Nắng nóng chỉ khổ mẹ bầu

Ngày 20/05/2013 14:00 PM (GMT+7)

Với những chị em “đeo bao lô ngược” thì nắng nóng như cực hình.

Năm nay, nắng nóng đến sớm. Mới chỉ những ngày đầu tháng 5, chị em đã phải chiến đấu với cái nắng 36-38 độ C. Thời tiết này với những người bình thường đã khó chịu, với chị em bụng mang dạ chửa thì còn cực khổ hơn nhiều.  

Mẹ bầu khổ sở vì nắng nóng

Mới mang bầu tháng thứ 2 nhưng chị Duyên (Từ Liêm, Hà Nội) đã ngất xỉu đến 3 lần. Chỉ bảo: “Mình mới chỉ biết tin có bầu được 2 tuần nay nhưng thời gian này đúng vào đợt nắng nóng nên mệt vô cùng. Mình lại bị nghén nặng, không ăn uống được gì nên suốt ngày bị tụt huyết áp. Có những lúc còn ngất xỉu đi không biết gì nữa. Hôm qua, vừa ra đến chợ mua được mấy thứ thì mắt mình hoa lên, rồi chân tay bủn rủn, người toát mồ hôi… Lúc tỉnh dậy thì đã thấy nằm trên giường của một nhà gần chợ. Thật may là người ta tốt bụng cho mình nằm nhờ. Lúc đó mình đã rất sợ”.

“Ngay chiều qua, mình đã phải đi khám thai vì lo ảnh hưởng đến con. Gì mà nắng nóng hơn 1 tuần mình ngất xỉu 3 lần. Thật may là con yêu vẫn bình thường nhưng bác sĩ cũng khuyến cáo mình không đượ đi ra ngoài nhiều khi trời nóng vì nguy cơ bị tụt huyết áp là rất cao”.

Nắng nóng chỉ khổ mẹ bầu - 1
Nắng nóng khiến chị em bầu bí rất mệt mỏi. (ảnh minh họa)

Với tình hình nắng nóng này, những bà bầu mang thai giai đoạn cuối còn khổ hơn nhiều. Chị Minh Anh hiện đang mang bầu tháng thứ 8 chia sẻ: “Còn gần 2 tháng nữa mới đến thời gian nằm ổ nhưng em mệt mỏi lắm rồi. Để tránh nắng, buổi sáng em đã phải đi làm từ lúc 6h30. Đến tận 7h tối mới ló mặt về nhà. Bà bầu chân đã phù cộng với nắng nóng nên tình trạng này càng nặng nề hơn khiến em khó chịu lắm. Không chỉ có vậy, thời tiết nắng nóng còn làm em không thể ăn uống được gì ngoại trừ uống nước lạnh. Mặc dù rất lo ảnh hưởng đến con nhưng em chẳng biết làm cách nào cả”.

Khổ hơn cả là những bà bầu cần phải đi khám bệnh. Hình ảnh những bà bầu ngồi chờ dài đến lượt khám tại những bệnh viện lớn trông thật nhọc nhằn. Tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội, rất đông bà bầu phải tránh nóng ở những gốc cây to chờ đến lượt mình khám bệnh. Vì trong phòng chờ không đủ chỗ, hành lang thì nắng chiếu vào nóng nực. Chị Hương đang chờ khám tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ: “Mấy hôm nay, em thấy bụng đau ê ẩm. Đi khám ở bệnh viện huyện thì bác sĩ bảo thai nhi có nguy cơ bị nhiễm độc thai nghén do mẹ ăn uống không khoa học. Em nghi là do đợt vừa rồi nóng quá nên em uống nhiều nước lạnh. Em lên Hà Nội chiều hôm qua. Làm xong hồ sơ khám bệnh thì hết giờ. Sáng nay đã chờ đến 2 giờ rồi mà vẫn chưa đến lượt mình khám. Mang bầu mùa nắng nóng khổ thật. Hy vọng là con em không có vấn đề gì nghiêm trọng”.

Mẹ bầu phải làm gì để tránh nóng?

Nắng nóng kéo dài khiến chị em bầu không những mệt mỏi mà còn có nguy cơ mắc bệnh mất nước, cảm nắng… ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Để giảm các nguy cơ trên, chị em bầu cần lưu ý không để thân nhiệt lên quá cao và tìm những biện pháp tránh nóng phù hợp:

- Không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời từ 10-15 giờ chiều. Chị em không nên đi ra ngoài vào giờ nắng nóng lên cao điểm. Vì một lý do bất khả kháng phải đi ra ngoài, bà bầu cần sử dụng các loại trang phục bảo vệ như áo quần chống nắng, kính râm và đội mũ rộng vành.

Nắng nóng chỉ khổ mẹ bầu - 2
Khi đi ra ngoài, bà bầu cần sử dụng các loại trang phục bảo vệ như áo quần
chống nắng, kính râm và đội mũ rộng vành. (ảnh minh họa)

- Trang phục: Nên chọn những trang phục rộng, thoáng mát và có độ thấm hút mồ hôi tốt.

- Chế độ ăn uống: chị em cũng cần có chế độ ăn uống khoa học, hợp lý. Bà bầu nên lựa chọn những đồ ăn tươi, mát như các loại thịt nạc, trứng, đậu, rau xanh và hoa quả. Nhiều bà bầu có tâm lý, mùa hè kém ăn thì cố gắng thay đồ ăn bằng các loại hoa quả, hoặc ăn nhiều một bữa mà bỏ bê các bữa khác. Đây là chế độ dinh dưỡng thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa cũng như sức khỏe của mẹ và bé.

- Uống đủ nước là rất cần thiết trong cả thai kỳ đặc biệt trong những ngày nắng nóng này. Phụ nữ mang thai cần uống khoảng 2-3 lít nước mỗi ngày. Không nên để đến lúc khát mới uống.

- Giữ cơ thể luôn mát: Thai nhi luôn có nhiệt độ cao hơn chị em 1°C, vì vậy việc giữ mát cho cơ thể là rất cần thiết. Điều này còn quan trọng hơn cả trong quý thứ 1 thai kỳ vì lúc này  hệ thống các chức năng của cơ thể đang phát triển. Chứng thân nhiệt cao có thể liên quan tới các vấn đề về tim mạch, ảnh hưởng tới hệ thần kinh.

- Khi có dấu hiệu chóng mặt: Vào những ngày nắng nóng này, chị em bầu rất dễ bị tụt huyết áp. Khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, bà bầu cần ngồi hoặc nằm tại chỗ (tìm chỗ mát), uống nước mát và nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh.

Lưu ý: Khi nhận thấy những dưới đây bạn cần gọi ngay bác sĩ:

- Có nhiều hơn 5 cơn co thắt/giờ

- Ra máu ở âm đạo

- Nôn mửa thường xuyên

- Đau đầu nhiều

- Cảm nhận áp lực ở cổ tử cung rất mạnh.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chăm sóc bà bầu