Củ hành - “Dũng sĩ” diệt khuẩn

Ngày 29/03/2014 00:00 AM (GMT+7)

Củ hành được xếp vào nhóm đứng đầu về tính kháng sinh trên cơ chế sinh học, nghĩa là ít gây phản ứng phụ bất lợi cho cơ thể

Hoạt chất có khả năng ngăn chặn vi khuẩn, ký sinh, nấm mốc... trong dược liệu thiên nhiên, trong thực phẩm đúng là không thiếu nhưng nếu so sánh một cách khách quan, các nhà nghiên cứu trước sau vẫn xếp loại củ hành vào nhóm đứng đầu về tính kháng sinh trên cơ chế sinh học, nghĩa là ít gây phản ứng phụ bất lợi cho cơ thể.

Ở Nga, sau khi so sánh tác dụng của hàng trăm loại dược liệu theo tiêu chí dược lý thực nghiệm, chuyên gia trên quê hương của Tolstoi đã không ngần ngại đánh giá củ hành như món ăn có tính diệt khuẩn không thua bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào đang lưu hành. Thầy thuốc ở vùng Bắc Âu đã từ bao đời dùng củ hành như thực phẩm hỗ trợ cho người bị lao phổi. Tác dụng kháng sinh của củ hành trở nên tối ưu nếu dùng dưới dạng ăn sống hay trộn dầu giấm.

Điểm đáng tiếc là củ hành xào nấu quá chín không còn giữ được tác dụng nguyên thủy. Đây chính là điểm yếu của củ hành khi áp dụng trên trong thực tế vì nhiều người không quen ăn củ hành sống. Nhưng nếu chưa quen vẫn nên tập vì quả thật đáng tiếc nếu không tận dụng được tác dụng kháng sinh của củ hành để diệt khuẩn trong vùng hầu họng và qua đó ngăn ngừa nhiều loại bệnh bào mòn sức đề kháng như viêm xoang, viêm họng, viêm tai giữa. Điều này càng quan trọng hơn nữa trong môi trường ô nhiễm nặng nề, như bầu không khí ám khói trên đường phố TP HCM!

Củ hành - “Dũng sĩ” diệt khuẩn - 1

Nhai củ hành sống, tuy không ngọt lịm như ly nước mía trong buổi trưa hè, song chính là quán triệt cách mượn tinh dầu trong củ hành để vừa thanh trùng vùng cổ họng và ống hô hấp trên vừa mượn cơ chế chảy nước mũi, trào nước mắt để đào thải tạp chất bám chặt trên niêm mạc sau một ngày dài làm bạn với đủ loại độc chất trong môi trường.

Nhiều kết quả nghiên cứu vào cuối thế kỷ XX cho thấy củ hành ăn thua đủ với chất mỡ trong máu. Khác với cơ chế thông thường của nhiều loại thuốc chống mỡ trong máu theo kiểu tìm cách giảm lượng cholesterol một cách thụ động, nghĩa là đợi đến lúc cholesterol đã thao túng “thị trường” thì mới bắt đầu có biện pháp chế tài, củ hành có tác dụng rốt ráo hơn nhiều thông qua ảnh hưởng trực tiếp trên chức năng biến dưỡng chất béo của lá gan. Thay vì chạy theo chất mỡ trong máu, củ hành phản công bằng cách thúc đẩy phản ứng tổng hợp loại chất béo hữu ích cho cơ thể (HDL). Chất này càng cao thì chất béo loại gây xơ vữa mạch máu, viêm gan, suy thận... phải chịu phần lép vế.

Điểm khó xưa nay cho nhà điều trị chính là vì không thiếu thuốc để giảm chất béo độc hại nhưng phải đánh đổi với nhiều phản ứng phụ, trong khi thuốc tăng loại chất béo hữu ích thì vẫn thiếu. Củ hành chính là đáp án! Củ hành không nên thiếu trong khẩu phần của người bị bệnh tim mạch hay toàn diện hơn, trong chế độ dinh dưỡng của bất cứ ai muốn chủ động kiểm soát lượng chất mỡ trong máu mà không muốn phó thác một cách may rủi vào viên thuốc vô tình.

Theo BS Lương Lễ Hoàng (Người lao động)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe