên không bỏ mắc áo lại sân thượng rồi”. Thế là không phải chờ lâu em Cún xung phong đi cất mắc áo luôn để cũng được mẹ khen như anh.

Trên đây là những phương pháp dạy con nói không với đòn roi của mẹ Mỹ mà chính bản thân tôi đã và đang thực hành. Đây quả thực là những phương pháp hay, đáng để các mẹ Việt học tập và áp dụng cho con mình.

Theo chia sẻ của độc giả ở địa chỉ mail nguyenlinh.....@.......
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ tây dạy con