"Nuôi con kiểu mẹ Mỹ lạnh lùng quá!"

Ngày 21/08/2014 14:07 PM (GMT+7)

Chị Thảo Uyên thích cách dạy con tự lập của người Mỹ nhưng lại vẫn muốn dung hòa với cách nuông chiều con đầy tình cảm của mẹ Việt.

Mỗi đứa trẻ khôn lớn, khỏe mạnh và giỏi giang chính là cả một công trình vĩ đại mà người mẹ đã dày công vun đắp qua bao nhiêu năm tháng. Cha mẹ nào cũng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình, họ dày công nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi mọi phương pháp nuôi dạy con. Nhưng không phải ba mẹ nào cũng đều hoàn hảo trong cách nuôi dạy con.

Đã gần 5 năm sống và làm việc trên đất Mỹ, chị Thảo Uyên (29 tuổi) đã quan sát tỉ mỉ những nét ưu việt cũng như những hạn chế trong cách người Mỹ nuôi dạy con nhỏ. Từ đó chị luôn có những phương pháp tốt nhất nuôi dạy con mình, phương pháp nuôi con kết từ 2 nền văn hóa Mỹ - Việt.

Cho con ngủ riêng từ khi mới sinh ra

Được biết bạn đã có một bé gái được 9 tháng tuổi. Công việc chăm sóc con nhỏ đối với bạn có quá khó khăn và vất vả không?

Vợ chồng mình sang Mỹ được 4 năm rồi, lúc mới sang mình ở New York, nhưng hiện tại đã chuyển xuống miền Nam tiểu bang Alabama sống. Mình thì đang là giảng viên của trường đại học Auburn, còn chồng mình đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành kĩ thuật cơ khí.

Nuôi con nhỏ đối với vợ chồng mình chưa bao giờ là việc dễ dàng cả, nhưng mình cũng chưa bao giờ cảm thấy nó quá khó khăn. Có bỡ ngỡ đôi chút vì đây là lần đầu mình nuôi con, có thử thách vì mình chưa có kinh nghiệm nhưng mình may mắn học được kinh nghiệm từ những mẹ đi trước, từ sách báo và cả những lớp học về nuôi dạy con nên mọi việc đối với mình cũng dần trở nên dễ dàng hơn. Có con vẫn là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với vợ chồng mình.

quot;Nuôi con kiểu mẹ Mỹ lạnh lùng quá!quot; - 1
Ngôi nhà của chị Uyên luôn tràn ngập tiếng cười kể từ khi có sự xuất hiện của bé Daisy

Nước Mỹ được biết đến với rất nhiều phương pháp khoa học về nuôi dạy con, đặc biệt lối sống tự lập ngay từ khi bé còn rất nhỏ. Bạn có áp dụng phương pháp này trong việc nuôi dạy con không?

Đúng là ở bên Mỹ người ta dạy cho con cách sống tự lập từ rất sớm, các mẹ dạy cho bé cách tự ăn, tự chơi, tự ngủ, tự giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống... Ví dụ trong bữa ăn bé được ngồi vào bàn ăn cùng bố mẹ, được thoải mái ăn những món mình thích. Đến giờ ngủ bé sẽ đi về phòng của mình và tự đi vào giấc ngủ.

Trẻ em ở Mỹ luôn được đối xử bình đẳng giống như mọi thành viên trong gia đình, không có chuyện em bé được xem như là trung tâm của vũ trụ, được mọi người sẽ thiên vị hay làm hộ bé mọi chuyện. Có một điều quan trọng là mọi người ở bên Mỹ không hề có khái niệm làm giúp trẻ. Có thể lúc nhỏ trẻ sẽ cần sự hỗ trợ nhưng bố mẹ sẽ chỉ hướng dẫn cho bé làm chứ không bao giờ làm hộ bé. Theo mình phương pháp đó rất tốt cho sự phát triển của trẻ và cũng tốt cả cho mẹ nữa nên đương nhiên mình sẽ áp dụng.

Bạn đã áp dụng những phương pháp đó như thế nào đối với bé Daisy trong việc ăn, ngủ?

Daisy nhà mình được 9 tháng tuổi nhưng bây giờ bé đã được đi nhà trẻ, có thể tự ngồi ăn, ngồi chơi và được ngủ một mình. Khi bé được 6 tháng mình đã cho bé ngồi vào bàn ăn và ăn cùng gia đình, mình làm cho bé ăn những đồ ăn rắn như các loại rau, củ, quả để bé có thể cầm đút vào miệng. Mình sẽ tạo cho bé cách cảm nhận món ăn, cho bé sở thích khi ăn uống chứ không có chuyện bố mẹ lúc nào cũng xách theo chén cơm, dọa nạt cho bé ăn.

Về việc cho Daisy ngủ riêng, mình đã xác định ngay từ khi mang thai, mình không muốn bé phụ thuộc vào ba mẹ quá nhiều nên mình đã cho bé nằm cũi riêng ngay từ khi mới sinh ra. Ban đầu có thể Daisy có cảm giác trống trải vì bé sơ sinh vẫn thích được quấn chặt trong vòng tay mẹ. Bây giờ phải nằm 1 mình trên cái giường rộng mênh mông nên bé cũng hay khóc. Những lúc bé khóc mình đã dùng khăn quấn chặt bé và có thể chèn thêm gối để bé có cảm giác an toàn và ấm áp hơn. Đến tháng thứ 2 mình đã cho bé sang phòng riêng. Trong phòng có trang bị hệ thống camera và âm thanh để vợ chồng mình có thể theo dõi giấc ngủ của bé.

Thường cứ 7h tối, mình bắt đầu cho bé vào phòng, mở nhạc nhẹ cho bé nghe, cho bé chơi đồ chơi hoặc chồng mình sẽ kể chuyện cho bé. Sau đó khi buồn ngủ bé sẽ  tự đi vào giấc ngủ. Mình sẽ mở nhạc suốt đêm để bé ngủ ngon hơn và kích thích trí não của bé phát triển trong khi ngủ. Đối với phương pháp này có thể thời gian đầu bé sẽ khóc nhiều khi bất chợt tỉnh giấc trong đêm nhưng các mẹ sẽ không chạy vào luôn mà sẽ chờ khoảng 5 phút mới chạy vào, sau đó cứ tăng dần lên 10 rồi 15 phút… Sau một thời gian, bé sẽ biết tự nín và tự tìm lại giấc ngủ. Daisy nhà mình cũng dần tạo được thói quen tự ngủ và giấc ngủ của bé cũng sâu hơn nhờ việc ngủ riêng.

quot;Nuôi con kiểu mẹ Mỹ lạnh lùng quá!quot; - 2
Chỉ mới 9 tháng tuổi nhưng bé Daisy đã có thể tự ăn, tự ngủ, tự chơi...

Ở Việt Nam cũng có rất nhiều mẹ ru con ngủ theo kiểu Mỹ nhưng rồi các con khóc quá,  mẹ vì thương con nên lại đành bỏ cuộc. Bạn có gặp phải trường hợp như vậy không?

Đương nhiên là sẽ có, thời gian đầu Daisy khóc nhiều lắm. Những lúc con khóc thật sự cũng thương con lắm, cũng có nhiều lúc thấy nhụt chí. Nhưng mình làm vậy cũng là vì con, muốn con có được một giấc ngủ yên tĩnh, không ai làm phiền, hơn nữa vợ chồng mình cũng có được một khoảng không gian riêng. Vì vậy, dù có khó mấy mình vẫn cố gắng. Những lúc bé khóc mình đã dùng khăn quấn chặt bé và có thể chèn thêm gối để bé có cảm giác an toàn và ấm áp hơn. Khi bé sang phòng riêng, trong phòng của bé có trang bị hệ thống camera và âm thanh để vợ chồng mình có thể theo dõi giấc ngủ của bé. Mình luôn cố gắng tạo cho bé một thời gian biểu ổn định để sau này bé sinh hoạt và làm việc được khoa học hơn, bố mẹ cũng sẽ đỡ vất vả hơn.

Có một số ý kiến thì tán thành với phương pháp này nhưng cũng có 1 luồng ý kiến lại cho rằng phương pháp này sẽ làm giảm đi sự gắn kết của tình mẫu tử, theo bạn thì sao?

Theo quan điểm của mình thì tất cả mọi cách làm đều có mặt trái. Cái quan trọng là quan điểm và suy nghĩ của bố mẹ. Mình làm vậy cũng chỉ vì con, muốn cho con tự lập từ nhỏ để kích thích sự phát triển của bé. Sự gắn kết tình mẫu tử theo mình có thể đến từ nhiều cách. Ví dụ mỗi sáng khi thức dậy mình đều ôm hôn Daisy, cho bé tập thể dục và mở nhạc cho bé nghe, 2 mẹ con cứ ôm nhau và lắc lư theo điệu nhạc.

Các mẹ mới là người hiểu con nhất

Bạn đã sống ở Việt Nam và ở Mỹ, bạn có nhận thấy sự khác biệt trong nhận thức, cách cư xử của mẹ Việt và mẹ Mỹ đối với con cái?

Theo mình, điểm khác nhau căn bản nhất đó là trong suy nghĩ. Ở Việt Nam mọi người luôn nghĩ rằng trẻ em vẫn chưa biết gì, không có cảm thụ, chỉ biết ăn và ngủ. Do đó, ông bà, bố mẹ lúc nào cũng thích bồng bế con, làm giúp con, lúc nào cũng sợ con đói, con đau. Việc dạy con ở Việt Nam còn luôn bị phụ thuộc vào quá nhiều người, bố mẹ không được toàn quyền quyết định cách nuôi dạy con mình. Trong khi ở Mỹ đã có sẵn một môi trường giáo dục tích cực, ví dụ rất ít khi họ đánh hay mắng con, cũng như họ không chủ động can thiệp vào cách người khác nuôi dạy con. Chính vì thế mà việc dạy con hoàn toàn do bố mẹ làm chủ, chứ không bị tác động nhiều do người ngoài.

Người Việt mình giàu tình yêu thương nhưng lại bao bọc con thái quá, làm cho đứa trẻ “chậm lớn” và thường ỷ lại bố mẹ. Nhưng cách chăm con, dạy con của người Mỹ lại bị đánh giá là “lạnh lùng, vô tình” khi để trẻ phải tự lập quá sớm. Bạn nghĩ sao về những đánh giá này?

Bạn nói rất đúng, đó là quan niệm bao bọc của các mẹ Việt.  Mình không thích như vậy. Điều đó không những không có lợi cho bé mà cũng không có lợi cho cả mẹ. Mẹ sẽ luôn trong tâm trạng lo sợ thái quá. Còn đứa trẻ sẽ chậm phát triển, rất dễ vấp ngã khi bước vào cuộc sống.

Nhưng ở Mỹ thì hơi lạnh lùng thật. Ví dụ, khi cho con đi học mình luôn ở lại với con một chút, căn dặn con, dỗ dành cho con bớt khóc rồi mới dám đi. Nhưng còn các mẹ ở Mỹ thì chỉ đưa con cho cô giáo rồi đi luôn, mặc cho con gào khóc đòi mẹ. Còn mình vẫn là mẹ Việt, mình không làm được vậy. Nhưng đó cũng là do sức ép của cuộc sống và tất cả mọi người đều vậy nên họ cũng như vậy.

quot;Nuôi con kiểu mẹ Mỹ lạnh lùng quá!quot; - 3
Daisy bé xíu nhưng đã được mẹ huấn luyện tự ngồi bô.

Là một người ảnh hưởng của 2 nền văn hóa Mỹ, Việt, vậy bạn thích cách giáo dục con của nước nào hơn?

Mình không hoàn toàn nghiêng về một cách nào cả, mình nuôi con theo cả cách của người Mỹ, người Việt và cả những nước khác nữa. Những chia sẻ của mình có vẻ nghiêng nhiều về phía Mỹ nhưng các mẹ Việt có rất nhiều cách hay. Mình học tập được từ người Mỹ việc có một tâm lý khá vững khi nuôi con, xuất phát từ sự học hỏi, chuẩn bị đầy đủ về quá trình nuôi dạy con, và một sự thoải mái, tự tin, giúp cho mình vui vẻ và tận hưởng thời gian làm mẹ.

Tuy nhiên cách nuôi dạy con của Mỹ cũng có những điểm thụ động, họ ít khám phá những cách làm mới, đặc biệt là trong việc chuẩn bị khẩu phần ăn cho con. Họ chỉ cho con ăn một số đồ ăn nhất định, cho con ăn chủ yếu là đồ hộp trong khi các mẹ Việt lại rất giỏi trong khoản nấu nướng. Vì vậy về khoản nấu nướng hay tình yêu thương dành cho con mình cần học hỏi rất nhiều từ mẹ Việt.

Mình nghĩ các mẹ nên dung hòa giữa các cách, cách nào tốt, khoa học và quan trọng là phù hợp với bé nhà mình thì hãy nên áp dụng. Tất cả các phương pháp đều chỉ mang tính tương đối. Tùy điều kiện của từng gia đình và tính cách của từng bé mà các mẹ nên cân nhắc xem phương pháp nào phù hợp. Không ai hiểu con mình bằng các mẹ đâu!

Kim Oanh.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bố mẹ đảm nuôi con ngoan