Nghe các mẹ năm châu kể chuyện đi đẻ

Ngày 29/07/2014 12:42 PM (GMT+7)

Dù đẻ thường hay đẻ mổ thì mỗi phụ nữ đều có một câu chuyện sinh nở vô cùng đặc biệt và ấn tượng.

Có lẽ trong đời mỗi người phụ nữ chắc chắn không ai có thể quên được chuyện sinh nở của mình. Có những người may mắn đau đẻ ít, trong khi sinh nở không gặp biến cố gì đặc biệt nhưng cũng có không ít chị em gặp phải ca sinh khó, ca sinh quá nhanh hoặc có những biến cố không thể lường trước được. Dưới đây là những câu chuyện đi đẻ ấn tượng nhất của các mẹ trên toàn thế giới.

Aderet Shatz – cả tháng sau sinh không được gần chồng

Nghe các mẹ năm châu kể chuyện đi đẻ - 1

Aderet Shatz, 24 tuổi, sinh sống tại Oranit – một khu định cư của người Israel. Chồng cô là Yehonatan, hai người đã có với nhau một con gái Noam, 18 tháng, và Rotem, 2 tháng tuổi. Yehonatan làm việc trong quân đội nên không thường xuyên ở nhà, trước đó cả tháng anh không được gặp vợ. Khi Aderet đau đẻ, anh đã không có mặt để đưa vợ đến bệnh viện. Sau khi nghe tin, Yehonatan vội nhờ xe đến bệnh viện nhưng vì Aderet đẻ khá nhanh nên anh đã không kịp đến bên vợ khi cô đau đẻ.

Theo truyền thống của người Do Thái, sau sinh nở, sản phụ không được để chồng động vào người và thậm chí không được nằm chung giường trong suốt 1 tháng đầu. Vì vậy mà từ trước sinh một tháng đến sau khi sinh nở Aderet không hề được ngủ cùng nhau, thậm chí còn bị hạn chế cả việc trò chuyện với nhau. Aderet đã tủi thân vô cùng.

Jean – không thể xuất viện vì không có tiền

Nghe các mẹ năm châu kể chuyện đi đẻ - 2

Jean, 31 tuổi, sống tại tỉnh Kasai-Oriental, Cộng hòa Dân chủ Congo với chồng và 4 đứa con hiện 11 tuổi, 8 tuổi, 6 tuổi và 5 ngày tuổi.

“Chồng tôi là công nhân trong khu đào mỏ kim cương và thường đi biền biệt cả năm. Anh ta thậm chí còn không biết năm sinh của các con. Tôi và 4 đứa con ở nhà không có tiền nên thường vay mượn mọi người để mua đồ ăn qua ngày vì vậy tôi cũng không thể tiết kiệm được tiền mà sinh con. Khi sinh bé Lorette tôi đến trung tâm y tế Cijiba, ca sinh nở an toàn nhưng tôi không có tiền để trả viện phí. Có lẽ mẹ con tôi sẽ nằm ở đây cho đến bao giờ bố bọn trẻ về thanh toán viện phí.”, Jean nói.

Rohima Begum – mang thai đôi vẫn đi bộ 8km để đi đẻ

Nghe các mẹ năm châu kể chuyện đi đẻ - 3

Rohima Begum, 35 tuổi, sống ở Sylhet, Bangladesh. Cô mới sinh đôi hai bé gái Shrishti và Mukta được 1 tuần tuổi.

 Rohima Begum kể: “Sau khi tôi nhận thấy những cơn đau đẻ đến, tôi vẫn cố gắng đi bộ 8km để đến bệnh viện ở Kakailseo. Tuy nhiên, khi đến tới bệnh viện thì tôi bị biến chứng nặng phải chuyển lên viện cao hơn. May mắn là tại đây các bác sĩ và y tá đã hộ trợ xe để đưa tôi đi, không thì tôi lại tiếp tục đi bộ khoảng 3 giờ nữa. May mắn là sau đó hai con đã chào đời khỏe mạnh.”

Yoko Inoue – bà đẻ như nữ hoàng

Nghe các mẹ năm châu kể chuyện đi đẻ - 4

Yoko Inoue, 38 tuổi, là một nhiếp ảnh gia. Cô sống với chồng, con trai Motoki, sáu tuổi và Keito, bốn tháng, ở Okayama, Nhật Bản.

Chia sẻ về ca sinh nở của mình, Yoko Inoue nói: “Tôi đi đẻ được chăm sóc như nữ hoàng. Khi tôi đau đẻ, chồng đã đưa đến bệnh viện và từ lúc này tôi được bác sĩ chăm lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ. Đặc biệt tôi không mất một đồng chi phí nào. Tôi được ở lại bệnh viện 5 ngày. Trong 5 ngày đó tôi không phải bế con mà các y tá hỗ trợ hết, tôi chỉ cần nhớ đến giờ cho con bú là được. Tôi thấy việc đi đẻ rất thoải mái, nhẹ nhàng.”

Esme Winterflood – đẻ được bác sĩ đến tận nhà chăm

Nghe các mẹ năm châu kể chuyện đi đẻ - 5

Esme Winterflood, 30 tuổi, là một chuyên gia trang điểm, sống tại Los Angeles với chồng Leo. Vợ chồng cô đã có một câu con trai Fred, 3 tháng tuổi.

“Trong suốt thời gian đau đẻ, tôi vẫn chơi nhạc cổ điển, phòng sinh của tôi còn có phòng tắm riêng, TV màn hình phẳng - tương đương với khách sạn 5 sao. Tôi được gây tê màng cứng nên không cảm thấy chút đau đớn nào. Tuy nhiên, sau sinh tôi có biến chứng nên phải ở lại viện 2 tuần, con trai tôi theo bố về nhà và được các bác sĩ đến tận nhà chăm sóc. Thật may mắn.”

Yai – dùng que tre để cắt dây rốn cho con

Nghe các mẹ năm châu kể chuyện đi đẻ - 6

Yai, 20 tuổi sống tại Salavan, Lào vừa mới sinh con được 6 tuần. Kể về ca sinh của mình, cô cho biết, trong lần sinh nở đầu tiên, cô đã dùng một que tre để cắt dây rốn cho con. Sau đó cả hai mẹ con đã bị nhiễm trùng. Khi được đưa đến bác sĩ, em bé bị nhiễm trùng nặng đã qua đời khi 2 tháng tuổi. Đến lần sinh này, Yai được cấp phát một bánh xà phòng một lưỡi dao vô trùng và dây kẹp rốn bởi Tổ chức Từ thiện, mặc dù Yai vẫn sinh ở nhà nhưng cả hai mẹ con đều an toàn, không bị nhiễm trùng nữa. 

Awen Clement – Chồng tự tay đỡ đẻ cho vợ

Nghe các mẹ năm châu kể chuyện đi đẻ - 7

Awen Clement, 34 tuổi, là một giáo viên tại Birmingham. Cô và chồng Steve đã có 4 đứa con.

“Trong 3 lần sinh đầu, tôi sinh ở bệnh viện nên phải làm theo mệnh lệnh của bác sĩ. Đến lần sinh thứ 4, tôi muốn làm tất cả mọi thứ theo ý mình và tôi đã chọn sinh tại nhà mà không cần sự hỗ trợ của nữ hộ sinh. 11 ngày sau ngày dự sinh, tôi đau đẻ. Nửa giờ sau khi nước ối bị phá vỡ, con tôi chào đời và chính chồng tôi đã tự tay đỡ đẻ cho tôi. Tôi tin rằng với bản năng làm mẹ, bạn sẽ làm chủ được ca sinh nở của mình mà không cần bác sĩ. Đó là trải nghiệm quá tuyệt vời.”, Awen nói.

Olga Lapshina – Chồng không được vào phòng sinh

Nghe các mẹ năm châu kể chuyện đi đẻ - 8

Olga Lapshina, 32 tuổi là một luật sư sống tại Moscow. Hiện cô đã có 2 con là Nikolai, 16 tháng, và Anna, 1 tuần tuổi.

“Tôi cũng như nhiều phụ nữ Nga khác thường không sinh con ở bệnh viện công mà sinh ở bệnh viện tư để được chăm sóc tốt hơn. Nói thật là bệnh viện tôi đẻ - Lapino – như khách sạn 5 sao. Và cũng giống như nhiều phụ nữ hiện đại, tôi chọn đẻ mổ từ đứa đầu tiên. Tôi thấy đẻ mổ rất nhẹ nhàng. Trong suốt ca sinh mổ, chồng tôi đứng bên ngoài phòng sinh. Tại Nga, hầu hết các ông chồng không có mặt trong ca đẻ của vợ, thậm chí nhiều bệnh viện công còn cấm điều này. Bệnh viện tư thì cho phép nhưng tôi nghĩ chính các ông chồng cũng không đủ dũng cảm để chứng kiến.”, Olga kể về ca sinh nở lần 2 của mình.

Floriane Larre – đẻ là phải gây tê màng cứng

Nghe các mẹ năm châu kể chuyện đi đẻ - 9

Floriane Larre đến từ Pháp, là một nhân viên ngân hàng và mới sinh con đầu lòng được 4 tuần.

Nói về ca sinh bé Méline, bà mẹ này chia sẻ, hầu hết phụ nữ Pháp khi sinh nở đều chọn đẻ không đau bằng cách gây tê ngoài màng cứng. Phương pháp này sẽ khiến các mẹ không phải chịu nhiều đau đớn. Vì phụ nữ Pháp không được hưởng quá nhiều ưu đãi khi sinh con nên tỷ lệ cho con bú mẹ trong 6 tháng đầu khá thấp bởi họ còn phải đi làm. Tỷ lệ này ở Pháp chỉ đạt 50% trong khi ở Anh là 74%.

Jenneh – đẻ rơi trên đường

Nghe các mẹ năm châu kể chuyện đi đẻ - 10

Jenneh mới chỉ 15 tuổi, sống cùng gia đình ở một ngôi làng bên ngoài Tenegar, Liberia. Cô đã có con gái đầu lòng Yealon được 1 tuần tuổi.

“Khi phát hiện mình mang thai, tôi đã vô cùng đau khổ nhưng tôi không dám bỏ con. Ngày trước khi con trai chào đời, tôi nhận thấy những cơn đau đẻ. Tôi đi bộ một tiếng rưỡi đến bệnh viện ở Tenegar nhưng ở đó không có ai cả vì là ngày cuối tuần. Tôi lại đi bộ về nhà. Trên đường đi tôi phải dừng lại bên đường vì đau không thể chịu nổi. Tôi đã vô cùng sợ hãi. May mắn là có một người phụ nữ đã từng làm bà đỡ đi qua, thấy tôi chuẩn bị sinh con, cô đã đứng lại để giúp và con tôi chào đời ngay trên nền đất cạnh đường. Tôi đã mất rất nhiều máu và sau đó đã được đưa đến một bệnh viện khác.”

Thái Nam (Theo Telegraph)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện đi đẻ