9 năm chăm chồng liệt, ra đi hai bàn tay trắng

Ngày 22/09/2014 15:05 PM (GMT+7)

Cuộc đời 10 năm làm vợ anh thật là dài và đầy bi kịch. Nhưng khi cơn mưa đi qua, phía trước sẽ là một ngày nắng đẹp...

Đường phố giờ tan tầm xe cộ đông như mắc cửi. Chiếc xe chở hai vợ chồng Trâm chạy trên đường. Cả hai ríu rít như đôi chim non. Ngày hôm nay chồng cô được tăng lương, hai vợ chồng định sẽ đi đón con từ nhà trẻ rồi sẽ dẫn cả nhà đi ăn một bữa thật ngon để ăn mừng. Bỗng một chiếc xe máy ngược chiều từ trong ngõ phi ra. Một vụ va chạm khiến hai xe văng ra xa. Trâm ngã xuống đường, nằm sõng xoài choáng váng, Trâm thấy trước mặt bóng dáng lờ mờ những người đi đường chạy ra đỡ cô dậy.  Họ đưa cho cô khăn giấy thấm máu đang túa ra dưới cằm dưới môi, cô đưa mắt tìm Bình. Anh đang nằm bất tỉnh trên đường.

Tiếng còi xe cứu thương vang lên xé tai.

- Anh Bình!!!

Trâm bật dậy khỏi chiếc giường ngủ giữa đêm khuya, mồ hôi ướt đầm lưng, cô đưa mắt ngay sang chồng lo sợ làm anh tỉnh giấc. Không, không có Bình. Anh đã đi xa mãi rồi. Mà thay vào đó là An. Thật may cô con gái 13 tuổi của Trâm vẫn đang say ngủ. Trâm thở phào. Cô ra ban công đứng nhìn đường phố đêm. Vậy là lại một đêm nữa, cơn ác mộng ấy lại trở về. Một đêm nữa Trâm sẽ lại thức trắng...

9 năm trước. Sau tai nạn giao thông thảm khốc đó, Trâm chỉ bị thương ở phần mềm ngoài da nhưng Bình đã bị chấn thương cột sống. Trải qua 2 cuộc phẫu thuật bởi những bác sĩ đầu ngành, gia đình không tiếc tiền của để chạy chữa nhưng số phận an bài. Bình đã bị liệt vĩnh viễn. Vĩnh viễn gắn chặt đời mình trên chiếc xe lăn. 

Thời gian đầu, chồng Trâm đau đớn vật vã. Nỗi đau đớn thể xác một phần mà nỗi đau của người bình thường khỏe mạnh làm trụ cột kinh tế của gia đình bỗng chốc tất cả tiêu tan. Anh trở thành người tàn phế, hàng ngày sinh hoạt phải nhờ cậy người thân. Trâm cắn răng chịu đựng những lần bẳn gắt, những lần lên cơn nóng tính của chồng mà vẫn một mực dịu dàng ân cần chăm sóc anh. Nhà neo người, bố mẹ chồng đã già, mấy cô em chồng ở xa. Trâm giành hết việc chăm chồng mà không một lần mở miệng nhờ thuê ô sin.

- Gì chứ việc vệ sinh hàng ngày tắm rửa cho chồng yêu là em không có nhường ai hết.

Cô tự trêu chồng tếu táo thế cho vui. Nhưng mấy ai biết Trâm vất vả khổ sở để xoay sở như thế nào. Con gái mới 4 tuổi đầu còn phải chăm chút nhiều phải dạy dỗ con. Lắm hôm đang đi mua cá ngoài chợ thấy trời có hạt mưa là cô lại tất tả chạy về cất quần áo rồi mới ào ra chợ mua tiếp mớ rau.

Ban ngày vất vả ngược xuôi đã đành, đêm đến nằm bên chồng cô nhiều lần nuốt nước mắt vào trong. Khát khao bản năng được làm vợ làm mẹ nhiều lần thôi thúc Trâm nhưng những lần ấy cô lại trở dậy đi tắm. Những dòng nước xối xả xuống làn da người phụ nữ tuổi chớm 30 căng tràn như cuốn trôi đi những khát khao kìm nén. Mà Bình người chồng của cô dù có muốn cũng không thể đáp ứng được nữa. 

9 năm chăm chồng liệt, ra đi hai bàn tay trắng - 1

Ban ngày vất vả ngược xuôi đã đành, đêm đến nằm bên chồng cô nhiều lần nuốt nước mắt vào trong. (ảnh minh họa)

Trở lại phòng nằm bên chồng như hai người bạn, Trâm lại tiếp tục giấc mơ dang dở, giấc mơ chồng vợ khỏe mạnh lành lặn, giấc mơ về một đứa con thứ hai mà cô đã ấp ủ khát khao ngay trước tai nạn. Nếu điều đó là thật thì sẽ hạnh phúc biết bao. Nhưng tiếc thay!

Dù có chăm chồng thương con đến mấy, Trâm cũng không thể nào suốt ngày gắn chặt mình trong căn phòng 20 mét vuông để chăm anh. Cô phải thay anh đi kiếm tiền để trang trải sinh hoạt cả gia đình. Bố mẹ chồng dù muốn thì sau cả thời gian dồn tiền chữa chạy cho Bình cũng đã cạn kiệt. Trâm viết đơn xin thôi công việc nhàn hạ ở chỗ làm cũ. Cô bươn bả ra ngoài kiếm chân kế toán cho một công ty tư nhân với mức lương khá. Tối về cô lại ngồi đầu ngõ bán xôi, bánh mỳ kiếm thêm. Vất vả là vậy nhưng gái có công mà nhà chồng vẫn phụ. Tình cờ trong một lần đi thanh lý hợp đồng với một đối tác nam giới, cô bị một bà dì bên nhà chồng bắt gặp. Lẽ thường đi làm nói chuyện với công ty đối tác bạn bè việc xởi lởi cười cũng không có gì mà to tát. Nhưng đặt trong hoàn cảnh chồng Trâm, sự nhạy cảm dường như tăng gấp bội. Ngay lập tức với tốc độ tên lửa, tất cả người nhà chồng Trâm biết, họ không nói thẳng vào mặt Trâm mà nhỏ to thì thào đầy khó chịu. Rồi cũng đến một ngày bố mẹ chồng gọi Trâm ra nói chuyện riêng:

- Bố mẹ giờ cũng đã già, không giúp gì nhiều được cho vợ chồng con. Đấy con xem hoàn cảnh thằng Bình nó thế bố mẹ giờ có chết cũng không nhắm được mắt vì thương nó quá. Âu cũng là số phận, chúng mày đi xe với nhau cười đùa để thằng khác đâm phải cũng là cái đen đủi. Bố mẹ bao năm không một lời trách móc con, chắc con cũng phải hiểu. Giờ con cũng còn trẻ, con đi làm cũng có mối quan hệ này kia thì cũng nên kin kín khuất mắt trông coi. Bố mẹ cũng rất hiểu cho con không dám nặng nhẹ gì hết. Mai ngày kia mà con thấy vất vả quá không chăm được chồng con nữa, con ra đi khỏi cái nhà này thì cứ để con An đấy tao nuôi. Còn bây giờ con còn ở đây, còn nghĩa chồng vợ thì mọi việc nó cũng phải có tôn ti trật tự! Đừng làm gì quá đáng làm mất mặt người nhà này. Lỡ may chuyện đến tai thằng Bình, nó uất quá nó cắn lưỡi mà chết thì con làm sao mà ngủ ngon được. Con cứ suy nghĩ kĩ lời bố mẹ nói đi!

Từng lời nói như vết dao cứa vào sâu trong tim của Trâm. Nước mắt lặng lẽ tuôn rơi, những giọt nước mắt oan ức. Nhưng cô biết giải thích sao cho những con người lạnh lùng ấy hiểu. Tình ngay mà lí gian.

Sau đận ấy, Trâm lặng lẽ như một cái bóng trong nhà, không nói không cười chỉ vâng dạ. Ở công ty cô cũng trầm mặc hết mức có thể. Trâm rơi vào trạng thái tự kỷ nhẹ. Bạn bè đồng nghiệp khuyên cô nên đi khám bác sĩ nhưng Trâm chỉ cười. Việc chăm chồng ốm chăm con thơ đã choán hết thời gian rồi, còn đâu thời gian cô nghĩ cho mình nữa.

Càng ngày chồng Trâm càng suy kiệt. Bác sĩ nói anh đã bước vào giai đoạn 4 của bệnh. Trâm khóc không thành tiếng. Con cô còn nhỏ dại quá, nó mới tròn 11 tuổi. Nó vẫn cần có bố ở bên dù là bố không thể dạy nó tập đi xe đạp 2 bánh, không thể chơi với nó bóng rổ, không thể đến xem nó hát  trong lễ bế giảng cuối năm. Nhưng, Bình, chồng Trâm vẫn mãi là bố của con bé. Cô gần như nghỉ việc ở công ty để chăm lo cho chồng. 2 lần đi cấp cứu của Bình khiến cả nhà phập phồng lo sợ. Sau lần cấp cứu thứ hai, anh đã chịu khó ăn uống hơn, anh nhẹ nhàng tình cảm với Trâm hơn khiến cô phần nào yên tâm. Nhưng 1 tháng sau, vừa được vợ bón cho bát cháo nóng, Bình gục xuống trong lúc Trâm đang đi lấy nước cho anh uống...

Trâm ào chạy đến bên chồng ôm anh và nức nở:

- Anh ơi sao anh lại bỏ em mà đi như thế, em chỉ chạy vào bếp lấy cốc nước cho anh mà anh không đợi em rồi. Vất vả mấy em cũng chăm được anh cơ mà...

Nghe tiếng khóc của Trâm tất cả mọi người chạy vào. Một ngày tang thương...

Sau 100 ngày của Bình, bố mẹ anh gọi Trâm lên ra dấu hiệu bật đèn xanh, tháo cũi sổ lồng cho con chim được bay đi tìm vùng đất mới.

Trâm hốt hoảng:

- Xin bố mẹ đừng hiểu lầm con, con không cần nhà, không cần tiền. Giờ anh Bình vừa nằm xuống bố mẹ hãy cho con thực hiện nốt bổn phận dâu con là được phụng dưỡng...

Chưa nói hết câu thì bố chồng Trâm đã khoát tay:

- Thôi khỏi con ơi, bố mẹ không cần con báo hiếu. Ít hôm nữa em thằng Bình sẽ về đây ở. Con hãy tự tạo dựng một cuộc sống mới cho mình đi. Bố mẹ già rồi không giúp được gì nhiều cho con. Con thông cảm nhé.

9 năm chăm chồng liệt, ra đi hai bàn tay trắng - 2

Sau 100 ngày của Bình, bố mẹ anh gọi Trâm lên ra dấu hiệu bật đèn xanh, tháo cũi sổ lồng cho con chim được bay đi tìm vùng đất mới. (ảnh minh họa)

Trâm như một người lữ hành cô độc trong suốt 10 năm qua. Đâu có ai ở bên an ủi sẻ chia cho những bất hạnh cô đang nếm trải. 39 tuổi, góa bụa, gái một con. Trâm bắt đầu một hành trình mới của cuộc đời. Cô tiếp tục đi làm kiếm tiền nuôi con. Bố mẹ ở quê, còn công việc trên Hà Nội, Trâm không thể về. Hai mẹ con cô bắt đầu kiếp đi ở nhà thuê. Không may cứ 6 tháng 1 năm, chủ nhà lại kiếm cớ rồi cắt hợp đồng. Hai mẹ con lại bắt đầu lại hành trình dọn nhà rồi tìm nhà rồi chuyển đến nơi ở mới. Cứ thế 2 năm đã trôi qua. 

Đi đến đâu cô và con cũng bị người ngoài kiếm cớ chèn ép bắt nạt. Cũng phải, một người phụ nữ và đứa con gái nhỏ yếu đuối, có ai bảo vệ mà phải e sợ. Thảng hoặc cô nghe người quen kháo rằng căn nhà hồi xưa vợ chồng cô ở với bố mẹ chồng giờ đã bán đi. Cô nên về nhà đòi chia phần. Dù gì con An cũng là máu mủ nhà đằng ấy. Trâm chỉ cười. Kể từ khi bước đi hai bàn tay trắng khỏi căn nhà đó, cô thề sẽ không bao giờ gặp lại những con người hẹp hòi vô cảm ấy nữa. Cô sẽ cố gắng mạnh mẽ tiếp tục làm việc để nuôi con khôn lớn thành người. Có lẽ Bình ở dưới suối vàng cũng sẽ yên lòng. Cô đã làm trọn vẹn đạo làm vợ với anh cả khi sống lẫn khi đã mất. Cuộc đời dù ngắn hay dài, thì vẫn đáng sống. Trâm tin thế.

Công ty buổi trưa. Mọi người đã đi ăn hết chỉ còn Trâm dang dở với công việc. Hòm thư điện tử hiện ra. Trong vô vàn lá thư công việc, bỗng có một lá thư tỏ tình của anh Hoàng, người đàn ông kín đáo ngồi cách cô ba ô trong công ty. Trâm mỉm cười nhẹ tênh. Cô đã bắt đầu bước sang tuổi 40. Cuộc đời 40 năm đằng sau ấy thật là dài. Và buồn. Trâm nhìn ra ngoài cửa sổ. Cơn mưa đầu mùa thu đang tới. Những đám mây đen đang bao phủ cả một khoảng trời. Nhưng khi cơn mưa đi qua, sẽ tạo nên một làn không khí dịu mát, thanh lọc tâm hồn.

Hít một hơi thật sâu căng tràn lồng ngực, Trâm tự nhủ:

- Mình sẽ bắt đầu lại từ đây!

Nói rồi Trâm nhấn nút Trả lời và viết vài dòng ngắn gửi anh bạn đồng nghiệp.

Xem thêm bài liên quan:

Trơ mắt nhìn tình địch chăm chồng tại nhà

Chán vì phải chăm con riêng của chồng

Câu chuyện người chồng 13 năm chăm vợ bị liệt

Hơn 1 năm nay, vợ chồng không động chạm

Em hãy chăm sóc chồng cũ của chị tốt nhé!

Châm biếm: "Em ứ lấy chồng đâu"

Minh Thanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình