Dịch đau mắt đỏ: Mẹ bầu phòng bệnh thế nào?

Ngày 07/09/2014 10:00 AM (GMT+7)

Hệ miễn dịch suy giảm khiến các mẹ bầu có nguy cơ cao mắc bệnh đau mắt đỏ trong mùa dịch bệnh.

Dịch đau mắt đỏ đang vào mùa khiến nhiều người lo lắng. Trong đó các bà bầu có nguy cơ mắc bệnh khá cao vì thời gian bầu bí, hệ miễn dịch suy giảm.

Sợ kháng sinh chữa sai cách

Chị Nguyễn Thùy Dung, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội, đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết: Chị bị đau mắt đỏ khi đang mang bầu được 3 tháng. Gia đình sợ uống thuốc ảnh hưởng đến thai nhi, chị Dung sử dụng biện pháp dân gian là sử dụng lá trầu không xông mắt. Mỗi ngày, chị lại đắp lá trầu không ngâm nước sôi ấm khoảng 15 phút.

Đắp được 5 hôm, triệu chứng sưng mắt càng nặng hơn. Không chỉ đỏ rực mắt, chị còn bị viêm kết mạc do đau mắt đỏ.

Chị Dung kể mỗi lần mắt cộm chị lấy lá trầu đắp. Ngay sau đó, cảm giác dễ chịu, đỡ cộm mắt. Nhưng chỉ được một lúc, mắt sẽ càng sưng, phù nề, đau nhức. Khi vào viện, bác sĩ cho biết bệnh đau mắt đỏ của chị biến chứng sang viêm kết mạc. Khi bị đau mắt, chị Dung không sử dụng thuốc nên bị vi khuẩn khác tấn công vào.

Còn chị Bùi Thị Hải Yến trú ở Kim Giang, Hà Nội đang mang bầu 5 tháng. Chị Hải Yến kể mình bị đau mắt đỏ cách đây 10 ngày. Khi đến bệnh viện, bác sĩ đã khám và kê đơn thuốc kháng sinh về nhỏ. Sau 5 ngày, chị điều trị đau mắt giảm hẳn. Nhưng ba ngày nay, triệu chứng cộm mắt lại xuất hiện. Chị Hải Yến vào Bệnh viện Mắt Trung ương khám, kết quả bác sĩ kê chị bị viêm mắt.

Bác sĩ lưu ý, sau khi chữa khỏi đau mắt đỏ, bà bầu thể trạng kém, miễn giảm dịch nên dễ bị các vi khuẩn khác tấn công gây viêm mắt.

Bác sĩ Nguyễn Thu Thủy, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết, Bệnh viện đã từng tiếp nhận trường hợp người bị đau mắt đỏ lai rai đến tận 2 tháng vì chữa bệnh bằng các cách dân gian như thổi gừng, xông lá trầu thay vì dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Do vậy, người bệnh không nên tự ý tra thuốc bừa bãi, bệnh không khỏi mà còn nặng lên. Ngoài ra, có trường hợp không phải bị đau mắt đỏ thông thường mà do vi khuẩn, viêm loét giác mạc thì nhỏ thuốc vào càng làm bệnh trở nên trầm trọng hơn, có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Dịch đau mắt đỏ: Mẹ bầu phòng bệnh thế nào? - 1
Một phụ nữ mang thai khám đau mắt đỏ ở BV Mắt Trung ương.

Bà bầu sử dụng được kháng sinh

Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, đau mắt đỏ đang bước vào đỉnh dịch nên số người mắc sẽ rất cao. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Phụ nữ mang thai cơ thể có sự giảm sút khả năng miễn dịch nên rất dễ bị lây bệnh. 

“Nhiễm virus trong thời kỳ thai nghén đều có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến thai. Tuy nhiên, với các trường hợp đau mắt đỏ, khả năng gây ảnh hưởng đến thai rất thấp”, BS Cương cho biết.  

Điều lo lắng nhất là bà bầu khi có triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ lại không đi khám bác sĩ mà tự ý dùng thuốc, khi đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Đối với những trường hợp đau mắt đỏ, viêm loét giác mạc, tắc mạch máu võng mạc... thì nên tránh hoặc hạn chế tối đa dùng thuốc đối với bệnh nhân đang có thai trong 3 tháng đầu. 

Trường hợp cần phải dùng thuốc thì nhất định phải đi khám bác sĩ để được kê đơn. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng của từng bệnh nhân, khi cái lợi nhiều hơn cái hại, bác sĩ sẽ kê đơn. Hiện nay, hai loại thuốc là Hylene và Toeyecin được chỉ định có thể sử dụng cho bà bầu. 

Để phòng bệnh đau mắt đỏ, bà bầu không nên đến nơi có người đang đau mắt đỏ, vì bệnh này rất dễ lây. Tránh tiếp xúc nơi đông người, sử dụng khẩu trang, kính râm che mắt, không dụi tay lên mắt.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai có thể sử dụng nước muối sinh lý, dù nước muối không có tác dụng điều trị đau mắt đỏ nhưng bà bầu có thể sử dụng nước muối sinh lý để rửa trôi mầm bệnh, rửa trôi chất tiết và gỉ mắt, làm êm dịu đôi mắt đang cộm rát khó chịu. Với người chưa mang bệnh thì sử dụng nước muối sinh lý có tác dụng rất tốt trong việc phòng ngừa đau mắt đỏ. 

Theo Khánh Ngọc (Infonet)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh dịch