Bạn biết gì về hội chứng lối thoát ngực?

Ngày 21/03/2014 19:56 PM (GMT+7)

Hội chứng lối thoát ngực là một căn bệnh khá nguy hiểm cho sức khỏe của con người.

Một số rối loạn xảy ra khi có sự chèn ép, chấn thương, kích thích thần kinh và mạch máu định khu, trong khu vực nằm giữa khoảng nền của cổ cho tới nách gọi là hội chứng lối thoát ngực (Thoracic Outlet Syndrome).

Yếu tố nguy cơ thường gặp

Nếu mạch máu và thần kinh trong khe nhỏ hẹp của lối thoát ngực bị chèn ép, sẽ bị kích thích gây ra hội chứng lối thoát ngực. Nguyên nhân có thể do xương đòn bị gãy; do bất thường của xương và mô mềm... làm hẹp lối thoát ngực gây ra. Bên cạnh đó có những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh là: rối loạn giấc ngủ; các khối u hoặc hạch bạch huyết lớn ở vùng ngực trên hay vùng nách; căng thẳng hoặc trầm cảm; tập các môn thể thao có động tác lặp đi lặp lại cánh tay hoặc chuyển động vai, như bóng chày, bơi, chơi golf, bóng chuyền, cử tạ, chấn thương do mang vác nặng trên vai; chấn thương cổ...

Ba nhóm triệu chứng theo tổn thương thần kinh, mạch máu

Một người bị hội chứng lối thoát ngực thường thấy các triệu chứng như sau: tự nhiên thấy đau cổ, đau vai, đau cánh tay, tê liệt hoặc suy giảm lưu lượng máu đến các khu vực bị ảnh hưởng. Tuy đau trong hội chứng lối thoát ngực dễ nhầm lẫn với cơn đau thắt ngực, nhưng có thể phân biệt được trong 2 trường hợp: Thứ nhất cơn đau trong hội chứng lối thoát ngực không xảy ra hay tăng lên khi đi, khác với đau trong cơn đau thắt ngực thì có xảy ra và đau tăng khi đi. Thứ hai, đau trong hội chứng lối thoát ngực thường tăng lên khi nâng cao cánh tay bị ảnh hưởng, còn cơn đau thắt ngực thì không tăng khi nâng cao cánh tay.

Bạn biết gì về hội chứng lối thoát ngực? - 1

Hội chứng lối thoát ngực ảnh hưởng thần kinh: chiếm 95% số người mắc hội chứng, gặp nhiều ở phụ nữ trung niên (ảnh minh họa)

Tổn thương trong hội chứng lối thoát ngực thường ảnh hưởng đến các dây thần kinh và các động tĩnh mạch, với ba nhóm triệu chứng như sau:

Hội chứng lối thoát ngực ảnh hưởng thần kinh: chiếm 95% số người mắc hội chứng, gặp nhiều ở phụ nữ trung niên. Bệnh thường liên quan đến sự bất thường của xương và mô mềm trong vùng cổ dưới mà chèn ép và kích thích các dây thần kinh của đám rối thần kinh cánh tay, sự phối hợp của các dây thần kinh tạo chức năng vận động và cảm giác của cánh tay và bàn tay. Gây ra các triệu chứng: yếu hoặc tê bàn tay, giảm kích thước các cơ ở tay, thường xảy ra ở một bên của cơ thể; đau, ngứa, dị cảm, tê và yếu cổ, ngực, cánh tay. Cử động bàn tay trở nên vụng về, kém khéo léo.

Hội chứng lối thoát ngực do ảnh hưởng tĩnh mạch: do tổn thương các tĩnh mạch lớn ở vùng cổ với các triệu chứng: phù bàn tay, ngón tay và cánh tay, cũng như cảm giác nặng và yếu cổ và cánh tay. Các tĩnh mạch của thành ngực trước có thể bị giãn.

Hội chứng lối thoát ngực do ảnh hưởng động mạch: là loại ít gặp nhất, nhưng lại nặng nhất, gây ra bởi sự bất thường bẩm sinh của xương ở vùng cổ. Các triệu chứng bao gồm: lạnh ở bàn tay và ngón tay, tê, đau, hoặc những vết loét của các ngón tay và lưu thông máu kém ở cánh tay, bàn tay và ngón tay.

Xét nghiệm về dẫn truyền thần kinh để đánh giá chức năng vận động và cảm giác các dây thần kinh; xét nghiệm về mạch máu; chụp Xquang để phát hiện các bất thường về xương sườn phụ hoặc bất thường cột sống cổ; chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ MRI cột sống để phát hiện chấn thương cột sống cổ, tổn thương mạch máu.

Bạn biết gì về hội chứng lối thoát ngực? - 2

Một người bị hội chứng lối thoát ngực thường thấy các triệu chứng như sau: tự nhiên thấy đau cổ, đau vai, đau cánh tay, tê liệt hoặc suy giảm lưu lượng máu đến các khu vực bị ảnh hưởng. (Ảnh minh họa)

Nếu không được chẩn đoán và điều trị, hội chứng lối thoát ngực có thể gây ra các biến chứng: thường xuyên đau và phù cánh tay (đặc biệt ở những bệnh nhân có hội chứng lối thoát ngực do ảnh hưởng tĩnh mạch); thiếu máu cục bộ ở ngón tay (đau do giảm tưới máu); hoại tử (do thiếu máu); huyết khối; nghẽn mạch phổi; tổn thương thần kinh vĩnh viễn.

Điều trị ra sao?

Điều trị bảo tồn bằng chương trình tập thể dục và vật lý trị liệu. Dùng thuốc kháng viêm không steroids để giảm đau. Dùng steroids chống viêm giảm chèn ép.

Nếu điều trị bảo tồn không được thì phải phẫu thuật để điều trị. Mục tiêu của phẫu thuật là để loại bỏ các nguồn gây chèn ép các dây thần kinh ở cánh tay, cẳng tay và bàn tay (đám rối thần kinh cánh tay). Mổ cắt bỏ các xương sườn, các cơ bất thường hoặc các dải xơ.

Can thiệp phẫu thuật được chỉ định cho các bệnh nhân mắc hội chứng lối thoát ngực ảnh hưởng các mạch máu và thần kinh nếu liệu pháp trị liệu thất bại. Hầu hết các bệnh nhân mắc hội chứng lối thoát ngực ảnh hưởng động mạch và tĩnh mạch cần điều trị phẫu thuật và thường có kết quả tốt.

Phòng tránh cách nào?

Ngoài nguyên nhân bẩm sinh do cấu tạo giải phẫu gây hội chứng lối thoát ngực, còn có nguyên nhân mắc phải có thể phòng tránh được bằng các biện pháp sau đây:

Tránh các động tác lặp đi lặp lại nhiều với cường độ mạnh trong tập thể thao hay lao động. Chẩn đoán và điều trị sớm các khối u hoặc hạch bạch huyết ở vùng ngực trên hay vùng nách. Phòng tránh chấn thương vùng đầu cổ do tai nạn giao thông bằng cách đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông...

Theo ThS. Trần Minh Tuyên (Sức khỏe đời sống)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp