Đầu thu thưởng thức nhãn lồng ngọt lịm

Ngày 29/08/2014 10:00 AM (GMT+7)

Mùa vải thiều kết thúc lại đến mùa của những quả nhãn chín mọng, thơm ngon.

Trải dọc theo hình chữ S, đâu đâu cũng có nhãn - loài cây không thể thiếu trong góc vườn, hiên nhà của mỗi gia đình. Tuy nhiên, người tiêu dùng yêu thích và mong muốn thưởng thức nhất là nhãn lồng của mảnh đất Hưng Yên.

Mùa quả chín, nhãn "nhuộm" một màu vàng óng, lấn át cả màu vàng của nắng, màu xanh của lá cây. Bất cứ ai đi xa về đều mong muốn mua được nhãn Hưng Yên, làm quà cho gia đình, người thân, bạn bè. 

Đầu thu thưởng thức nhãn lồng ngọt lịm - 1

Những quả nhãn căng mọng, hương thơm dịu nhẹ như mời gọi các khách hàng thưởng thức. 

Hà Nội ngày đầu thu, gánh hàng rong như nặng hơn bởi những chùm nhãn trĩu quả. Hương nhãn đầu mùa quyện từng bước chân, từng góc phố. Tên "nhãn lồng" bắt nguồn từ việc khi nhãn chín phải dùng lồng bằng tre, nứa giữ cho chim, dơi không đến phá hoại.

Theo chị Hoa, chủ một cửa hàng bán nhãn trên phố Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, thời điểm hiện tại, ngoài nhãn lồng Hưng Yên, còn có nhãn miền Nam và các tỉnh vùng núi phía Bắc như Bắc Giang, Yên Bái,... và không thể thiếu nhãn Trung Quốc. "Nhìn bằng mắt thường sẽ rất khó phân biệt. Để chọn được một chùm nhãn lồng Hưng Yên chính hiệu, người mua phải cẩn thận và "sành" ăn nếu không muốn mua phải nhãn Trung Quốc. Nhãn lồng Hưng Yên quả to, mọng nước, vỏ mỏng, bên trong là lớp cùi trắng xếp lồng vào nhau, hạt nhỏ, đen nhánh. Mức giá mỗi cân từ 40.000 – 50.000 đồng/kg vì bẻ tại vườn cũng đã có giá 35.000 đồng/kg. Nhãn Trung Quốc do vận chuyển đường xa nên vỏ mỏng, màu sáng bóng nhưng ăn không có vị thơm và ngọt sắc".

Để có nhãn thưởng thức quanh năm, người dân còn sáng tạo ra cách làm long nhãn. Nhãn tươi bóc vỏ, tách riêng lấy phần thịt đem phơi hoặc sấy khô thành màu nâu sẫm nhưng vẫn giữ được hương thơm. Long nhãn thường uống với trà hoặc nấu chè. Đây cũng là thực phẩm dùng để làm thuốc trong chữa bệnh hay quên, thần kinh kém, suy nhược, hay hoảng hốt, khó ngủ. 

Đầu thu thưởng thức nhãn lồng ngọt lịm - 2

Khi những quả nhãn đã mỏng vỏ, các lớp cùi dày xếp lồng vào nhau, màu trắng ngà, vị ngọt...

Đầu thu thưởng thức nhãn lồng ngọt lịm - 3

... là thời điểm báo hiệu mùa thu đã về.

Đầu thu thưởng thức nhãn lồng ngọt lịm - 4

Nhãn được thu hoạch, xuất bán tại các chợ hay dọc các tuyến đường của thủ đô Hà Nội.

Đầu thu thưởng thức nhãn lồng ngọt lịm - 5

Nhiều bà nội trợ cũng tranh thủ mua nhãn về để gia đình thưởng thức. Giá nhãn dao động trong khoảng 35 - 50 nghìn/kg tùy loại.

Đầu thu thưởng thức nhãn lồng ngọt lịm - 6

Nhãn quả rời được bán với giá 35 - 40 nghìn/kg và rất thích hợp làm món chè sen long nhãn. 

Đầu thu thưởng thức nhãn lồng ngọt lịm - 7

Nhãn theo chân gánh hàng rong đi khắp các tuyến phố của thủ đô Hà Nội.

Đầu thu thưởng thức nhãn lồng ngọt lịm - 8

Người xưa thường dùng nhãn lồng để tiến vua. Tiêu chuẩn của nhãn quý là cùi nhãn phải dày, mọng nước và... nhiều mật.

Đầu thu thưởng thức nhãn lồng ngọt lịm - 9

 Nhãn lồng Hưng Yên quả to, mọng nước, vỏ mỏng, bên trong là lớp cùi trắng xếp lồng vào nhau, hạt nhỏ, đen nhánh. 

Đầu thu thưởng thức nhãn lồng ngọt lịm - 10

Mùi hương cũng rất đặc trưng, đó không phải là một mùi thơm nức mũi mà nhẹ nhàng, tinh khiết, dịu mát.

Đầu thu thưởng thức nhãn lồng ngọt lịm - 11

Để bảo quản nhãn tươi lâu, người bán phải phủ bằng những tấm chăn có nước.

Đầu thu thưởng thức nhãn lồng ngọt lịm - 12

Hương vị thơm ngon của nhãn không thể thiếu trong những ngày mùa thu.

Nhãn ngoài cách ăn trực tiếp còn được chế biến thành long nhãn, từ long nhãn có thể làm ra nhiều loại thuốc quý hay bánh kẹo... Bên cạnh đó, nhãn còn được nấu thành thứ chè nổi tiếng: chè hạt sen long nhãn.

Chè sen long nhãn

Mùa nhãn đang về, chị em hãy món chè sen long nhãn để thanh nhiệt cho cả nhà nhé!

Đầu thu thưởng thức nhãn lồng ngọt lịm - 13

Chè hạt sen long nhãn

Nguyên liệu:

- Nhãn tươi: 400gr

- Hạt sen: 200gr

- Nước, đường: vừa miệng ăn

Thực hiện:

- Nhãn bóc vỏ, bỏ hạt.

- Hạt sen rửa sạch, bỏ tâm và lớp áo lụa nếu cần, sau đó cho vào nồi cùng với lượng nước vừa ăn ninh đến khi chín.

- Khi hạt sen chín, vớt ra ½ để lồng vào với chỗ cùi nhãn đã bóc.

- Phần còn lại tiếp tục để trên bếp, nêm nếm lại lượng đường vừa miệng ăn và đun sôi cho đường tan hết.

- Cho chỗ hạt sen lồng nhãn vào nồi, đun đến khi sôi lại thì tắt bếp.

(Phương Anh)

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Eva đi chợ giùm bạn