Kể chuyện bầu bí tha hương

Ngày 13/04/2013 09:46 AM (GMT+7)

Chibi của bố mẹ sắp tròn 34 tuần, còn 3 tuần nữa là bạn bước qua mốc an toàn với thai nhi.

Mẹ biết bạn đã khó chịu với cái không gian nhỏ hẹp này lắm rồi, nhưng thương bố, thương mẹ, bạn phải cố gắng lên nhé.

Mỗi ngày đếm đủ 4 lần bạn nấc, thỉnh thoảng thấy bạn cựa mình, trồi cái mông tròn xoe  hay huých khuỷu tay, đá gót chân vào bụng mẹ vì khó chịu... mẹ lại thầm mong ngày ấy mau mau đến. Khi đó mẹ sẽ cắn vào má bạn một cái, tét vào mông bạn một cái cho chừa cái tội nghịch ngợm từ trong trứng, làm mẹ mệt mỏi, mất ngủ biết bao nhiêu đêm. Nhưng nỗi sợ hãi của mẹ cũng vì thế mà lớn dần, sợ mình có bế nổi sinh linh bé bỏng và mềm mại ấy không, sợ có làm xà phòng bay vào làm cay mắt khi tắm cho bạn không, sợ thiếu sữa, sợ trầm cảm sau sinh làm mẹ ghét và không muốn đến gần bạn… sợ đến cả chuyện cho bạn đi tiêm phòng. Lúc đó có khi mẹ khóc trước vì nhìn thấy mũi kim sắp đâm vào tay Chibi…

Kể chuyện bầu bí tha hương - 1
Mẹ đã rất hạnh phúc khi biết Chibi có mặt trên cuộc đời này. (ảnh minh họa)

Rồi mẹ bỗng nhớ lại cảm giác lần đầu tiên mẹ biết Chibi về với gia đình mình. Vừa mừng, vừa lo, đến nỗi bố Chibi cầm bát mỳ mà tay cũng run lên bần bật. Bình thường bố phải ăn sáng thật no rùi mới đi làm mà hôm ấy có nửa gói mỳ bố cũng ăn không hết. Mừng lắm chứ... Con cái là lộc trời cho mà. Nhìn xung quanh bao nhiêu cảnh hiếm muộn, mong chờ một đứa con mà thất bại hết lần này đến lần khác, bố mẹ thấy mình thật may mắn, trộm vía. Nhưng lo cũng không để đâu cho hết, lo vì công việc và nhà cửa của mình chưa thật ổn định, kế hoạch học hành dài hơi của mẹ vẫn còn chưa bắt đầu. Thời điểm ấy, mẹ cũng vẫn còn băn khoăn nhiều lắm về chuyện quay về Việt Nam với một công việc đầy hứa hẹn hay là ở lại Úc, sống yên bình, không bon chen nhưng con cái có điều kiện học hành và sinh sống tốt hơn?

Chưa từng nghĩ sẽ có Chibi sớm như vậy nên mẹ cũng khá bị động trong việc tìm kiếm thông tin về mang thai và sinh con ở Úc – điều mà mẹ đã từng nghĩ sẽ phải chuẩn bị kỹ càng trước khi có Chibi ít nhất 6 tháng. May mắn là có bác Trang – một trong những người bạn lớn của bố mẹ ở Melbourne giúp đỡ. Nếu không có sự nhiệt tình của bác, có lẽ chuyện đăng ký nhà cửa, bảo hiểm xã hội, đăng ký khám chữa bệnh của bố mẹ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Kể chuyện bầu bí tha hương - 2
Giờ đây, mọi suy nghĩ của mẹ đều liên quan đến Chibi. (ảnh minh họa)

Mẹ Chibi chỉ còn hơn 7 tuần nữa là nhảy ổ, cũng còn nhiều bỡ ngỡ nhưng cách làm việc và quan tâm đến tâm lý mẹ mang thai của các bà đỡ, bác sĩ bên này làm mình thực sự an tâm. Để giải quyết nỗi lo về quá trình vượt cạn, cách chăm sóc trẻ sơ sinh và nuôi con bằng sữa mẹ, cũng như các vấn đề khác của thai kỳ… các bà đỡ đăng ký cho hai vợ chồng mình một lớp học tiền sản. Sau khóa học, một buổi party sau sinh sẽ được tổ chức. Các ông bố bà mẹ lại mang con theo, kể lại chuyện sinh nở của mình và cùng trao đổi kinh nghiệm chăm sóc em bé.

Khi biết mình băn khoăn vấn đề có nên cho bố Chibi vào phòng sinh cùng mình không, bà đỡ cũng trao đổi thẳng thắn với bố Chibi: đến 90% đàn ông Úc theo vợ vào phòng sinh (10% còn lại là không có điều kiện về thời gian, hoặc đang đi công tác). Chứng kiến cảnh vợ vượt cạn, được thấy con chào đời, tự tay cắt rốn cho con.. sẽ khơi dậy tình yêu thương của bố với mẹ và con. Thế nên mọi người vẫn nói vui là: phụ nữ Úc chỉ có phận sự sinh ra và cho con bú. Còn tắm rửa, thay tã, địu con, ở nhà trông con cho vợ đi bar với bạn bè là việc của các ông bố. Sau lần nói chuyện ấy về, bố Chibi gật đầu cái rụp về vụ vượt cạn cùng vợ, dù mẹ Chibi có dọa: khéo lúc ấy, bố Chibi lăn đùng ra ngất xỉu thì các bác sĩ còn mệt hơn.

Giờ đây, mọi suy nghĩ của mẹ đều liên quan đến Chibi, nào là chuyện sắm đồ cho con, nào là chuyện đi đẻ, nào là chuyện cho con bú... Thôi mẹ sẽ không nghĩ gì nữa, chỉ mong sớm được gặp con yêu của mẹ thôi...

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu