8 lỗi đáng trách khi cho bé ngủ

Ngày 15/01/2013 11:16 AM (GMT+7)

Bé quấy khóc, giật mình thức đêm, ngủ không sâu...do lỗi thiếu hiểu biết của cha mẹ.

Không ít bậc cha mẹ kêu ca, phàn nàn chuyện bé con ngủ ít, ngủ chập chờn và gắt ngủ vào ban đêm. Dù đã được rất nhiều người mách nước cách vỗ về, ru bé ngủ nhưng đều không 'ăn nhằm' gì.

Sự thật, bé quấy khóc, giật mình thức đêm hay ngủ không sâu... phần nhiều do lỗi thiếu hiểu biết của cha mẹ. Khá nhiều trường hợp cha mẹ phạm phải những lỗi đáng trách trước và sau khi cho bé ngủ mà không biết.

1.    Không lên giờ ngủ cố định cho bé

Trẻ được ngủ đúng giờ, đủ giấc sẽ cao lớn và phát triển nhanh hơn so với bạn cùng lứa liên tục thiếu ngủ. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, các bé 2 tuổi thời nay ngủ ít hơn 40 phút so với bố mẹ trước đây. Điều này gây hại cho sự phát triển não bộ và thể chất của trẻ.

Các chuyên gia Nhi khoa khuyên, nên lập thời gian biểu cho chế độ ngủ của bé và bản thân cha mẹ buộc phải tuân theo nghiêm ngặt. Không nên chờ cho đến khi bé dụi mắt, ngáp ngủ… mới cho bé đi ngủ bởi đến lúc đó bé đã quá buồn ngủ rồi. Chỉ cần ngủ sớm 15 hoặc 20 phút thôi cũng tạo ra sự khác biệt rất lớn.

2.    Bỏ qua những cái ngáp ngủ của bé

Dụi mắt, cử chỉ chậm chạp, phớt lờ những món đồ chơi ưa thích… là những ‘tin nhắn’ của trẻ hàm ý rằng ‘Con buồn ngủ rồi, hãy cho con đi ngủ’, nhưng có rất nhiều phụ huynh không mấy quan tâm đến những dấu hiệu đó nê  đã vô tình bỏ lỡ thời-điểm-vàng ru ngủ bé.

Nếu bé không được ru ngủ khi mắt đã ríu rìu, cơ thể sẽ không tiết ra melatonin làm dịu cơn mệt mỏi dẫn đến việc bé liên tục quấy khóc, khó ngủ, ngủ không sâu… và stress.

8 lỗi đáng trách khi cho bé ngủ - 1
Rất nhiều mẹ có thói quen để bé ngủ trên ô tô... (Ảnh minh họa).

3.    Bế và đu đưa để ru bé ngủ

Thấy bé khóc, gắt ngủ nên nhiều mẹ gần như đêm nào cũng bế và đu đưa bé cả đêm trên tay.  Đây không phải là hành vi tiêu cực nhưng nếu mẹ làm thế thường xuyên, bé sẽ phụ thuộc vào vòng tay của mẹ. Có nghĩa, mẹ có nhẹ nhàng đặt bé vào nôi/ cũi để đi ngủ thì khi tỉnh giấc, bé sẽ khóc toáng, ngậu xị lên vì không còn được nằm trên bàn tay êm ái của mẹ.

Thương bé, mẹ hãy để bé học cách tự làm dịu và ru ngủ mình mỗi khi thức giấc. Đừng cuống cuồng chạy đến bế bé và dỗ dành khi bé mới chỉ ọ ẹ làm nũng.

4.    Cho bé chuyển từ cũi ra giường quá sớm

Đây là một sai lầm cổ điển của các bậc cha mẹ!

Con vừa tròn 2 tuổi, nhiều mẹ đã vội chuyển ‘địa-bàn-ngủ’ của bé từ cũi ra giường. Nhưng ngay đêm chuyển đổi đó, bé trằn trọc cả đêm không ngủ, thức dậy khi đèn phòng tắt hoặc tỉnh giấc khi có tiếng động nhẹ…

Tại sao lại như vậy? Bởi vì trước 3 tuổi, nhiều trẻ em chưa sẵn sàng để ngủ một mình trên chiếc giường to lớn. Bé không nhận thức và điều khiển được ranh giới khác nhau giữa giường và cũi. Chờ đến khi con bạn 3 tuổi hãy nghĩ đến chuyện chuyển con ra giường ngủ. Nếu bé vẫn gặp khó khăn khi ngủ một mình ở giường, bạn có thể dành cho bé thêm thời gian để thích nghi.

5.    Đặt bé ngủ ở bất kỳ nơi nào có thể

Nhiều nhà khoa học khẳng định: việc trẻ phải ngủ trong tình trạng chuyển động – ngủ trong xe đẩy hoặc xe hơi – khiến giấc ngủ không sâu, khó phục hồi giấc ngủ hơn do sự kích thích chuyển động.

Do vậy, để bé ngủ sâu và đẫy giấc, không khóc quấy giữa các giấc thì cha mẹ nên đặt bé ngủ ở một nơ quen thuộc với ánh sáng dịu nhẹ, yên tĩnh.

6.    Thiếu nhất quán

Thỉnh thoảng, khi bé không thể ngủ, cha mẹ hãy nằm xuống bên cạnh bé cho đến khi bé chìm vào giấc ngủ. Hoặc có thể cho phép bé được vào giường ngủ với cha mẹ lúc nửa đêm…

Nhiều bậc cha mẹ không quan tâm khi có con vào ngủ cùng, nhưng thường thường, cả nhà lại ngủ chung trong một chiếc giường rất chật. Cha mẹ nên đưa ra quy định rõ ràng và thống nhất với con về vị trí ngủ. Ví như, nếu ban đêm bé đòi vào giường ngủ cùng cha mẹ, hãy chờ bé ngủ rồi nhẹ nhàng bế quay trở lại giường của bé.

7.    Cho bé ăn vào ban đêm

Đang đêm, nhiều bé bị mẹ lay dậy để cho bú, làm bé tỉnh giấc khi đang say ngủ. Thói quen này khi đã được hình thành sẽ khiến bé quen giấc, sau này khi cai sữa, bé vẫn giữ thói quen tỉnh dậy giữa đêm để ăn.

Để khắc phục thói quen này, mẹ chỉ nên cho bé bú đêm khi bé khóc đòi và sau khi bú xong, để bé tự ngủ lại chứ không nên bế ẵm ru ngủ, bé sẽ bị lệ thuộc vào hành động đó của cha mẹ.

8.    Bật đèn sáng khi bé ngủ

Đối với trẻ em và trẻ sơ sinh, ánh sáng mạnh sẽ làm suy yếu thị lực và làm tê liệt sự phát triển thị giác của trẻ sơ sinh. Chính vì thế mà khi các bé đang ngủ, cha mẹ không nên bật đèn, trừ những trường hợp thật cần thiết.

Bích Hạnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Giấc ngủ của bé