Phục mẹ "dám" cãi lời bác sĩ để cho con bú

Ngày 19/08/2014 11:26 AM (GMT+7)

Trong suốt thời gian nằm viện điều trị kháng sinh, phải vắt bỏ sữa nhưng chị Phương vẫn quyết tâm tìm mọi cách để cho con được bú sữa mẹ.

Chủ trương cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (và tiếp tục cho con bú kết hợp với ăn dặm đến ít nhất 2 tuổi) từ khi mang thai, nhưng nào ngờ sinh con xong có tới 2 lần chị Phương (26 tuổi, Đào Tấn, Hà Nội) phải nằm viện trị bệnh, thế nên việc cho con bú không chỉ bị gián đoạn mà còn có nguy cơ ngừng hẳn vì phải dùng kháng sinh, và nhất là áp lực từ những người xung quanh. Thế nhưng, nhờ sự kiên cường của mẹ, cuối cùng bé Min vẫn được bú mẹ đến tận bây giờ (còn vài ngày nữa là "cu cậu" tròn 1 tuổi).

Trộm vía, bé Min rất đáng yêu và lúc nào cũng đầy năng lượng để chơi nghịch. Bé còn ăn dặm kiểu Baby led weaning (ăn dặm tự chỉ huy) rất giỏi nữa. Chị Phương bảo, nhờ cho con bú và hút sữa thường xuyên khi đi làm nên chị vẫn duy trì được lượng sữa ổn định, kết hợp kiểu ăn dặm tự chỉ huy như vậy nên con khỏe mà mẹ rất nhàn. “Một số người bảo mình cầu kỳ trong nuôi dạy con, nhưng thực ra đối với mình lại vô cùng đơn giản. Bởi sữa thì không phải mua, bột cháo ăn dặm cũng không, cả nhà ăn gì con mình ăn nấy. Thời gian Min bú mẹ hoàn toàn thì càng nhàn vì không bao giờ lo bé tiêu chảy hay táo bón" - chị Phương kể.

Phục mẹ quot;dámquot; cãi lời bác sĩ để cho con bú - 1
Bé Min ăn dặm cực "siêu"

Tuy vậy, để có được sự “đơn giản” như thế, chị đã trải qua thời gian phải “đấu tranh” với chính những người xung quanh và thậm chí với cả bác sĩ để bé Min được bú mẹ.

Cho con bú... bằng niềm tin

Sinh con được 3 tuần thì chị Phương bị dị ứng sau sinh không rõ nguyên nhân, sốt cao liên tục và phải nhập viện điều trị suốt một tuần. Vậy là trong thời gian đó, bé Min không được bú mẹ trực tiếp trong khi ở viện, chị phải hút sữa đổ đi do sữa có kháng sinh. Chị Phương kể: "Lúc ấy mình chưa biết cách giữ sữa, lại hay bị sốt phải nằm truyền một chỗ nên sữa bị giảm do hút không đủ cữ. Nhưng vì vẫn muốn Min được bú sữa mẹ nên mình phải nhờ em trai sang tận gần Hưng Yên xin sữa mẹ của một mẹ mình quen, nhưng bé chỉ bú được có 2 lần. Đến lần thứ 3 thì các bà ở nhà bảo bé có biểu hiện giống đau bụng, thế là các bà nhất định đổ lỗi cho sữa mẹ đi xin và không cho Min bú nữa. Mình cũng thông cảm cho các bà, vì riêng việc sữa trữ đông là các bà đã không muốn cho cháu uống rồi, dù có thanh trùng đi nữa cũng vậy. Vậy là Min phải bú sữa công thức, dù 1 tuần thôi nhưng lúc về nhà thấy "output" của con thành khuôn, chuẩn bị táo bón đến nơi nên mình xót con lắm".

Phục mẹ quot;dámquot; cãi lời bác sĩ để cho con bú - 2
Bố và Min. Mới 1 tháng tuổi Min đã phải nhập viện vì viêm phổi

Chị kể tiếp: "Đến khi ra viện (lúc đó Min vừa đầy tháng), mặc dù sữa ít hẳn đi và mọi người ai cũng bảo mình bị mất sữa rồi, đừng cố cho con bú nữa nhưng mình vẫn nhất định cứ ôm con để bé bú. Mình bảo cả nhà cho mình 1 tuần để kích sữa. Và chẳng cần móng giò móng dê gì, mình chỉ ăn đủ chất, nhiều hoa quả, nhiều nước, cho con bú kết hợp với hút sữa và massage kích sữa. Rồi như một điều kỳ diệu, sau một tuần, mình lại đủ sữa cho con".

Nhưng mọi chuyện chưa dừng ở đó vì bé Min lại bị viêm đường hô hấp trên, khi vào viện Nhi thì bị lây chéo, phải nằm phòng cấp cứu rồi nhập viện gần 1 tháng. Chuỗi ngày đó với chị Phương thực sự là những gì "kiệt quệ nhất, đau lòng nhất nhưng cũng mạnh mẽ nhất... mà mẹ đã từng trải qua" - như trong nhật kí "Vô cùng yêu thương" chị viết cho con: “Trong mẹ có một cái gì đó đã thay đổi. Không đơn thuần là tình yêu thương nữa, nó là sức mạnh vực người ta dậy từ giây phút tuyệt vọng nhất. Hơn cả bản năng, có lẽ nó là cái mà người ta gọi là "bản lĩnh làm mẹ". Trước đó, mẹ vẫn nói với Min rằng "Ước gì tình yêu của mẹ có thể làm Min khỏi ốm". Nhưng lúc ấy, mẹ có một niềm tin lớn hơn rằng chắc chắn Min của mẹ sẽ nhanh khỏe lại. Mẹ cũng không ước mẹ có thể đau thay cho con nữa. Mẹ biết điều tốt nhất mẹ có thể dành cho con vào thời điểm đó, chính là niềm tin, tình yêu và sữa mẹ..."

Phục mẹ quot;dámquot; cãi lời bác sĩ để cho con bú - 3
Bé Min vẫn được bú mẹ sau bao nhiêu biến cố

 

Cuối cùng thì Min cũng được ra viện và trở về nhà: "Ngày ra viện là một ngày nắng chói chang rực rỡ. Ngồi trên taxi đi qua cầu vượt Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh, cây cầu mà trước khi Min vào viện thì nó còn chưa hoàn thành, mẹ liếc nhìn xuống dòng người phía dưới đang lao đi hối hả với nhịp sống riêng của mình, tự hỏi có ai biết có những người như mẹ con mình vừa trải qua "một cuộc sống khác" - cách cuộc sống thường ngày chỉ 2 km hay không. Những ngày vừa qua cứ như một giấc mơ xa lạ vậy. Mẹ cúi xuống nói với Min: "Tất cả đã qua. Mẹ con mình đang trở về nhà". Đó cũng là ngày nhiều ánh sáng duy nhất mẹ nhớ về khoảng thời gian đó. Còn lại, 30 ngày ấy là một chuỗi những gì kiệt quệ nhất, đau lòng nhất nhưng cũng mạnh mẽ nhất mà mẹ đã từng trải qua...".

Tuy vậy, việc chăm con ốm trong bệnh viện trong khi chồng đi công tác xa làm thể chất lẫn tinh thần của chị Phương đều suy giảm. Lại một lần nữa, chị phải đối mặt với sức ép cho con bú sữa công thức. Chị kể: “Ở trong viện chăm con ốm, trừ lúc gần trưa và chiều tối có thêm người nhà vào chăm, mẹ nào cũng chỉ được ngủ 3 - 5 tiếng mỗi ngày, nước có hôm còn quên uống nói gì đến ăn. Mình còn bị một lần ngộ độc thực phẩm, bị áp-xe và zona thần kinh nữa. Nên khi bố Min được nghỉ phép vài ngày và bay về thăm, nhìn vợ như vậy thì xót xa: "Hay là... mình mua sữa ngoài cho con? Giường ai người ta cũng có hộp sữa đấy thôi". Mình vội gạt đi ngay, vì thời gian trước do mình nằm viện nên sữa ít đi, giờ ăn uống không đầy đủ và căng thẳng kéo dài khiến sữa mới giảm như vậy. Nhưng mình vẫn quyết tâm và kiên trì cho con bú, thậm chí nhiều đêm mình phải ngồi bế Min ngủ đến gần sáng, vì Min ti mãi chưa no. Mình cứ ôm con rồi vừa cho bú vừa dỗ dành như thế, đến khi sữa về, nghe tiếng con nuốt sữa rồi ngủ trong vòng tay, mình cảm thấy không có niềm hạnh phúc nào bằng.”

Cãi lời bác sĩ để cho con bú

Tưởng "sóng gió" đã qua, nào ngờ cách đây vài tuần chị Phương bỗng nhiên bị ho ra máu khi đang làm việc trên cơ quan. Được đưa vào vào viện cấp cứu, bác sĩ nói chị bị nhiễm vi khuẩn lao, một loại vi khuẩn sống rất dai và phải điều trị lâu, thuốc điều trị đều là thuốc độc bảng A. Tuy vậy, chị Phương vẫn hút sữa mỗi ngày (dù phải đổ đi) vì muốn duy trì lượng sữa cho con. Thấy vậy, bác sĩ và người thân đều tạo áp lực cai sữa để đảm bảo sức khỏe cho chị. Tuy nhiên, chị Phương vẫn nhất quyết không cai sữa: "Mình đã cố giải thích rằng việc sút cân và chán ăn của mình là do bệnh, do vi khuẩn chứ không phải do cho con bú, và việc ngừng cho con bú đột ngột bây giờ sẽ làm sức khỏe của mình tệ hơn (và cả tinh thần nữa), chưa nói gì đến sức đề kháng của con. Mình vẫn đều đặn hút sữa cả ngày lẫn đêm để duy trì sữa cho bé". Đến mức sau đó bác sĩ phải mắng: "Cô này cứng đầu thật" và... gật đầu đổi cho chị loại thuốc dùng được khi cho con bú.

Phục mẹ quot;dámquot; cãi lời bác sĩ để cho con bú - 4
Hiện tại, Min sắp tròn 1 tuổi - rất đáng yêu và nghịch ngợm

"Không phải mẹ sợ không duy trì được sữa sau 8 tháng điều trị, mà mẹ muốn Min được hưởng dòng sữa của chính mẹ, vì mẹ biết cậu bé ngoan của mẹ xứng đáng với điều đó" - Với chị, sữa mẹ bao giờ cũng tốt cho con hơn bất cứ thực phẩm thay thế nào.

Kể về hôm đi viện cấp cứu, ai nấy đều tròn mắt và... bật cười vì sự bình tĩnh của người mẹ can đảm này: "Lúc bị ho ra máu, dù rất hoảng và mệt nhưng việc đầu tiên mình nghĩ đến là báo với chồng. Mình vẫn còn kịp "chat" với anh và bảo "em phải đi cấp cứu đã" một cách... nhẹ bẫng (!), giống như nói "em phải ra ngoài chút đây" vậy. Sau đó mình mới nhờ gọi cấp cứu và việc thứ 3 mình làm là... đếm tiền và tìm chứng minh nhân dân, thẻ BHYT. Không hiểu sao mà lúc đó người mình run lẩy bẩy vì mất máu, thế mà vẫn nhớ số điện thoại của chị trưởng phòng để nhắn cho chồng. Thậm chí, đôi giày đi hôm đó mình còn để ở công ty vì lúc ấy nghĩ đi dép cho tiện...".

Phục mẹ quot;dámquot; cãi lời bác sĩ để cho con bú - 5
"Cu cậu" rất thích bơi cùng mẹ

Chị kể tiếp: "Đến khi ngồi trên xe cấp cứu rồi, mình mới thực sự hoang mang vì không biết bị bệnh gì (liệu có phải ung thư không?). Rồi mình nhớ đến bé Ủn, con gái của bố Trình Tuấn - ông bố sau hơn 2 năm trời ròng rã xin sữa mẹ cho con rồi lập ra “Ngân hàng sữa mẹ” đầu tiên, mẹ của cô bé ấy khi biết mình sắp ra đi khi vừa mới sinh con chắc cũng có cảm giác như mình bây giờ... Gạt hết những suy nghĩ đó, mình quay sang dặn chỗ để máy hút sữa ở Công ty để mọi người mang vào bệnh viện cho mình. Mình biết, dù có chuyện gì xảy ra, việc mình cần làm trước mắt là duy trì sữa mẹ cho con đã.

Sau đó, qua hai ngày cấp cứu thì mình được chuyển sang khoa lao hô hấp, kết luận lao phổi và phải điều trị 8 tháng. Khi đó, vì biết bệnh rồi, biết điều trị thì sẽ khỏi rồi nên mình không lo lắng nhiều về bệnh nữa; mình chỉ sợ 1 điều là Min không được bú mẹ thôi. Đã vậy, lúc đi viện mình lại chẳng kịp gặp con, thế là đành phải ghi âm những lời dặn dò để bố mang về bật cho Min nghe".

Phục mẹ quot;dámquot; cãi lời bác sĩ để cho con bú - 6
Giờ Min có thể ăn cơm như người lớn rồi nhé!

Những ngày nằm viện, chồng và em trai chị đã phải thay nhau đi xin sữa mẹ cho Min ở khắp nơi. "Cũng may là rất nhiều mẹ tốt bụng đã nhắn tin tặng sữa cho con, mình thực sự cảm kích vì điều đó" - chị Phương chia sẻ.

Quyết tâm cho con bú đến khi bé... 3 tuổi

Hiện tại, chị Phương đã được ra viện và đang ở nhà điều trị. Sau bao nhiêu quyết tâm để giữ sữa, "cu Min" vẫn được bú mẹ bình thường kết hợp với ăn dặm kiểu Baby led weaning. Bé trộm vía rất nghịch ngợm và hay cười. Chị Phương bảo: "Cho đến bây giờ, với mình sữa mẹ vẫn là tốt nhất cho Min. Trộm vía, những khi chẳng may con sốt hay có vấn đề về tiêu hóa, như các bé khác, Min cũng ăn ngủ thất thường nhưng chưa bao giờ bỏ bú mẹ cả”. Hỏi về cân nặng của con, chị Phương nói: “Mình có theo dõi cân nặng của bé nhưng không coi đó là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá sự phát triển của con. Bởi người lớn cũng có người cao người thấp, người đẫy đà hay người gầy. Nhưng tất cả những người đó đều làm việc và sống bình thường. Trẻ em cũng vậy, có bé cao bé thấp, có bé to bé nhỏ, và quan trọng là tất cả các bé đó đều hoạt động và phát triển bình thường..."

Phục mẹ quot;dámquot; cãi lời bác sĩ để cho con bú - 7

Phục mẹ quot;dámquot; cãi lời bác sĩ để cho con bú - 8
Những món đồ xinh xắn mẹ Phương tự làm trong phòng Min

Hỏi sao những ngày ốm bệnh vất vả như vậy mà chị không nghĩ tới chuyện cho con uống sữa công thức, mẹ bé Min chia sẻ: "Thực ra, mọi người hay nói “sữa mẹ là tốt nhất”, hàm ý nếu không có được cái tốt nhất thì có thể dùng cái “tốt nhì” là sữa công thức. Nhưng sự thật không phải vậy. Thứ tự ưu tiên được WHO đưa ra là “Sữa mẹ bú trực tiếp” rồi đến “Sữa mẹ vắt ra” và “Sữa mẹ cho nhận”, cuối cùng mới là sữa công thức. Mình cũng đã tìm hiểu kĩ về những nguy cơ về việc mẹ bị bệnh mà cho con bú, cả những nguy cơ đối với sữa mẹ cho nhận và biết cách khắc phục những rủi ro đó.

Tất nhiên, trong cuộc sống không thể tránh khỏi hoàn toàn rủi ro nên câu chuyện này có thể còn rất dài. Tuy nhiên, mình cũng nhắc rằng tất cả những rủi ro có thể xảy ra đối với sữa mẹ thì cũng là rủi ro đối với sữa công thức, sữa bò. Mẹ bị bệnh thì sữa mẹ bị “hắt hủi” nhưng những con bò cho sữa thì có ai hỏi chúng có bệnh gì không, già cỗi thế nào, có bị tiêm hormon tăng trưởng để tăng sản lượng sữa không,.... Các chất bổ sung cho vào sữa công thức (sao cho gần giống nhất với sữa mẹ) có thể vô trùng nhưng bột sữa thì không, chính vì thế trên một số sản phẩm sữa nổi tiếng, họ vẫn phải ghi “Sản phẩm này có thể không hoàn toàn vô trùng”. Chính vì tất cả các lý do trên nên dù phải đang điều trị bệnh, mình vẫn quyết tâm cho con bú mẹ, đến khi ít nhất bé 3 tuổi, thậm chí nếu muốn có thể có sữa đến khi con...lấy vợ. Thật may mắn là mình có chồng luôn ở bên động viên, ủng hộ và tin tưởng vợ, thế nên mọi chuyện với mình đều suôn sẻ hơn".

Huyền Đặng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu