Giúp mẹ bầu vượt qua ốm nghén

Ngày 20/06/2013 14:00 PM (GMT+7)

Đã từng có phụ nữ phải chọn bỏ thai vì không chịu đựng nổi tình trạng buồn nôn và nôn nhiều này!

Buồn nôn và nôn nhiều trong khi mang thai, đặc biệt là trong những tháng đầu tiên của thai kỳ là nỗi ám ảnh của rất nhiều chị em. Đã từng có phụ nữ phải chọn bỏ thai vì không chịu đựng nổi tình trạng buồn nôn và nôn nhiều này!

Nỗi khổ ốm nghén

Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Gadsby (Hoa Kỳ) đã ghi nhận có đến hơn 90% thai phụ có triệu chứng buồn nôn và nôn nhiều trong những tháng đầu của thai kỳ, trong đó có nhiều thai phụ nôn dữ dội đến mức làm sụt cân nhiều và dẫn đến những rối loạn cơ thể nghiêm trọng, còn được gọi là hội chứng nghén nặng (hyperemesis gravidarum). Hơn 50% thai phụ giảm nôn vào tuần lễ thứ 14. Tuy vậy, vẫn còn khoảng 10% thai phụ nôn sau khi thai đã 22 tuần, cá biệt một số thai phụ nôn cho đến tận ngày sinh!

Cơ chế gây nên hiện tượng buồn nôn và nôn nhiều trong thai kỳ chưa được hoàn toàn hiểu rõ, dù nhiều nhà khoa học đặt vấn đề về vai trò của Helicobacter pylori (là tác nhân dẫn đến bệnh lý viêm loét dạ dày). Có nhiều phương pháp khác nhau giúp làm giảm bớt tình trạng buồn nôn và nôn nhiều trong thai kỳ. Tuy nhiên, trước khi điều trị cần phải loại trừ những tình trạng bệnh lý cũng biểu hiện bằng triệu chứng buồn nôn và nôn nhiều như viêm dạ dày, viêm tuỵ hay viêm ruột thừa… để kịp thời điều trị.

Giúp mẹ bầu vượt qua ốm nghén - 1
 Vị gừng làm giảm hiệu quả cảm giác buồn nôn. (ảnh minh họa)

Gừng cay B6 xin đừng quên nhau

Biện pháp trước tiên là thay đổi chế độ ăn theo hướng chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Thai phụ không nên trộn chung thức ăn đặc và thức ăn lỏng, đồng thời cần tránh những thức ăn nhiều chất béo cũng như tránh thức uống lạnh hay quá ngọt. Ngoài ra, những thai phụ này cần tránh những gia vị nặng mùi dễ kích thích làm gia tăng tình trạng buồn nôn và nôn nhiều. Thai phụ nên ăn bất cứ thức ăn nào muốn ăn, vào bất cứ thời điểm nào thấy thèm ăn. Đặc biệt là thai phụ buồn nôn và nôn nhiều cần được nghỉ ngơi nhiều vì tình trạng mệt mỏi sẽ làm gia tăng mức độ của các triệu chứng nôn. Trong giai đoạn này, thai phụ rất cần được sự giúp đỡ và thông cảm nhiều hơn của người nhà, bạn bè và đồng nghiệp.

Ngoài ra, thai phụ có thể sử dụng các loại thực phẩm có tác dụng làm giảm buồn nôn như gừng. Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy gừng, uống ở dạng bột tinh chất (liều 1.000mg tinh bột khô mỗi ngày), dạng gia vị hay trà gừng, làm giảm rất hiệu quả tình trạng buồn nôn và nôn nhiều ở những thai phụ bị nghén nặng. Trong thực tế, gừng đã được sử dụng làm gia vị trong bữa ăn của nhiều nước từ hàng trăm năm nay. Hiện tại, nhiều hiệp hội sản phụ khoa uy tín như hiệp hội Sản phụ khoa Canada, Hoa Kỳ… đều khuyến khích sử dụng gừng để điều trị buồn nôn và nôn nhiều trong thai kỳ. Gừng giúp làm giảm co thắt cơ dạ dày và gia tăng hoạt động nhu động ruột, từ đó giảm tình trạng nôn. Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Wilkinson sử dụng gừng cho chuột lên đến 5.500mg/kg cân nặng (tương đương 275g tinh bột gừng khô liên tục mỗi ngày cho thai phụ 50kg) mới có thể có nguy cơ sẩy thai. Như vậy sử dụng gừng ở dạng tinh bột khô (viên thuốc) hay dạng trà hay gia vị trong thức ăn là tốt nhất. Với liều lượng hiện sử dụng, chưa thấy nguy cơ cho thai phụ và thai nhi.

Một biện pháp điều trị khác là uống vitamin B6 (Pyridoxine) nếu các biện pháp trên không hiệu quả. Trong thực tế, rất nhiều thai phụ đáp ứng tốt với vitamin B6 (uống 3 lần trong ngày). Vitamin B6 được đánh giá là thuốc chọn đầu tay trong điều trị. Trong tình huống vitamin B6 vẫn không hiệu quả nhiều, bác sĩ sản khoa có thể sử dụng các nhóm thuốc kháng histamine hay thuốc chống nôn.

Trước khi điều trị, cần loại trừ những bệnh lý thật sự có cùng biểu hiện buồn nôn và nôn nhiều, tránh để chậm trễ điều trị. Xử trí buồn nôn và nôn nhiều cho thai phụ cần sự quan tâm, động viên của gia đình và xã hội. Cần thay đổi chế độ ăn uống, nghỉ ngơi của thai phụ theo hướng gia tăng tình trạng thoải mái cho thai phụ. Sử dụng gừng như một loại gia vị trong bữa ăn hay ở dạng trà gừng, hoặc sử dụng các loại dược phẩm như vitamin B6. Các dược phẩm khác như thuốc chống nôn hay kháng histamin được sử dụng khi thai phụ vẫn không đáp ứng các biện pháp điều trị trên. Trong trường hợp vẫn buồn nôn và nôn nhiều sau những phương thức điều trị này, thai phụ cần nhập viện để điều trị tích cực với các biện pháp nuôi ăn qua đường tĩnh mạch.

Theo TS.BS Trần Sơn Thạch (SGTT)
Nguồn:

Tin bài cùng chủ đề Ốm nghén