10 món đồ chơi kích thích 5 giác quan của trẻ

Ngày 12/04/2014 00:00 AM (GMT+7)

Dường như đứa trẻ nào cũng thích đồ chơi, vậy thì cứ mua những thứ chúng có thể chơi. Nếu nghĩ như vậy thì bạn cần phải xem lại.

Đồ chơi là trải nghiệm quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh và thực hành những kỹ năng mới. Vì vậy, mua gì cho trẻ chơi cũng là một quyết định đòi hỏi phải có sự tìm hiểu kỹ càng.

Khi lần đầu tiên biết đến đồ chơi, bé sẽ thèm những món đồ chơi có thể nhìn, nghe và cho vào miệng để gặm. Lớn lên một chút, bé sẽ bị thu hút bởi những món đó chơi về đồ chơi mà bé có thể cầm nắm, đá, hay xoay chúng trong tay. Khi đã biết ngồi, biết thu thập dữ liệu, những món đồ chơi giúp bé khám phá là phù hợp nhất cho bé vào lúc này. Đó là những đồ chơi có nhiều bộ phận và bé có thể tháo ráp, ném, đập, quăng, cắn.

Dưới đây là những món đồ chơi kích thích sự phát triển năm giác quan của trẻ mà cha mẹ nên biết.

Xúc xắc

Bé có thể làm gì với một cái xúc xắc? Rất nhiều. Màu sắc sặc sỡ và âm thanh tươi vui của chiếc xúc xắc là công cụ tuyệt vời để bé học nhìn và nghe. Bạn hãy thử lắc một cái rồi quan sát xem đầu bé quay về phía chiếc xúc xắc như thế nào. Bạn cũng có thể đeo những chiếc xúc xắc nhỏ vào cổ tay hoặc cổ chân của bé rồi nhìn bé di chuyển cánh tay hoặc bàn chân dễ thương của mình theo tiếng lúc lắc. Lúc đầu, có thể bé sẽ ngạc nhiên với tiếng ồn của chiếc xúc xắc, nhưng không lâu sau bé sẽ phát hiện ra bé có thể tạo ra tiếng động  mỗi khi vẫy tay hoặc đá chân với chiếc xúc xắc. Khi được khoảng năm tháng, bé có thể cầm chắc chiếc xúc xắc và chuyển từ tay này sang tay kia để chơi.

10 món đồ chơi kích thích 5 giác quan của trẻ - 1
Màu sắc sặc sỡ và âm thanh tươi vui của chiếc xúc xắc là công cụ tuyệt vời để bé học nhìn và nghe.

Thú nhồi bông

Sự mềm mại của thú nhồi bông sẽ tập cho bé yêu của bạn học cách cầm nắm và cả cách ôm đồ vật vào lòng. Chúng còn giúp bé phát triển xúc giác, đặc biệt là những món đồ có nhiều kết cấu như một con vật có đuôi, có tai và quần áo được làm bằng những chất liệu khác nhau. Từ 6 tháng trở lên, bé sẽ biết gắn bó với một trong những bạn thú nhồi bông của mình, và đây có thể trở thành đồng minh của bạn trong một số trường hợp cần phải “dụ dỗ” bé. Bạn cũng có thể dùng món đồ chơi này để chơi ú òa với bé, cho bé thấy sự biến mất rồi lại xuất hiện bất ngờ của một đồ vật. Để đảm bảo an toàn cho bé, bạn hãy kiểm tra để chắc các bộ phận như mắt, mũi của thú nhồi bông đã được khâu kỹ càng, tránh những chiếc nút hay vật dụng nào khác có thể rơi ra vào bất cứ lúc nào để bé có thể nuốt phải.

Đồ chơi treo nôi/cũi

Những món đồ chơi treo nôi màu sắc sặc sỡ mang đến cho bé cảm giác thích thú khi nằm chơi trong nôi. Những con thú ngộ nghĩnh được treo lủng lẳng với nhiều màu sắc khác nhau giúp bé có thể tập trung hơn, rèn luyện đôi mắt qua đó não bộ của bé cũng được tiếp sức phát triển. Âm nhạc hoặc những giai điệu vui tai đi kèm cũng giúp bé phát triển toàn diện về nhận biết âm thanh và động tác khi bé tập trung lắng nghe và với tới những món đồ chơi này.

Thảm chơi cho bé

Khi bé đã biết lật và có khả năng vận động nhiều hơn, cha mẹ có thể tìm món gì đó để bé có thể tự chơi một mình.  Một chiếc thảm chơi có nhạc, có thanh 3d treo lủng lẳng các con vật ngộ nghĩnh là công cụ tuyệt vời giúp bé phát triển thể chất và các kỹ năng phối hợp. Bé có thể quay đầu, chuyển hướng để với tới món đồ mình thích. Đây cũng là cách để bé thực hành nhuần nhuyễn kỹ năng cầm nắm và giữ đồ chơi. Thảm chơi cũng giúp bé trau dồi thể lực và khả năng giữ thăng bằng. Khi được khoảng 3 tháng, bé có thể nhìn ngang qua những đồ chơi trên chiếc thảm và cố gắng tiếp cận để lấy chúng, luyện cho cơ bắp cứng cáp hơn. Lớn hơn một chút, chiếc thảm giúp bé tập bò, tập ngồi và trở thành một trung tâm vận động với những chiếc nút, đèn chiếu sáng, cửa ra vào, hiệu ứng âm thanh giúp bé rèn luyện ác kỹ năng của mình.

Các khối mềm

Đồ chơi hình khối đã có từ rất lâu và lý do để chúng tồn tại đến ngày nay là giúp trẻ con có thể phát triển rất nhiều kỹ năng. Trước khi có thể học cách xếp chồng các khối lên nhau, bé có thể học cách cầm, nắm và cho vào miệng để gặm. Giai đoạn này bạn nên sắm cho bé các khối mềm được làm bằng vải, có màu sắc rực rỡ và có âm thanh đi kèm, nếu có thể rung nữa thì càng tốt. Trước khi bé biết ngồi, bạn có thể cầm các khối này và nói chuyện với bé, tập cho bé cách lắng nghe và quan sát khi bạn chỉ vào các khối hoặc lắc lắc chúng trong tay. Sau đó, bạn có thể tăng cường các kỹ năng mới cho bé bằng cách xếp chồng các khối lên nhau rồi cho bé gỡ chúng xuống. Hoặc bạn có thể chỉ cho bé cách ném các khối vào các mục tiêu như sofa, thảm hay nôi chẳng hạn.

Quả bóng

Trước khi trở thành một cầu thủ, em bé của bạn có thể có nhiều trải nghiệm thú vị với những món đồ chơi có hình cầu như quả bóng. Những quả bóng thường có nhiều kích cỡ và chất liệu khác nhau. Với bé sơ sinh, bạn có thể chọn những quả bóng nhỏ, mềm mại với nhiều mày sắc để tập cho bé cách nhìn và sờ đồ vật. Khi bé đã biết ngồi, hãy thả một quả bóng lớn hơn cho nó lăn giữa bé và bạn, bé có thể học cách phán đoán hướng đi của quả bóng, bắt được quả bóng đang lăn và đẩy hay ném quả bóng đi sau đó.

Vòng xếp và tổ ly xếp

Đây là những món đồ chơi lý tưởng để giúp bé học ngồi đồng thời dạy bé về kích thước và màu sắc. Bạn có thể cầm các chiếc vòng để chỉ cho bé biết phân biệt các loại vòng lớn, vòng nhỏ khác nhau, cũng như giúp bé nhận biết các màu sắc "Con nhìn xem, đây là chiếc vòng màu xanh, còn kia là chiếc vòng màu đỏ”. Khi bé đã phối hợp tay và mắt tốt hơn, bé có thể lấy những chiếc vòng hoặc ly ra khỏi tổ xếp, đây là bước đệm để bé học cách xếp chồng các chiếc vòng lên nhau hoặc làm tổ ly xếp. Những chiếc tách dùng làm tổ ly cũng có thể giúp bé chơi trong khi tắm với trò chơi dùng những chiếc tách nhỏ để múc nước đổ đầy vào chiếc tách lớn hơn.

Sách

Dù chưa biết đọc nhưng bé rất thích khám phá các trang sách. Hãy chọn những cuốn sách có chất liệu giấy đủ dày hay sách bằng vải để có thể chịu được “sức công phá” của bé và để bé tự do cầm, quăng hay cắn xé tùy ý. Đây cũng là cách để cho bé làm quen với sách và học được cách nhìn tranh, ảnh trên các trang sách sau này. Những cuốn sách để trẻ sơ sinh học hỏi tốt nhất là sách có hình ảnh đơn giản của vật quen thuộc với bé, kích thước khoảng một trang giấy. Chúng sẽ rất hiệu quả trong việc thu hút sự chú ý của bé, dù chỉ trong một, hai phút.

Gương an toàn cho bé

Bạn có biết điều bé thích nhìn nhất là khuôn mặt, đó là lý do bé thường cười khi bạn nhìn thẳng vào mắt bé. Vậy hãy treo trên cũi của bé một chiếc gương an toàn. Bé của bạn sẽ không biết khuôn mặt dễ thương trong gương đó chính là mình cho đến khi bé được 1 tuổi, nhưng bé có thể nhìn hình ảnh phản chiếu của mình và cười với nó. Hầu như đứa trẻ nào cũng thích gương vì chúng cho bé niềm vui ngay tức thì, khi bé di chuyển cánh tay hay bàn chân, cái người trong gương cũng sẽ làm y chang vậy. Bạn có thể làm bé thích thú hơn trong trò chơi này bằng cách bế bé đến trước chiếc gương lớn và thực hiện nhiều cử động trên gương mặt mình, bạn có thể ngạc nhiên khi thấy bé bắt chước lại các cử động của bạn đấy.

Đồ chơi trong lúc tắm

Bé rất thích chơi với các đồ chơi trong lúc tắm. Không cần những loại “hải sản” tôm cá mực như trẻ lớn, trẻ sơ sinh chỉ cần những món đồ chơi đơn giản, một chiếc thuyền hay con vịt, con cá nhỏ bằng nhựa có thể bơi trong chậu tắm của bé. Bé có thể cầm, lắc, đập chúng xuống nước để nước bắn tung tóe. Bạn cũng có thể tham gia vào trò chơi này với bé bằng cách tạo ra hiệu ứng âm thanh (kêu “bộp bộp” mỗi khi bé đập đồ chơi xuống nước) hoặc nói những câu khuyến khích bé với lấy đồ chơi “Con vịt đang bơi đi kìa, còn hãy bắt nó đi”.

T. Hằng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chọn đồ chơi cho bé