"Chóng mặt" chăm bà đẻ xuyên biên giới

Ngày 08/08/2013 10:16 AM (GMT+7)

Để làm tròn trách nhiệm “bà nội, bà ngoại”, tôi phải “quay như chong chóng” với cách chăm bà đẻ ở mỗi nước.

Chuyện là thế này, tôi có hai đứa con nhưng chẳng đứa nào chịu sống cùng với bố mẹ ở trong nước. Đứa thì thích sống và làm việc ở nước ngoài, còn đứa con gái thì vì hoàn cảnh phải theo chồng. Thú thực là vợ chồng tôi không hề muốn sống xa các con một chút nào nhưng mình chỉ nuôi được chúng nó khi nhỏ chứ lớn lên rồi, mỗi đứa một sở thích riêng và những người làm cha mẹ như tôi chỉ biết “con đặt đâu bố mẹ ngồi đấy”. Nhưng chuyện tôi muốn nói ở đây là việc đi chăm chúng khi sinh nở. Tôi đã phải "chóng mặt" với việc thay đổi quan điểm chăm con ở cữ của mình từ cổ hủ sang hiện đại rồi lại về cổ hủ...

"Méo mặt" vì chăm con dâu Nga

Thằng con trai lớn của tôi du học ở Nga từ năm thứ 2 đại học. Sau khi tốt nghiệp, nó quyết định làm việc luôn ở đó cho dù bố mẹ đã khuyên hết lời. Thậm chí, chồng tôi còn xin cho nó hẳn một công việc nhà nước rất ổn định mà thu nhập cũng chẳng thua kém ai, ấy thế mà nó vẫn nằng nặc lắc đầu. Thế là vợ chồng tôi đành thuận theo ý con.

Mùa hè năm đó, con trai tôi dẫn về một cô gái mắt xanh, tóc vàng hoe. Con trai chỉ thông báo với chúng tôi trước đó 1 tuần để chuẩn bị nhà cửa. Trong bữa cơm đầu tiên với “cô gái lạ”, con tôi đã dõng dạc giới thiệu đó là người yêu của nó và bọn chúng dự định cuối năm sẽ kết hôn. Cả tôi và chồng chỉ biết mắt tròn, mặt dẹt nhìn nhau. Vì đã có định kiến ngay từ đầu nên tôi kịch liệt phản đối. Thế nhưng trong khoảng 10 ngày ở cùng, tôi nhận thấy rất nhiều điểm hay ho từ cô con dâu tương lai kia. Vậy là tôi quyết định cho chúng làm đám cưới.

quot;Chóng mặtquot; chăm bà đẻ xuyên biên giới - 1
Tôi và con dâu Nga đã nhiều lần bất hòa vì quan niệm ở cữ sau sinh. (ảnh minh họa)

Vì công việc của con trai tôi đang khá thuận lợi bên Nga nên vợ chồng nó sinh sống luôn ở đó. 1 năm sau đám cưới, chúng có con. Vì ông bà ngoại  bên Nga vẫn phải đi làm nên tôi được “triệu tập” sang chăm sóc con dâu đẻ. Cũng vì chuyện này mà mẹ con tôi đã suýt “không nhìn mặt nhau”. Dù tôi chưa từng chăm sóc người đẻ nhưng kinh nghiệm từ ông bà truyền dậy và qua hai lần sinh nở cũng kha khá. Thế mà khi sang chăm con dâu Nga sinh cháu đầu lòng, tôi chẳng áp dụng được gì.

Kiêng sau sinh = chẳng kiêng gì

Con dâu tôi đẻ thường, đẻ xong tầm hai giờ nó đã mang đồ đi tắm. Tôi gọi phắt lại bảo sao lại tắm, ít nhất thì cũng phải kiêng cữ 1-2 tuần chứ. Thế nhưng khi nó chưa kịp nói gì thì y tá đứng cạnh đó đã bảo kiêng tắm thế để gây bệnh cho cả hai mẹ con à. Nó mỉm cười bước vào nhà tắm trong sự bực bội của tôi.

Dù mới đẻ, nhưng con dâu tôi chẳng kiêng cữ gì. Nó vẫn làm việc bình thường từ giặt đồ cho con, nấu cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Tôi sang chăm bà đẻ mà “sướng như tiên”, mặc dù trong lòng có hơi bực tức vì con dâu luôn trái ý tôi. Có vẻ như con dâu cũng nhận ra điều đó nên luôn cố gắng lấy lòng mẹ chồng. Thấy tôi vẫn khá căng thẳng, nó còn nhờ chồng nói vào. Theo như vợ chồng nó thì ở bên Nga người ta không kiêng cữ sau sinh như ở Việt Nam. Sinh nở cũng chỉ như một cuộc phẫu thuật, miễn là không nên làm việc quá sức thôi.

Chăm con: Tự lập từ khi lọt lòng

Chỉ 1 ngày sau đẻ, vợ chồng nó quyết định xuất viện. Nói thật là tôi chẳng lo cho con dâu lắm vì nó khỏe thế mà, nhưng tôi lo cho thằng bé con đang còn đỏ hỏn. Thế mà vợ chồng chúng chẳng che quấn như bên nước mình, chúng mặc bộ quần áo liền chân tay cho thằng bé rồi đặt nó vào một cái nôi và xách ra xe về nhà. Tôi nhìn mà hoảng quá. Vế đến nhà, tôi ôm riết lấy thằng bé vì nghĩ con dâu quá ẩu đoảng. Thế nhưng được đến ngày thứ 3 thì chúng cho thằng bé con ngủ riêng. Dù can ngăn thế nào cũng không được nên nhiều đêm, thấy thằng bé ọ ẹ khóc, tôi đã lén vào phòng để bế nựng nó. Một hôm, con dâu tôi đã nói chuyện thẳng với tôi ngỏ ý không muốn tôi chiều chuộng thằng bé kiểu đó. Tôi tá hỏa, hóa ra con dâu đều theo dõi nhất cử nhất động của thằng bé, chỉ có điều con dâu không ra mặt, để tập cho bé cách tự lập. Tôi bực lắm nhưng biết làm thế nào, vì tôi đang ở nước ngoài mà.

Phải công nhận là 1 tháng sau đẻ, con dâu tôi khỏe như bình thường, đặc biệt là thằng cháu nội tôi, rất cứng cáp. Mới được 1 tháng mà bé đã có thể lật và hớt chuyện. Thật tuyệt vời. Tôi chỉ ở với chúng một tháng nhưng đã đúc rút cho mình khá nhiều kinh nghiệm đặc biệt là cách chăm bà đẻ “rất thoáng”.

"Hết hơi" với gái đẻ lai Hàn

Sau con dâu, đến lượt tôi đi chăm con gái đẻ. Con gái tôi làm quản lý ở một công ty Hàn Quốc tại Việt Nam. Những tưởng, mất con trai nhưng tôi sẽ có được chàng rể hiền ở cùng bố mẹ vợ, nên tôi mới đồng ý cho chúng làm đám cưới. Ai dè, vừa cưới xong, con gái tôi bị “triệu tập” về sống cùng bố mẹ chồng. Chồng nó thì vẫn đi đi, về về Việt Nam – Hàn Quốc nhưng riêng con gái tôi, một năm mới được về thăm bố mẹ một lần.

quot;Chóng mặtquot; chăm bà đẻ xuyên biên giới - 2
Bà thông gia Hàn Quốc bắt con gái tôi kiêng khem rất khổ sở. (ảnh minh họa)

Đến ngày sinh nở, nó tha thiết mong tôi sang chăm vì “sợ mẹ chồng”. Lần này, kinh nghiệm chăm bà đẻ của tôi rất dầy dạn. Tôi quyết định sẽ chăm con gái theo kiểu hiện đại như cô con dâu Nga của tôi để đỡ "mệt mẹ, hại con". Thế nhưng quá buồn là một lần nữa, kiến thức của tôi không được áp dụng.

Kiêng sau sinh: Quá cổ hủ

Vốn là gia đình nhà chồng con gái tôi ở tỉnh lẻ nên quan điểm ở cữ khá cổ hủ, chẳng kém quan niệm của bố mẹ tôi ngày xưa. Đẻ xong, con gái tôi phải kiêng tắm gội đúng 2 tuần. Cũng may là nó sinh vào mùa lạnh chứ không thì chắc thành mắm luôn. Sợ nhất là chuyện ăn uống sau sinh. Tôi hoàn toàn không được can thiệp vào các bữa ăn của con gái. Tất cả bữa ăn của nó đều được mẹ chồng chuẩn bị cho. Bà mẹ chồng Hàn Quốc cho con gái tôi ăn uống rất “khổ sở”, chỉ có cơm trắng, canh rong biển và thịt bò kho. Nhiều lúc tôi ngỏ ý muốn cho con uống thêm một ly nước cam hay ăn bát cháo móng giò để nhiều sữa, bà cùng lắc đầu lia lịa. Khổ nữa là sự bất đồng ngôn ngữ khiến việc giao tiếp, chia sẻ của chúng tôi rất khó.

Chăm con: Con không rời mẹ

Chăm con gái một tháng, tôi sút liền 3kg vì quá vất vả với việc giặt đồ đạc, lau nhà cửa và thức đêm bế cháu. Không giống như thằng cháu nội bên Nga tự lập ngủ riêng ngay từ nhỏ, thằng cháu ngoại của tôi được chăm bẵm từng li từng tí. Tôi chỉ cần thay bỉm không đúng quy trình cho nó là bà thông gia Hàn Quốc đã quắc mắt. Bà còn bắt con gái tôi cho con bú liên tục và không được cho bé ăn sữa ngoài ngay từ khi vừa lọt lòng mẹ. Lúc vừa sinh, con tôi chưa có sữa nhưng bà đã bắt cho bé bú ngay, bú liên tục. Cũng nhờ cách đó mà sữa mau về.

Tuy nhiên, tôi luôn cảm thấy áp lực vô cùng khi sống với gia đình thông gia. Mặc dù người bên đó rất thoải mái nhưng cách chăm bẵm bà đẻ và trẻ sơ sinh khiến tôi “ngột ngạt”. Nhưng nhờ có việc kiêng cữ cẩn thận và được bú mẹ hoàn toàn trong 1 năm đầu đời thế  mà thằng cháu ngoại tôi rất khỏe và chẳng mấy khi ốm vặt. Hết một tháng ở cùng con gái, tôi lấy đủ mọi lý do để xin “cáo từ” nước bạn. Tôi cũng khuyên con gái phải khéo léo để sớm xin về Việt Nam sinh sống, chứ ở đó ngột ngạt quá. Nếu nó có sinh đứa thứ 2, chắc tôi không đủ “can đảm” để sang đó nữa.

Thế nhưng có lẽ lấy chồng phải theo chồng. Mấy năm sau, con rể tôi xin chuyển công tác về hẳn Hàn Quốc. Chúng mua nhà và về Seoul sống. Dù vẫn sống cùng bố mẹ chồng nhưng có lẽ được sống ở một thành phố hiện đại hơn nên quan niệm kiêng cữ và mối quan hệ mẹ chồng Hàn Quốc với con dâu cũng tiến bộ hơn hẳn. Bằng chứng là đến khi nó sinh lần 2 thì chuyện kiêng cữ cũng không còn khắc nghiệt như lần đầu nữa.

Chuyện chăm bà đẻ xuyên biên giới của tôi là thế đấy. Tôi nhận ra rằng ở mỗi quốc gia, vùng miền, quan niệm kiêng cữ lại khác nhau và tôi có nghĩa vụ "đi đâu phải theo đấy". Điều quan trọng là, theo văn hóa, lối sống dù có kiêng cữ khi sinh nở hay không và cách chăm con thế nào thì các con và cháu tôi đều rất khỏe mạnh và phát triển tốt. Bây giờ, mỗi năm chúng đều tụ họp về Việt Nam một lần để gia đình có dịp quây quần. Mỗi lần như thế, tôi đều kể lại chuyện bỡ ngỡ đi làm “osin” cho chúng khi sinh con và gia đình không ngớt tiếng cười.  

Chia sẻ của bác Dương Trang (Đống Đa, Hà Nội)

Thái Nam ghi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu