Nguy cơ vì mẹ bầu mập, con còi

Ngày 11/05/2013 05:00 AM (GMT+7)

Khi mang thai, tâm lý chung ai cũng muốn ăn thật nhiều món ngon, bổ để con to, mẹ khỏe.

Ngay cả những bà mẹ trước đó đã thừa cân nhưng đến khi mang thai vẫn cố gắng lên cân, điều đó đã để lại những hậu quả không tốt.

Hiểm nguy rình rập

Khi mang thai, bà mẹ nào cũng được khuyên nên ăn cho… hai người. Vì thế, bên cạnh việc tự giác ăn uống còn có những trường hợp được ưu ái cho ăn nhiều hơn. Trong bữa ăn, gần như cả gia đình đều nhường hết món ngon cho bà bầu để “em” lớn. Nhưng cơ thể người mẹ lại có lý lẽ riêng. Năng lượng, chất dinh dưỡng từ thức ăn được cơ thể phân bố có thể vào em bé nhưng cũng có thể chỉ vào cơ thể mẹ. Hơn nữa, thừa cân nặng không đồng nghĩa với đủ dinh dưỡng mà cơ thể bé cần. Khi người mẹ chỉ thích ăn bánh, kẹo, chè, xôi, bột chiên, nước ngọt… thì mẹ thừa năng lượng nhưng thiếu sinh tố, khoáng chất, đạm… Điều này giải thích những trường hợp nhiều bà mẹ lên cân “ồ ạt”, trên 20kg, thậm chí 30kg nhưng sinh con dưới 3kg. Khi người mẹ ăn nhiều nhưng đa dạng hơn, lại sinh con to trên 3kg. Mẹ - con có số cân nặng ngoại cỡ, đều có nguy cơ cao bị các bệnh tiểu đường, tim mạch… về sau.

BS Hồ Mạnh Tường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản, Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết: “Tất cả phụ nữ khi mang thai đều có thể bị các biến chứng do thai nghén, nhưng người bị béo phì sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng hơn. Ngoài ra, thai phụ bị béo phì còn có nguy cơ sẩy thai và thai chết lưu, tăng nhẹ nguy cơ dị tật ở trẻ. Còn em bé thì tăng nguy cơ béo phì và dễ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường khi trưởng thành”.

Hiểm nguy còn chực chờ lúc khai hoa nở nhụy. TS Lê Thị Thu Hà - BV Từ Dũ TP.HCM cho biết: “Thai phụ nặng cân, thành bụng dày, phần mềm vùng âm đạo và tầng sinh môn nhiều nên thường gặp các vấn đề khi chuyển dạ như: thành bụng dày khiến cho việc ước tính cân nặng thai nhi ít chính xác, nghe tim thai và theo dõi cơn gò khi vào chuyển sẽ khó khăn. Mặt khác, khi sinh ngả âm đạo, do phần mềm nhiều nên dễ bị rách, máu tụ, nhiễm trùng vết may tầng sinh môn. Mẹ nặng cân có nguy cơ cao bị tiểu đường, tiền sản giật, thai to, do vậy có khả năng tăng tỷ lệ mổ lấy thai”.

Nguy cơ vì mẹ bầu mập, con còi - 1
Cân nặng của mẹ bầu không đồng nghĩa với đủ dinh dưỡng mà
cơ thể bé cần. (ảnh minh họa)

Làm sao để thoát hiểm?

BMI (Body Mass Index) chính là chỉ số cơ thể được các bác sĩ và các chuyên gia sức khỏe sử dụng để xác định tình trạng cơ thể của một người nào đó có bị béo phì, thừa cân hay quá gầy hay không. BMI từ 23 - 24,9 là dư cân, từ 25 - 29,9 là béo phì độ I, BMI trên mức 30 là béo phì độ II. BMI trước khi mang thai càng lớn thì càng nguy hiểm khi mang thai. Điều đáng báo động là tỷ lệ thừa cân béo phì ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ đã lên đến 35,7%.

Nhiều thai phụ béo phì khi biết mình phải đối mặt nhiều nguy cơ lại nảy sinh ý định giảm cân. Nhưng, theo TS Trần Thị Minh Hạnh - PGĐ Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, thời gian mang thai tuyệt đối không nên giảm cân vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Vì vậy, cần thay đổi thói quen ăn uống bằng cách tránh xa những món “say đắm” và ăn theo thực đơn hướng dẫn của bác sĩ để thai nhi có đủ “chất nền” xây dựng cơ thể. Chẳng hạn như: không dùng thực phẩm quá béo, nếu ăn nên chọn chất béo chứa omega 3, không ăn các thực phẩm chứa nhiều năng lượng rỗng như: các loại bánh ngọt, nước ngọt có gas… Thay vào đó là dùng các loại trái cây, đạm động và thực vật. Nên đi khám thai và tuân thủ mọi yêu cầu của bác sĩ. Tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM tuy không khám thai nhưng vẫn tư vấn dinh dưỡng trong suốt thời kỳ bầu bí…

Theo Cát Tường (Phụ nữ Chủ nhật)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các bệnh khác khi mang thai