Biến chứng cực nguy làm mẹ "mất" con (P.3)

Ngày 17/11/2013 09:00 AM (GMT+7)

Thai phụ vẫn có thể sẽ gặp phải nhiều biến chứng không mong muốn dù ngày chào đón bé yêu đã gần kề.

Tham khảo Phần 1, Phần 2 tại đây

Ngoài những khó chịu từ đau nhức, mệt mỏi, người nặng nề hơn v.v…. cho đến nguy cơ gặp phải các rủi ro phổ biến ở 3 tháng cuối kỳ thai nghén như tiền sản giật, nhau bong non, nhau tiền đạo, suy nhau, vỡ ối non, sinh non v.v…, mẹ bầu và thai nhi sẽ còn phải đối diện với những biến chứng khác tuy tỷ lệ mắc phải có thể thấp hơn nhưng mức độ nguy hiểm lại không hề kém cạnh.

1. Huyết khối tĩnh mạch sâu

Càng về cuối thai kỳ, mẹ bầu càng có nguy cơ mắc phải chứng huyết khối tĩnh mạch sâu, nhất là với những chị em ít vận động, bị thừa cân, suy tim ứ huyết, chấn thương trực tiếp ở chi dưới hay thụ tinh trong ống nghiệm, hút thuốc lá, tiền sử gia đình có người thân bị huyết khối v.v… Đây là tình trạng tắc nghẽn 1 tĩnh mạch do cục máu đông được vận chuyển trong dòng máu từ một nơi khác đến làm tắc tĩnh mạch chi dưới, hoặc tĩnh mạch chậu. Khi cục máu đông bị bóc tách khỏi thành mạch có thể đi đến các mạch máu lớn ở tim, phổi làm thuyên tắc tim, phổi, gây tử vong cho thai phụ.

Biến chứng cực nguy làm mẹ quot;mấtquot; con (P.3) - 1

Mẹ bầu bị thừa cân, ít vận động sẽ có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch sâu, nhất là những tháng cuối thai kỳ (hình minh họa)

Nguy hiểm hơn, rủi ro mắc chứng huyết khối tĩnh mạch sâu đặc biệt gia tăng gấp 3 lần ở phụ nữ mang thai so với bình thường, vì khi mang thai, chị em sẽ có những thay đổi khá lớn trong cơ thể như tăng nồng độ yếu tố đông máu và chất hoạt hóa quá trình đông máu (nhằm thúc đẩy đông máu, ngăn hiện tượng chảy máu khi sinh); giãn nở tĩnh mạch, hệ thống tĩnh mạch bị trì trệ do sự chèn ép của tử cung.

Các triệu chứng ban đầu của biến chứng này không rõ ràng. Thông thường mẹ bầu sẽ bị sưng đau ở 1 chân, khi ép cơ cẳng chân thấy chân bị căng đau trên chỗ ép. Sau khi xác định đúng tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc kháng đông để phòng ngừa sự hình thành các cục máu đông và thuốc tan huyết để làm tan cục máu đông đã hình thành. Mẹ bầu nên lưu ý là tuyệt đối phải dùng thuốc theo đúng chỉ định, đồng thời cần đánh răng thật nhẹ nhàng để tránh gây chảy máu, tránh nằm yên trên giường trong thời gian dài, tăng vận động và dùng các loại bít tất đặc biệt giúp chèn ép tĩnh mạch nông, cải thiện dòng máu ở tĩnh mạch sâu, từ đó giảm nguy cơ hình thành huyết khối.

2. Tiểu đường thai kỳ

Vào đầu tam cá nguyệt thứ ba, hầu hết bà bầu đều sẽ được làm xét nghiệm để xem có bị mắc phải bệnh tiểu đường thai kỳ hay không. Đây là tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết dẫn đến tăng lượng đường huyết trong thời kỳ bầu bí, gồm 2 thể là tiểu đường rõ, có trước khi mang thai, chỉ phát triển trong thai kỳ và kéo dài sau sinh; thể 2 là bất thường dung nạp đường huyết thật sự, xuất hiện trong lúc mang thai, biến mất tạm thời sau sinh. Đáng báo động là tỷ lệ thai phụ bị tiểu đường ở nước ta đang gia tăng. Theo 1 khảo sát của Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) dựa trên số liệu tổng hợp từ các bệnh viện phụ sản trong nước cho thấy tỷ lệ thai phụ mắc tiểu đường đã tăng từ 2,1% vào năm 1997 lên 4% vào năm 2007, năm 2008 đã lên đến 11%... Trong vòng 7 năm trở lại đây, số lượng bà bầu bị biến chứng này đã tăng gấp đôi so với trước đó.

Biến chứng cực nguy làm mẹ quot;mấtquot; con (P.3) - 2

Mẹ bị tiểu đường thai kỳ có thể sinh con rất to nhưng lại không khỏe mạnh như các bé bình thường khác (hình minh họa)

Tiểu đường thai kỳ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng lên sức khỏe của mẹ và bé nếu không được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời. Ở người mẹ, tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ nhiễm độc thai nghén (như tiền sản giật, sản giật), mẹ dễ bị nhiễm trùng nặng, dễ bị sinh mổ do sinh khó, sau sinh có thể bị tiểu đường nặng hơn (có khoảng 5 – 20% bà mẹ tiếp tục bị tiểu đường sau khi sinh bé), sẩy thai … Thai nhi có mẹ bị tiểu đường thai kỳ sẽ phải đối diện với rủi ro tăng cao gấp 3 lần của dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, trọng lượng lớn gây sinh khó, dễ bị ngạt khi sinh, vàng da nặng, tăng nguy cơ suy hô hấp nặng gấp 5 – 6 lần, dễ bị tổn thương não sau sinh, kém phát triển trí tuệ, tinh thần v.v…Về lâu dài, khi trưởng thành, trẻ cũng dễ bị thừa cân, béo phì. Nhóm các mẹ bầu có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh này khi mang thai gồm những chị em có người thân trong gia đình bị mắc bệnh tiểu đường, trong lần sinh trước con bị dị dạng, thai chết lưu, khi siêu âm thấy thai nhi quá to, xuất hiện các dấu hiệu ăn uống, đi tiểu nhiều, nổi mụn nhọt, mẩn ngứa, ngứa vùng kín v.v… trong thai kỳ, sau khi đi vệ sinh thấy có kiến đậu trong nước tiểu v.v…

Khi đã xác định bị tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu nên tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, thường xuyên theo dõi chặt chẽ lượng đường huyết và điều chỉnh liều thuốc trong mỗi lần khám tiền sản. Bác sĩ cũng sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết khác để đánh giá sức khỏe thai nhi, siêu âm máu để theo dõi những thay đổi hệ thống mạch máu có thể làm hại thai nhi.

3. Bất tương đồng nhóm máu

Bất tương đồng nhóm máu ABO. Chiếm tỷ lệ khá phổ biến, khoảng 12 – 15% trong thai kỳ và là 1 trong những nguyên nhân gây sẩy thai vào cuối kỳ thai nghén, bất tương đồng nhóm máu ABO xảy ra khi người mẹ mang nhóm máu O trong khi thai nhi có nhóm máu A, B hoặc AB. Mẹ nhóm máu O sẽ sản sinh ra các kháng thể chống lại các nhóm máu A,B, nhưng hầu hết các trường hợp kháng thể này lớn quá nên không thể vượt qua nhau thai, và được giữ riêng biệt bởi màng nhau.

Tuy nhiên, khi sẩy thai, trong lúc sinh hoặc người mẹ bị chấn thương nào đó, các kháng thể nhỏ hơn gọi là anti-A hay anti-B có thể di chuyển ngược lại vào dòng máu của thai nhi. Kết quả là, chúng sẽ tấn công và tiêu diệt các tế bào hồng cầu của bé, gây nên bệnh tán huyết làm vàng da sau sinh ở trẻ. Ở trường hợp nhẹ, bé sơ sinh sẽ được chiếu đèn liệu pháp, nhưng nếu lượng hồng cầu huyết quá thấp, bé cần được truyền máu ngay và được thực hiện hết sức cẩn thận, những lượng máu nhỏ được đo lường kỹ của bé được loại bỏ để thay thế ngay lập tức bằng lượng máu hiến tặng cùng loại.

Biến chứng cực nguy làm mẹ quot;mấtquot; con (P.3) - 3

Bất tương đồng nhóm máu ABO và RH đều có thể làm cho thai nhi bị bệnh tán huyết lúc mới sinh, với 1 trong những biểu hiện phổ biến là vàng da ở thể nặng (hình minh họa)

Bất tương đồng nhóm máu RH. Yếu tố Rhesus (RH) là 1 kháng nguyên hay protein đặc biệt trên bề mặt của các tế bào hồng huyết cầu và là cơ chế bảo vệ giúp cơ thể phân biệt máu của chính mình. Có 85% dân số mang yếu tố RH dương (+) và 15% mang RH âm (-). Vấn đề phát sinh khi một người mẹ có nhóm máu RH (-) mang thai đứa con có nhóm máu RH (+), hay xảy ra khi mang thai lần thứ 2 trở lên, khi cơ thể người mẹ sản xuất kháng thể chống lại các tế  bào hồng cầu mang RH (+) của bé.

Trong suốt thai kỳ khỏe mạnh bình thường đến khi sinh, hầu như sẽ không có tình huống máu mẹ và máu con tiếp xúc lẫn nhau do sự ngăn cách của màng nhau thai. Tuy nhiên, trong khi sinh, khi mẹ bị chảy máu âm đạo, hoặc người mẹ đã từng đình chỉ thai, tế bào máu của thai nhi có thể hòa lẫn vào tế bào máu của mẹ, làm cơ thể mẹ bị kích thích sinh ra các kháng thể để chống lại RH (+). Các chất kháng thể này sẽ tấn công và hủy diệt các tế bào máu của đứa con kế tiếp mang RH (+) (không tương hợp) của chính người mẹ ấy, gây ra chứng tán huyết ở bé, hoặc nặng hơn làm sẩy thai, thai chết lưu. Do đó, đề phòng rủi ro cho thai nhi, vào khoảng tuần 28 của thai kỳ, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu cho những thai phụ mang RH (-) để xem có kháng thể hay chưa, từ đó có những can thiệp phù hợp để bảo vệ bé trong bụng và sau khi sinh.

4. Ứ mật thai kỳ

Khoảng 1/1000 thai phụ sẽ mắc chứng bệnh này, gây ra cảm giác đặc biệt khó chịu cho bà bầu, nhất là vào những tháng cuối thai kỳ. Nguyên nhân là do axit mật được tạo thành trong gan rồi theo các ống gan đi vào túi mật, túi mật giúp dự trữ axit mật và bẻ gãy các chất béo cần thiết trong quá trình tiêu hóa. Trong thai kỳ, lượng nội tiết tố tăng cao làm ảnh hưởng đến dòng chảy khiến mật trong gan tràn vào máu nên thay vì được đưa lên ruột, axit mật lại đọng dưới da gây nên chứng ứ mật, hay còn gọi là chứng Cholestasis thai kỳ. Biểu hiện dễ thấy nhất của căn bệnh này là cảm giác ngứa da trầm trọng đặc biệt là trong 3 tháng cuối kỳ bầu bí hoặc lúc sắp sinh, ngứa đặc biệt là vùng cánh tay, chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân, có khi toàn thân. Kèm theo đó là nước tiểu sẫm màu do axit mật được thải ra, tâm lý thai phụ thất thường, mất ngủ, mệt mỏi, phân chuyển sang màu nhạt, cảm giác buồn nôn, khó chịu ở đường ruột hay ở phía trên bụng bên phải v.v…

Biến chứng cực nguy làm mẹ quot;mấtquot; con (P.3) - 4

Nếu bị ngứa trầm trọng, nhất là vào 3 tháng cuối kỳ bầu bí, có thể bạn đã mắc phải tình trạng ứ mật thai kỳ khá nguy hiểm cho mẹ và thai nhi (hình minh họa)

Ứ mật thai kỳ thường xảy ra ở những thai phụ có tiền sử bệnh gan, sỏi mật trước đó, mang thai đôi, đa thai, từng bị ngứa khi uống thuốc tránh thai hoặc có mẹ, chị em gái từng mắc bệnh này. Bệnh có thể dẫn đến sẩy thai, sinh non, thai chết lưu, chảy máu ở 2 mẹ con và 90% chị em sẽ mắc lại bệnh này vào lần mang thai tiếp theo. Xét nghiệm máu có thể được dùng để chẩn đoán bệnh. Khi phát hiện bệnh, tùy vào tình trạng bệnh của từng mẹ bầu mà bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị khác nhau. Để hạn chế phần nào các khó chịu do bệnh này mang lại, mẹ bầu nên sử dụng các loại kem thoa ngoài da theo chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa tình trạng ngứa ngáy, tắm nước mát, mặc quần áo khô thoáng v.v… Do bệnh có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng thai nhi nên mẹ bầu phải tuân thủ chặt chẽ lịch khám tiền sản nhằm theo dõi sức khỏe của mẹ và bé. Nếu hàm lượng axit mật quá cao, hoặc chức năng gan bị tổn thương, mẹ bầu cần được đưa đến bệnh viện để được chăm sóc và điều trị kịp thời.

5. Đa ối – Thiểu ối

Đa ối. Thông thường, lượng nước ối vào khoảng 300 – 800 ml, khi lượng nước ối lên đến 800 – 1500 ml, thai phụ được chẩn đoán là bị đa ối, xảy ra do sự sản xuất quá mức nước ối hoặc do rối loạn tái hấp thu của nước ối. Những mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, bất đồng nhóm máu RH hoặc loạn dưỡng tăng trương lực cơ, bị u mạch máu màng đệm, mắc bệnh lý viêm nội mạc tử cung, bệnh giang mai v.v... có nguy cơ mắc đa ối nhiều hơn. Đồng thời, nếu thai nhi bị bất thường hệ thống thần kinh trung ương, khuyết tật cấu trúc hệ thống tiêu hóa, bất thường nhiễm sắc thể, phù thai không do yếu tố miễn dịch hoặc hội chứng truyền máu song thai v.v… cũng gây ra hiện tượng đa ối ở mẹ.

Đa ối thường có 2 hình thái là đa ối cấp và đa ối mãn. Trong đó, đa ối cấp thường gây chuyển dạ trước tuần 28, hoặc các triệu chứng như bụng lớn nhanh, căng cứng, phù, giãn tĩnh mạch v.v… trầm trọng buộc phải đình chỉ thai nghén và đa ối mãn chiếm đến 95% trường hợp, với các diễn tiến từ từ nên thai phụ dễ thích nghi, thường xuất hiện vào 3 tháng cuối thai kỳ. Mẹ bầu cũng không đau nhiều và không khó thở nhiều như đa ối cấp. Trong trường hợp nhẹ bác sĩ sẽ không can thiệp mà đợi cho thai nhi đủ tháng và cho sinh bình thường, tuy nhiên, nếu mẹ bầu khó thở, đau bụng, đi lại quá khó khăn sẽ phải nhập viện để điều trị bằng thuốc duy trì thai hoặc gây chuyển dạ nếu thai đã được 38 – 39 tuần tuổi.

Biến chứng cực nguy làm mẹ quot;mấtquot; con (P.3) - 5

Bị đa ối sẽ làm mẹ bầu rất khó thở, đau bụng, đi lại khó khăn và có thể buộc phải gây chuyển dạ sớm (hình minh họa)

Thiểu ối. Ngược lại với đa ối, thiểu ối xảy ra khi lượng nước ối trong tử cung dưới 200ml, chiếm khoảng 7,85% ca mang thai và thường xảy ra vào 3 tháng cuối thai kỳ với tỷ lệ là 87%. Thai phụ bị thiếu ối sẽ khiến tử cung bị giảm sút lượng máu nuôi thai nhi, nếu kéo dài sẽ làm thai suy dinh dưỡng, thai chết lưu hoặc chết trong lúc chuyển dạ. Có nhiều yếu tố dẫn đến thiểu ối: người mẹ bị rò rỉ màng ối, mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, lupus, các bệnh mãn tính khác, mang song thai, đa thai, dùng thuốc tân dược liều cao để trị bệnh hoặc hệ tiết niệu và thận của thai nhi không phát triển khỏe mạnh, thai nhi bị dị tật tim, thai quá ngày (theo thống kê cứ khoảng 8 thai phụ bị quá ngày sinh 2 tuần thì có 1 người bị thiểu ối) v.v… Khi thấy giảm hẳn dấu hiệu thai máy, bụng nhỏ hơn tuổi thai …, mẹ bầu nên thăm khám để phát hiện tình trạng thiểu ối sớm, từ đó có thể xử lý kịp thời tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng thai nhi.

Như Quỳnh (Theo HL)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Biến chứng thai kỳ