Trẻ em và bệnh thành tích của người lớn (Kỳ 1)

Ngày 06/09/2014 00:00 AM (GMT+7)

Chẳng có nơi nào trẻ con ít được chơi, ít được tham gia giúp việc vặt trong gia đình cho bố mẹ như ở các thành phố lớn của Việt Nam bây giờ.

Giáo dục, có lẽ là ngành quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững đất nước. Ngày xưa Bác từng nói "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người", cho nên có thể nói giáo dục mang lại lợi ích đến hàng trăm năm. Và ngày nay nếu Bác sẽ nghĩ sao khi con cháu Bác không một giây phút lơ là học tập như thế này? Sáng học chính khoá, chiều học phụ đạo, tối học thêm, thứ bảy, chủ nhật học múa, học nhạc, học hoạ... đêm nằm ngủ cũng mơ thấy học!

Chẳng trẻ con nào trên thế giới lại khổ vì chuyện học như trẻ con các thành phố lớn của Việt Nam (nơi mà các giáo viên tìm đủ mọi cách để tận thu từ phụ huynh học sinh).

Bạn không tin thì bạn cứ thử mua lấy hai vé xem phim Ninja rùa rồi lần lượt gọi điện cho tất cả những đứa em, đứa cháu nhỏ tuổi nào bạn yêu quý nói rằng cô (chị) sẽ đến đón con đi ăn KFC rồi đi xem phim. Tôi dám chắc đến 99% rằng chiều đó bạn sẽ phải đi xem phim hoạt hình với một thằng nào đó đáng ghét và rỗi việc như tôi. Vì các em, các cháu còn phải đi học thêm.

Cũng chẳng có nơi nào trẻ con ít được chơi, ít được tham gia giúp việc vặt trong gia đình cho bố mẹ như ở các thành phố lớn của Việt Nam bây giờ. Ngày trước, thế hệ chúng tôi (có thể bây giờ ở nông thôn vẫn còn) từ mẫu giáo đã biết quét nhà, vò gạo, rửa rau.  Lớp một đã biết nấu cơm, luộc rau, rửa bát. Lớp hai, lớp ba đã biết gánh nước, cuốc đất trồng cây...

Trẻ em và bệnh thành tích của người lớn (Kỳ 1) - 1

Thực ra việc trẻ con thành phố phải học quá nhiều, không được chơi, không làm việc nhà thì ai cũng biết và chẳng ai muốn vậy cả. (ảnh minh họa)

Còn bây giờ, nếu gia đình bạn là một gia đình "tạm" khá giả và có người giúp việc, bạn có một cô công chúa xinh xắn đang học cấp hai, hôm nay đi làm về bạn thử kiếm một chỗ ngồi thoải mái rồi gọi công chúa của bạn rót cho một ly nước má (điều này thì cô công chúa cũng làm được, vì hằng ngày cô vẫn phải tự rót nước uống). Nhấp vài ngụm cho ngọt giọng rồi lựa lời nịnh cho thật dễ nghe rằng con đi quét "hộ mẹ" cái nhà. Tôi tin rằng có đến 90% khả năng bác giúp việc sẽ gạt phắt đi rằng để đó bác làm cho. Còn nếu bạn may mắn hơn thì cô công chúa nhỏ sẽ tròn xoe ngơ ngác và hỏi rằng "Ơ, cái chổi ở đâu ạ?", tiếp theo bạn sẽ được tận hưởng phần còn lại của ly nước mát trong cảnh "khói lửa mịt mùng" vì bụi hắt lên từ cây chổi thần trong tay cô công chúa mà nhà ban đầu chỉ bẩn nền, còn bây giờ bẩn thêm cả bàn ghế lẫn bát đũa...

Thực ra việc trẻ con thành phố phải học quá nhiều, không được chơi, không làm việc nhà thì ai cũng biết và chẳng ai muốn vậy cả. Có lẽ vì thế mà năm 2012 Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã có thông tư 17 qui định về việc cấm dạy thêm học thêm. Sau đó quá trình triển khai đã được các Sở Giáo Dục các tỉnh làm triệt để đến mức có tỉnh thành lập cả một đoàn "trinh sát" chuyên đi "thám thính" nhà các giáo viên. Hễ "bắt quả tang" là làm biên bản phạt ngay. Thậm chí có những nơi còn bêu tên giáo viên dạy thêm (mặc dù có thể các giáo viên này đang luyện cho các học sinh giỏi để tham dự một kỳ thi quốc tế nào đó) lên phương tiện truyền thông đạichúng như một gương xấu. Nhưng rồi các phụ huynh cũng thở phào khi các con vẫn tiếp tục "được" học thêm, mặc dù học phí có thể cao hơn một chút vì cô vừa phải bỏ tiền "xin" Giấy Phép Dạy Thêm.

Nhà nước là vậy, Bộ là vậy, còn chúng ta thì sao? Tại sao chúng ta biết rõ rằng con cháu chúng ta đang phải học quá nhiều mà vẫn chấp nhận, vẫn bắt con đi học tất cả những lớp học thêm nào mà giáo viên tổ chức? Thậm chí tôi tin rằng nếu như Nhà nước ta tổ chức một kỳ thi quốc gia chung như đang dự kiến thì sẽ có một ngày đẹp trời bạn gọi con vào đưa 500.000 đồng và dặn "Con cầm lấy mà đi đóng tiền học thêm Giáo Dục Công Dân tháng này. Nhớ lấy đây là một môn thi quan trọng nên có thể không cần hiểu nhưng phải ghi chép cần thận và học cho thuộc đấy".

Trẻ em và bệnh thành tích của người lớn (Kỳ 1) - 2

Ngoài ra phụ huynh học sinh còn sợ đủ các loại sợ vì ai cũng muốn con mình phải là kỹ sư, bác sỹ, ông này, bà nọ. (ảnh minh họa)

Nguyên nhân chính vẫn là cái mà chúng ta gọi là "bệnh thành tích" của người lớn. Vì nhà trường sợ mất danh hiệu này, thi đua nọ, chuẩn kia. Thế nên đã vô tình tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội dạy "tủ" để kiếm tiền. Tức là việc dạy thêm của các lớp do giáo viên tự tổ chức cho chính học sinh mình phụ trách môn là gần như chẳng có hiệu quả gì ngoài việc những học sinh đi học thêm sẽ "vô tình" biết trước đề thi qua những bài tập giáo viên chữa trong những ngày gần thi và sẽ được điểm cao. Thậm chí học sinh nào lỡ thông minh quá mà làm bài hay hơn cách của giáo viên đã chữa cũng sẽ bị điểm thấp. Điểm thấp thì không cẩn thận sẽ trượt danh hiệu học sinh giỏi. Mà học sinh giỏi bây giờ cũng giống như danh hiệu Gia Đình Văn Hoá, nhà nào không có một tờ treo ở giữa nhà thì cảm thấy nhục nhã với xóm giềng.

Cũng vì bệnh thành tích của người lớn mà có những học sinh được giải Olympic Tiếng Anh, và thi TOFEL đạt cỡ 119/120 điểm vẫn "được" đi học thêm tiếng Anh với cô giáo chủ nhiệm có trình độ Anh ngữ bằng phân nửa mình.

Ngoài ra phụ huynh học sinh còn sợ đủ các loại sợ vì ai cũng muốn con mình phải là kỹ sư, bác sỹ, ông này, bà nọ. Chẳng ai muốn con mình phải đi làm công nhân, phải theo đít con trâu đi cày ruộng... Trong khi nếu đem tất cả tù nhân trên cả nước ra phân loại thì số tù nhân là kỹ sư, bác sỹ chắc chắn sẽ nhiều hơn gấp nhiều lần số tù nhân là công nhân và những người theo trâu cày ruộng.

Xem bài cùng tác giả:

Thanh lọc cơ thể là phản khoa học? (Kỳ 1)

Thanh lọc cơ thể là phản khoa học? (Kỳ 2)

Rơi máy bay và chuyện... món Phở ở Việt Nam

Mỳ tôm 'cởi truồng'

Nếu muốn chồng yêu, chị em nên đọc bài này!

Sợ vợ là đức tính quí báu

Phạm Phú Quảng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Buôn chuyện