Biến chứng cực nguy làm mẹ "mất" con (P.1)

Ngày 14/11/2013 16:50 PM (GMT+7)

Ngay sau khi thụ thai, có thể mẹ bầu sẽ phải đối diện với các biến chứng nguy hiểm như chửa trứng, thai ngoài tử cung, sẩy thai...

Hầu hết thai phụ đều trải qua quá trình mang thai, sinh nở bình thường, suôn sẻ, tuy vậy vẫn có khoảng 1/500 chị em sẽ gặp 1 số biến chứng ảnh hưởng đến mẹ hoặc bé trong suốt kỳ thai nghén. Hiểu biết các biến chứng nguy hiểm nhất ở từng quý thai kỳ, các dấu hiệu cảnh báo, mức độ rủi ro v.v… sẽ giúp chị em nhanh nhạy phản ứng nếu không may gặp bất  kỳ vấn đề nào trong thời gian bầu bí, nhờ đó giữ sức khỏe và thậm chí là an toàn tính mạng cho cả 2 mẹ con.

Phần 1: Biến chứng cực nguy quý 1 thai kỳ

Nhận thấy 2 vạch đỏ hiện ra trên que thử thai là khoảnh khắc hạnh phúc của nhiều chị em, nhất là với những người mới lần đầu làm mẹ. Tuy nhiên, để thực hiện được thiên chức làm mẹ đầy thiêng liêng này, bạn sẽ phải trải qua 1 chặng đường dài hơn 280 ngày bầu bí. Trong khi với đa số mẹ bầu, đây là khoảng thời gian tuy mệt mỏi, khó chịu nhưng thú vị vì được tận hưởng niềm khát khao mong chờ bé yêu, thì với một số chị em không may  mắn khác, mang thai đồng nghĩa với việc gánh chịu những biến chứng nguy hiểm ngay từ những ngày đầu thai nghén.

Biến chứng cực nguy làm mẹ quot;mấtquot; con (P.1) - 1
Có nhiều biến chứng có thể xảy ra ngay sau thụ thai mà bà bầu cần đặc biệt cẩn trọng (hình minh họa)

Sau đây là những biến chứng phổ biến nhưng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của mẹ bầu với nhiều mức độ khác nhau trong 3 tháng đầu mang thai, mà hầu hết đều dẫn đến hậu quả là người mẹ sẽ phải chấm dứt thai kỳ.

1. Nghén nặng

Cứ khoảng 100 thai phụ sẽ có 2 người bị nghén nặng vào những tháng đầu hoặc cuối thai kỳ với các triệu chứng như buồn nôn liên tục, đau đầu, mệt mỏi, huyết áp thấp, nhịp tim nhanh, có thể dẫn đến hôn mê. Nguyên nhân là do trong cơ thể những mẹ bầu này có chứa lượng hormone nhạy cảm cao hơn so với các thai phụ khác. Nghén nặng cũng thường xảy ra với những mẹ bầu béo phì, mang thai lần đầu, đa thai v.v… Một nghiên cứu gần đây cho thấy mẹ bầu nghén nặng còn có nguy cơ cao mắc chứng tiền sản giật và thường phải nhập viện trước tuần 12 của thai kỳ do nôn mửa quá nhiều làm tăng khả năng tắc ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu, suy yếu chức năng gan v.v… Do đó, nếu bị nghén nặng dẫn đến mất nước, mẹ bầu phải nhanh chóng nhập viện để được truyền dịch kịp thời.

2. Hở cổ tử cung

Dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất của hở cổ tử cung là vào những tháng cuối của quý 1, đầu quý 2 thai kỳ, khi ống cổ tử cung không khép chặt và bắt đầu mở trước thời điểm sinh làm túi nước ối chứa thai nhi tuột xuống đường âm đạo, vỡ ra. Thai phụ đang sinh hoạt bình thường đột nhiên cảm thấy nước ối chảy ra. Sau vài cơn gò mạnh, thai được sinh ra rất nhanh. Do chỉ khoảng từ 3 – 4 tháng nên thai rất non và thường chết ngay sau khi sinh. Một điều không may là hở cổ tử cung thường chỉ được chẩn đoán sau khi đã sẩy thai lần đầu tiên, lần mang thai sau lại có nguy cơ bị sẩy sớm hơn lần trước.

Để hạn chế tình trạng này, bác sĩ sẽ dùng 1 sợi chỉ khâu xung quanh cổ tử cung như khâu miệng túi để giữ nó khép chặt lại với điều kiện thai nhi còn sống, phát triển bình thường và không xảy ra chuyển dạ, không có cơn gò tử cung, cổ tử cung mở dưới 2cm và xóa dưới 80%, ối chưa thành lập. Sợi chỉ này sẽ được cắt, lấy ra vào khoảng 7 ngày trước ngày dự sinh, và bé có thể được sinh qua đường âm đạo như thông thường. Khi đã nghỉ ngơi tại bệnh viện sau thủ thuật, mẹ bầu có thể về nhà nhưng cần nghỉ ngơi thật đầy đủ, trong tuần đầu tiên phải hạn chế đi lại, làm việc nặng và cần đến bác sĩ ngay nếu có các dấu hiệu như đau bụng, ra huyết âm đạo v.v…

3. Thai ngoài tử cung

Là 1 biến chứng khá phổ biến trong 3 tháng đầu thai kỳ, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng người mẹ nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời, thai ngoài tử cung chiếm tỷ lệ 4,5 – 10,5/1000, tức cứ 1000 người mang thai sẽ có từ 4 – 10 thai phụ có thể bị thai ngoài tử cung. Đây là trường hợp thai không nằm trong lòng tử cung mà nằm ở những nơi khác ngoài tử cung, 99% là noãn làm tổ trong ống dẫn trứng, hiếm hơn là trứng thụ tinh nằm trong khoang bụng, trong cổ tử cung hoặc trên 1 trong 2 buồng trứng.

Biến chứng cực nguy làm mẹ quot;mấtquot; con (P.1) - 2
Các trường hợp phổ biến của thai ngoài tử cung. (hình minh họa)

Do nằm sai vị trí, nên khi thai phát triển ngày một lớn sẽ làm ống dẫn trứng căng ra, nhau lớn dần làm suy yếu vách của ống dẫn trứng gây xuất huyết và cuối cùng ống dẫn trứng bị vỡ làm người mẹ rơi vào tình trạng nguy kịch do mất quá nhiều máu. Thai ngoài tử cung đặc biệt nguy hiểm nếu nằm ngay chỗ nối giữa vòi trứng và tử cung vì khó chuẩn đoán sớm, gây mất máu nhiều và nhanh khi thai vỡ, ảnh hưởng đến khả năng có thai sau này.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thai ngoài tử cung, như vòi trứng bị hẹp, tắc bẩm sinh; khối u vùng phụ như u nang buồng trứng; do trứng di chuyển chậm hơn bình thường; viêm nhiễm bộ phận sinh dục do vệ sinh vùng kín không đúng cách hoặc do nạo phá thai làm tắc, hẹp vòi trứng; can thiệp trước đó trên vòi trứng như những lần mổ ở vùng bụng cũng có thể gây viêm dính (bên trong hay bên ngoài vòi trứng), làm thay đổi hướng đi của vòi trứng (vòi trứng bị kéo dài, gập góc …) v.v…. Một điều đáng lo ngại là tình trạng thai ngoài tử cung đang ngày càng gia tăng. Thống kê tại Mỹ cho thấy tỷ lệ này ở thập kỷ 80 đã tăng gấp 5 lần so với 10 năm trước đó, theo phỏng đoán của các chuyên gia có thể là do tình trạng viêm nhiễm sinh dục, nạo phá thai ngày càng nhiều.

Để phát hiện thai ngoài tử cung, chị em cần lưu ý đến 3 triệu chứng điển hình: trễ kinh, đau bụng và chảy máu âm đạo. Biểu hiện nguy hiểm nhất của thai ngoài tử cung là diễn tiến ban đầu giống như đang có thai bình thường hoặc giống các bệnh phụ khoa khác khiến chị em dễ nhầm lẫn như khi trễ kinh, nếu thử nước tiểu chị em sẽ thấy có dấu hiệu có thai, thậm chí là các biểu hiện của ốm nghén gây nhầm tưởng đang mang thai; hoặc chảy máu âm đạo gần với ngày có kinh theo chu kì làm người bệnh lầm tưởng đang bị rong kinh v.v….

Nếu có các triệu chứng thai nghén, thử thai có kết quả dương tính nhưng kèm chảy máu âm đạo với lượng máu ít, đen sậm, kéo dài và đau âm ỉ ở bên vùng bụng dưới rốn, có thể giảm tạm thời khi dùng thuốc giảm đau nhưng sau đó tái lại; hoặc hiếm hơn là cảm thấy đau vùng vai; khi đó nên lưu ý đến trường hợp thai ngoài tử cung.Thai ngoài tử cung cần can thiệp sớm vì nếu để đến khi vòi trứng bị vỡ sẽ gây đau dữ dội, da xanh xao và làm người bệnh mệt lả đến ngất xỉu. Tình trạng này sẽ càng trầm trọng hơn do máu chảy nhiều trong ổ bụng không thể tự cầm được, có thể dẫn tới tử vong.

Nguyên tắc điều trị là phải làm sao lấy đi khối thai, hoặc làm cho khối thai không tiếp tục phát triển sai vị trí và tự tiêu; vì nằm ngoài tử cung nên thai không thể phát triển bình thường và cũng không thể cấy khối thai vào tử cung để mang thai như bình thường được. Tùy theo tình trạng khối thai to hay nhỏ, đã vỡ hay chưa vỡ, sức khỏe bệnh nhân v.v…, bác sĩ sẽ có lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp là chỉ định phẫu thuật hay dùng thuốc. Sau khi điều trị thai ngoài tử cung, người bệnh vẫn có thể có thai lại, nhưng thời gian thụ thai sau đó phụ thuộc nhiều vào mức độ nghiêm trọng của lần mang thai ngoài tử cung trước đó, tình trạng mất máu ra sao và áp dụng phương pháp điều trị nào (dùng thuốc cần thời gian lâu hơn). Cũng lưu ý là nguy cơ có thai ngoài tử cung tái phát lên đến trên 10%, có thể lặp lại trên vòi trứng còn lại hoặc trên chỗ mở của vòi trứng lần trước (nếu đã mổ bảo tồn) hay trên mỏm cụt của vòi trứng đã cắt.

Biến chứng cực nguy làm mẹ quot;mấtquot; con (P.1) - 3
Để phát hiện kịp thời thai ngoài tử cung, mẹ bầu cần đi khám thai sớm ngay sau khi phát hiện hoặc nghi ngờ có thai (hình minh họa)

Do đó, để phòng ngừa tai biến này, mẹ bầu nên đi khám thai sớm ngay sau khi phát hiện hoặc nghi ngờ có thai, khi bị đau bụng hay ra máu bất thường vào những tháng đầu thai kỳ. Nếu đã từng có thai ngoài tử cung, hoặc từng bị viêm nhiễm sinh dục, nạo phá thai trước đó, quá trình thăm khám sản khoa phải chặt chẽ và cẩn trọng hơn. Ngoài ra, chị em cũng cần giữ vệ sinh kinh nguyệt tốt, nhất là trong giai đoạn sau sinh và cho con bú; sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn và hạn chế nạo phá thai.

4. Chửa trứng

Khi mới có thai mà phát hiện các triệu chứng như ra máu đỏ hoặc nâu đen dai dẳng hoặc ồ ạt thường vào khoảng tuần thứ 6 – 16 của thai kỳ làm người mệt mỏi, xanh xao, hoa mắt chóng mặt; bị nôn nhiều, ra cả mật xanh, mật vàng,không tăng cân và có thể bị phù, huyết áp tăng cao; bụng to nhanh bất thường (thai 2 – 3 tháng mà bụng bầu đã to như 5 – 6 tháng) … thì mẹ bầu cần đến bệnh viện thăm khám ngay. Nếu qua siêu âm thấy tử cung to hơn bình thường, không tương xứng với tuổi thai, mềm và đặc biệt có hình lỗ chỗ trong khối nhau, không thể hiện phôi thai, tim thai, xét nghiệm nước tiểu cho kết quả nồng độ HCG tăng rất cao trên 30.000 đơn vị v.v… thì có thể bạn đã bị chửa trứng.

Là một hiện tượng thai nghén bất thường, thai phụ bị chửa trứng có 1 phần hay toàn bộ tổ chức gai nhau bị thoái hóa tạo thành các túi chứa dịch dính vào nhau thành từng chùm như trứng ếch. Những chùm nang này thường chiếm toàn bộ diện tích buồng tử cung và tiếp tục phát triển nhờ máu mẹ, dù trứng đã hỏng. Chửa trứng đặc biệt gây nguy hại cho sức khỏe và tính mạng của người mẹ, nếu không kịp cấp cứu kịp thời có thể gây băng huyết, hoặc trứng ăn sâu vào cơ tử cung, làm thủng lớp cơ tử cung gây chảy máu ổ bụng. Nguy hiểm hơn là chửa trứng có thể gây ung thư mô trung sản, chiếm đến gần 30% ca chửa trứng, do tế bào nuôi phần nhau bị ung thư và lây sang mẹ, thường xảy ra ở những mẹ có kích thước tử cung trước khi nạo to hơn tuổi thai 20 tuần, hoặc có 2 nang hoàng tuyến to 2 bên buồng trứng, nồng độ HCG tăng rất cao, có biến chứng của chửa trứng như nhiễm độc thai nghén hay cường tuyến giáp, cũng có thể do chữa trứng tái phát.

Trong y khoa thường phân chia chửa trứng ra làm 2 loại: chửa trứng hoàn toàn là loại không có tổ chức thai với các gai nhau phình to, mạch máu lông nhau biến mất và lớp tế bào nuôi tăng sinh mạnh; trong khi đó, chửa trứng không hoàn toàn hay còn gọi là chửa trứng bán phần có tổ chức thai, 1 phần thai và màng ối, thai có thể sống hoặc đã chết với các gai nhau phù nề. Nếu chửa trứng không bị sảy tự nhiên thì cần nong cổ tử cung và nạo hút thai, và phải nạo hút sớm để phòng sẩy thai gây băng huyết.

Biến chứng cực nguy làm mẹ quot;mấtquot; con (P.1) - 4
Mang thai trên 40 tuổi đồng nghĩa với việc chị em phải đối diện với nhiều rủi ro khi bầu bí, trong đó có nguy cơ bị chửa trứng ở 3 tháng đầu thai kỳ (hình minh họa)

Dù chưa xác định được nguyên nhân chính xác, tuy nhiên có nhiều yếu tố nguy cơ tiềm ẩn là căn nguyên gây nên tình trạng chửa trứng ở thai phụ: mẹ mang thai dưới 20 tuổi hoặc trên 40 tuổi; tiền sử thai nghén lần đầu không bình thường, có khuyết tật về nhiễm sắc thể của trứng, bất thường ở tử cung …; sinh đẻ quá nhiều lần hoặc chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, thiếu hụt vitamin A, protein, axit folic, carotene v.v… Do đó, để phòng tránh tai biến nghiêm trọng này, trước khi mang thai, chị em cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh vùng kín sạch sẽ, không sinh quá nhiều con và không sinh quá gần nhau. Với những chị em đã từng bị chửa trứng, khi muốn có con lại cần phải chờ đủ thời gian tối thiểu là 2 năm với sự tư vấn và theo dõi cẩn thận của bác sĩ.

5. Sẩy thai

Có đến 1/3 thai phụ sẽ bị sẩy thai trong khoảng 20 tuần đầu thai kỳ. Các chuyên gia cho rằng hầu hết các ca sẩy thai thuộc 2 nhóm nguyên nhân chính: 1 là tử cung chưa trưởng thành, cần được thử sức trước khi nó đủ khả năng mang bào thai cho đến ngày sinh; 2 là do các khuyết tật ở tinh trùng hoặc noãn bào có thể tạo ra 1 thai nhi bất thường không thể phát triển hoàn chỉnh và sẽ bị cơ thể tự đào thải. Cũng có đến 1/4 chị em bị sẩy thai trước khi nhận thấy các dấu hiệu của thai nghén.

Các triệu chứng báo hiệu sẩy thai gồm: ra máu âm đạo bất thường kèm đau bụng, đau lưng, chuột rút; xuất hiện các cơn co thắt từ 5 – 20 phút/ lần hoặc giảm đến mất hẳn các triệu chứng thai kỳ, kèm giảm cân nhanh chóng. Các bác sĩ cũng chia sẩy thai ra thành các cấp độ khác nhau như sau:

- Sẩy thai khó tránh: Âm đạo bị chảy máu cộng với các cơn đau co thắt tử cung, nếu cổ tử cung mở thì chuyện sẩy thai sẽ không tránh khỏi.

Sẩy thai hoàn toàn: Bào thai và lá nhau bị tống xuất ra khỏi tử cung, đôi khi không thấy có triệu chứng gì và việc sẩy thai chỉ được xác định bằng siêu âm.

Sẩy thai lưu: Bào thai và lá nhau đã chết nhưng vẫn còn lưu lại trong tử cung 1 thời gian, có khi kéo dài nhiều tháng trước khi bị đẩy ra ngoài. Các triệu chứng mang thai biến mất, nhưng lại không có biểu hiện nào khác cho biết bào thai đã chết mà cần 1 thời gian sau người mẹ mới phát hiện ra.

Sẩy thai không trọn: Là trường hợp sẩy thai đã diễn ra, nhưng vẫn còn 1 số bộ phận là sản phẩm của việc thụ thai như túi nước ối hoặc lá nhau nằm bên trong dạ con.

Sẩy thai liên tiếp: Xảy ra đối với những chị em đã bị sẩy thai từ 3 lần trở lên, và đều xảy ra vào 1 giai đoạn nhất định của thai kỳ, với cùng chung 1 nguyên nhân.

Sẩy thai tái phát: Đây là trường hợp sẩy thai trên 3 lần nhưng mỗi lần xảy ra ở các giai đoạn khác nhau, với những nguyên nhân khác nhau.

Biến chứng cực nguy làm mẹ quot;mấtquot; con (P.1) - 5
Tin vui bầu bí vẫn có thể đến với những mẹ bầu đã sẩy thai liên tiếp trên 3 lần, vì vậy nếu rơi vào trường hợp này, bạn cũng đừng quá bi quan (hình minh họa)

Đối mặt với việc sẩy thai là điều không hề dễ dàng với cả người mẹ và gia đình thai phụ, tuy nhiên chị em nên biết rằng, tỷ lệ mang thai thành công sau khi sẩy thai liên tiếp trên 3 lần vẫn rất cao, lên đến 60%. Ngoài ra, cũng có thể làm 1 xét nghiệm tiên đoán nguy cơ sẩy thai trước khi mang thai bằng cách đo mức nội tiết tố luteinizing (LH), 1 loại nội tiết tố đóng vai trò kiểm tra các nội tiết tố khác quan hệ đến việc mang thai, bao gồm cả estrogen. Theo đó, nếu mức LH này quá cao trong suốt kỳ kinh nguyệt trước khi rụng trứng thì sẽ làm gia tăng nguy cơ sẩy thai.

Để ngăn ngừa sẩy thai, mẹ bầu cần khám thai thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ; bổ sung dưỡng chất đầy đủ, đặc biệt là các loại vitamin cần thiết cho thai kỳ như axit folic, sắt, canxi, vitamin C, E; giảm thiểu tối đa tiếp xúc với các chất độc bên ngoài môi trường; giảm căng thẳng, stress trong thai kỳ; sử dụng thuốc bổ và các loại thực phẩm hỗ trợ nội tiết tố vì khoảng 80% phụ nữ bị sẩy thai tái phát do mất quân bình nội tiết; nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ giấc; giảm hoặc không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê v.v…

Mời các mẹ đón đọc Phần 2: Biến chứng nguy hiểm làm mẹ "mất" con (Ba tháng giữa thai kỳ) vào 9h00 ngày 16/11/2013 trên chuyên mục Bà bầu

Như Quỳnh (Theo HL)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Biến chứng thai kỳ