Cảnh báo nguy hiểm khi mẹ bầu tập luyện

Ngày 18/08/2013 05:00 AM (GMT+7)

Tập thể dục quá sức, không đúng kỹ thuật khi bầu bí có thể dẫn đến hàng loạt cảnh báo nguy hiểm như chảy máu âm đạo, ngất xỉu, buồn nôn...

Theo tiến sĩ Anita Green, bác sĩ thể thao và phát ngôn viên Tổ chức Y học Thể thao Australia, bà bầu nên tập thể dục hoặc tham gia các hoạt động thể chất ở 1 mức độ nhất định trong suốt thai kỳ. Việc luyện tập thân thể giúp thai phụ duy trì được cân nặng hợp lý, cải thiện tâm trạng, giảm táo bón, duy trì sức khỏe, ngăn ngừa chứng tiểu đường thai kỳ và giúp quá trình vượt cạn diễn ra nhanh chóng, dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, mẹ bầu nên biết rằng, cũng như tất cả các hoạt động khác, tập thể dục dù trước hay trong thai kỳ cũng không được gắng sức và phải tập luyện đúng cách với các bài tập phù hợp thể chất, nếu không sẽ đưa đến nhiều hậu quả khó lường cho sức khỏe. Cơ thể sẽ có những cảnh báo trước nhiều nguy cơ nếu tập quá mức hoặc tập luyện sai phương pháp mà các mẹ bầu yêu thể thao và năng vận động cần lưu ý để dừng việc tập luyện cũng như đến bác sĩ để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Cảnh báo nguy hiểm khi mẹ bầu tập luyện - 1
Tập thể dục khi bầu bí mang lại nhiều lợi ích cho bà bầu và thai nhi, nhưng với điều kiện cần được tập luyện đúng cách và không quá gắng sức (hình minh họa)

- Buồn nôn. Hãy dừng ngay hoạt động tập luyện của bạn, dù có nhẹ nhàng đến đâu nếu cảm thấy buồn nôn trong quá trình luyện tập. Buồn nôn xảy ra khi cơ thể vận động quá mức làm sản sinh axit lactic trong dạ dày, hoặc do bạn bị huyết áp thấp, hay lượng đường trong máu bị hạ xuống. Nếu sau nghỉ ngơi, nhiệt độ cơ thể đã giảm mà bà bầu vẫn còn buồn nôn thì không còn lý do gì để không gặp bác sĩ.

- Chóng mặt. Chóng mặt trong hoặc sau luyện tập có thể là nguyên nhân của sự tăng đột ngột lượng hormone làm giãn nở các thành mạch máu. Tuy nhiên, nếu chóng mặt trong 1 thời gian dài, kèm đau đầu, tim đập nhanh, hay chóng mặt dai dẳng kết hợp mắt bị mờ thì có thể đây là cảnh báo cho việc cơ thể bạn đang thiếu máu nặng hoặc các bệnh tật nghiêm trọng khác ảnh hưởng đến thai nhi. Ngay lúc đó, nên dừng việc tập luyện, dành thời gian nghỉ ngơi và hỏi ý kiến bác sĩ.

Cảnh báo nguy hiểm khi mẹ bầu tập luyện - 2
Chóng mặt khi tập luyện hay vận động thân thể có thể là cảnh báo của tình trạng thiếu sắt nghiêm trọng ở bà bầu (hình minh họa)

- Nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột. Trong thời gian luyện tập thể thao, nếu cảm thấy tay hay cả người đột nhiên chuyển lạnh hay nóng bừng bừng, thì nguyên nhân chính là do cơ thể bạn không kịp điều chỉnh nhiệt độ bên trong. Khi cơ thể quá nóng, dòng máu chảy vào tử cung sẽ bị chuyển hướng đến da giúp hạ thân nhiệt, và hậu quả là thai nhi không được cung cấp đủ máu và dưỡng chất. Do đó, nếu nhiệt độ cơ thể tiếp tục biến động, hãy nghỉ ngơi và tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa để có những hướng điều trị kịp thời.

- Tim đập nhanh. Tim đập liên hồi, đổ mồ hôi quá nhiều khi tập luyện là dấu hiệu cảnh báo bạn đang tập luyện quá sức của mình. Điều này sẽ càng nguy hiểm hơn nếu sau khi nghỉ ngơi, nhiệt độ cơ thể đã ổn định mà tim  bạn vẫn đập nhanh như khi đang vận động.

- Bất tỉnh. Không được chủ quan nếu bạn bị ngất xỉu trong khi luyện tập, vì cơ thể đang cảnh báo bạn bị mất nước, hoặc nghiêm trọng hơn là tuần hoàn máu gặp vấn đề, dẫn đến não không đủ oxy, huyết áp và lượng đường trong máu giảm mạnh. Một khi bạn lâm vào tình trạng này, em bé của bạn cũng sẽ bị các vấn đề tương tự, do đó cần được cấp cứu ngay lập tức để bảo vệ sức khỏe của 2 cả mẹ con.

Cảnh báo nguy hiểm khi mẹ bầu tập luyện - 3
Bà bầu bị ngất xỉu khi đang tập thể dục cần phải được cấp cứu nhanh chóng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của thai nhi (hình minh họa)

- Sưng tay chân. Bàn chân hay tay của bà bầu có thể bị phồng lên đôi chút sau khi luyện tập, nhưng nếu nhận thấy các bắp chân đau và sưng to thì đây có thể là triệu chứng cảnh báo của tình trạng viêm tắc tĩnh mạch, 1 loại viêm tĩnh mạch liên quan đến chứng máu đóng cục. Và cần phải sớm liên hệ với bác sĩ sản khoa nếu tay hay chân vẫn bị sưng dù bạn đã ngưng tập từ hơn 1 giờ trước đó.

- Đau nhói ở ngực và bụng. Tình trạng này có thể là do dây chằng bị kéo căng trong quá trình luyện tập, nhưng cũng có khi là cảnh báo nguy hiểm nếu những cơn đau tái phát thường xuyên trong thời gian dài. Việc đến bệnh viện để được thăm khám và can thiệp ngay lập tức là cần thiết để không ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.

- Âm đạo rò rỉ chất lỏng. Nhiều thai phụ bị nhầm lẫn giữa chất dịch rò rỉ ở âm đạo với nước tiểu bị thoát ra do căng thẳng hoặc mất kiểm soát khi tập thể dục. Tuy nhiên, tình trạng chất lỏng bị rò rỉ ở âm đạo có thể cảnh báo bạn nhiều dấu hiệu nguy hiểm, như tình trạng nước ối trong tử cung bị thoát ra ngoài tạo điều kiện nhiễm khuẩn thai nhi và thai phụ, hoặc vỡ ối dẫn đến sinh non …Vì vậy, hãy liên hệ sớm với bác sĩ để được tư vấn và thăm khám. Nếu đơn giản là do vùng chậu bị yếu làm rò nước tiểu, bạn sẽ được hướng dẫn các bài tập riêng dành cho vùng sàn chậu để ngăn chặn tình trạng này.

Cảnh báo nguy hiểm khi mẹ bầu tập luyện - 4
Cần phải đến bác sĩ ngay nếu bạn bị rò rỉ chất lỏng ở âm đạo khi tập luyện, vì có thể đây là dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo việc thoát nước ối dẫn đến nhiễm trùng trầm trọng cho bé (hình minh họa)

- Mờ mắt. Mờ mắt giữa lúc tập luyện có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang bị mất nước trầm trọng, giảm huyết áp và tim bạn đang phải làm việc quá sức. Hậu quả là lượng máu không đủ cung cấp và đáp ứng cho việc phát triển các cơ quan quan trọng của thai nhi. Cũng nên thận trọng khi bị mờ mắt, dù có đang tập luyện hay không, vì đây có thể là 1 trong những dấu hiệu nguy hiểm của chứng tiền sản giật làm hạn chế lưu lượng máu đến nhau thai, gây hại cho sự phát triển cũng như tính mạng của thai nhi.

- Chảy máu âm đạo. Dù có hay không tập luyện thể dục, việc bà bầu bị chảy máu bất cứ trong thời gian nào của thai kỳ đều rất nguy hiểm và cần được chuẩn đoán, điều trị sớm. Nếu trong quá trình tập thể thao mà bạn bị chảy máu ở những tháng đầu thai nghén, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo sẩy thai. Trong các tháng còn lại của thời gian mang thai, chảy máu âm đạo khi tập luyện có thể là báo hiệu liên quan đến việc sinh non, hoặc các biến chứng xảy ra với lá nhau như nhau tiền đạo hay nhau bong non.

Tóm lại, tập luyện khi bầu bí là hết sức cần thiết cho sức khỏe của 2 mẹ con, nhưng trước khi chọn 1 bài tập hay môn thể thao nào trong suốt thai kỳ, thai phụ cần phải đảm bảo các bài tập này đã được tham khảo và được sự đồng ý của bác sĩ sản khoa, đồng thời phải tập luyện đúng phương pháp và không gắng sức để tránh các rủi ro có thể xảy ra.

Cảnh báo nguy hiểm khi mẹ bầu tập luyện - 5
Tránh để cơ thể quá nóng, bổ sung nước đầy đủ là 1 trong nhiều lời khuyên hữu ích để bà bầu đảm bảo giữ dáng đẹp, khỏe mạnh mà vẫn an toàn trong suốt quá trình tập thể dục (hình minh họa)

Cũng có 1 số lưu ý dành cho bà bầu siêng tập thể dục để bảo vệ bản thân và thai nhi an toàn hơn, đó là trong quá trình tập luyện, chị em cần tránh để cơ thể quá nóng; theo dõi nhịp tim thường xuyên với thời gian luyện tập ở mức trung bình là dưới 45 phút/ngày; tránh nằm ngửa trong 13 tuần đầu; tránh các chấn thương bằng cách giảm các hoạt động mạnh như nhảy, thay đổi tư thế liên tục hoặc căng cơ quá mức trong các tuần đầu, từ tháng thứ 4 trở đi không cúi xuống hoặc đứng lên đột ngột; cẩn thận để tránh bị té ngã …

Phạm Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Tập luyện trong thai kì