Bầu bí, đừng mơ eo thon làm gì!

Ngày 20/08/2014 14:39 PM (GMT+7)

Tôi đã dành một thập kỷ ăn kiêng và hoạt động thể chất để giữ eo nhưng từ ngày mang thai quan điểm của tôi thay đổi hoàn toàn.

Chia sẻ của mẹ bầu Jess Fenn về cân nặng trước và trong khi mang thai cũng là nỗi niềm của rất nhiều bà mẹ trẻ khác. Biết đâu bạn cũng đang gặp phải vấn đề như mẹ Jess Fenn đã từng trải qua. Và thông điệp mà bà mẹ này muốn gửi đến tất cả các mẹ là đừng vì quá quan tâm đến vóc dáng mà làm ngơ thiên chức làm mẹ, có thể đó chính là lý do khiến mẹ chưa thể mang bầu và thai kỳ của bạn không được hoàn hảo.

Xin trích dẫn câu chuyên mang thai rất thú vị của bà mẹ trẻ này:

“Trong những tháng cuối thai kỳ, tôi tăng đến 16kg nhưng dù có sau sinh tôi cũng không có ý định giảm số cân nặng này hoặc có chăng là chỉ giảm một nửa – đó là số cân nặng của con và nước ối bởi chính cân nặng đã giúp tôi có con và có thai kỳ hoàn hảo.

Hồi trước khi có thai, tôi là một người rất quan trọng ngoại hình, vóc dáng. Hàng ngày tôi chăm chỉ tập thể thao, ăn kiêng hết mức có thể để không tăng cân. Thậm chí tôi vô cùng nghiêm khắc với bản thân mình, không cho phép mình ăn nhiều, kể cả một miếng bánh ngọt. Tôi thực hiện chế độ tập luyện và ăn uống nghiêm ngặt như thế từ 10 năm trước và kết quả là tôi có một thân hình mỏng khiến bất cứ ai cũng phải mơ ước. 10 năm sau đó, tôi gặp và kết hôn với một người đàn ông mà tôi vô cùng yêu thương. Ngay sau khi cưới, chúng tôi đã có ý định có con, có một gia đình nhỏ và mọi chuyện về cân nặng bắt đầu từ đây…

Bầu bí, đừng mơ eo thon làm gì! - 1
Mẹ Jess Fenn khi mang bầu

Tôi đã “thả” ngay sau ngày cưới nhưng 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 6 tháng mà vẫn chẳng thấy có gì đặc biệt. Tôi bắt đầu lo lắng. Khi đó gia đình tôi lại mới chuyển đến sinh sống ở một đất nước mới nên tôi chưa quen được nhiều người, đặc biệt là y bác sĩ. Tôi đành nghiên cứu trên mạng internet và biết rằng cân nặng có thể khiến việc thụ thai thêm khó khăn.

Thời điểm đó tôi cao 1,69m và nặng 55kg. Chỉ số MBI của tôi là 19 – mức thấp nhất trong hạn mức cho phép. Thời gian trước đó, chỉ số MBI của tôi còn chỉ đạt có 17. Nghiên cứu mà tôi đọc được cho hay, phụ nữ có chỉ số BMI từ 14-18 thì cơ hội thành công khi thụ tinh ống nghiệm sẽ là 34%, nếu BMI bằng 19-28 thì cơ hội này tăng 50%. Tôi tuy không áp dụng phương pháp thụ tinh ống nghiệm nhưng như thế cũng đồng nghĩa rằng cơ hội thụ thai thường cũng giảm nếu tôi quá gầy.

Vì mong có con, tôi bắt đầu ngừng ăn kiêng, đi dạo mỗi ngày thay vì tập thể thao cường độ cao và ăn bất cứ thứ gì mình muốn từ bánh ngọt tươi, pho mát, sữa có đường đến thịt bò, gà, bánh mỳ, trái cây… tất cả những thứ tôi thích. 6 tháng sau, tôi tăng lên được 12kg, tôi vui mừng lắm và bạn bè thì ai cũng khen tôi nhìn xinh đẹp hơn hẳn.

Sau đó không lâu tôi thụ thai. Tuy nhiên lại một lần nữa vấn đề cân nặng làm tôi đau đầu. Vì sợ sẽ trở thành bà bầu xấu xí nên tôi bắt đầu “kiêng mồm kiêng miệng” từ khi thai kỳ được 10 tuần. Những tháng đầu mang thai, có lẽ do cơ thể vẫn khỏe mạnh nên tôi thấy bình thường. Khi đó tôi đã quyết tâm chỉ tăng 4-5 kg trong thai kỳ vì trước đó tôi đã tăng 12kg rồi. Đến tháng thứ 6 đi khám thai, bác sĩ đã mắng tôi tại sao lại không muốn tăng cân, cân nặng của con tôi thì thấp hơn nhiều so với chuẩn. Khi biết tôi ăn kiêng cả khi mang thai, bác sĩ đã mắng và nói điều này rất nguy hại cho con. Một lần nữa tôi lại bắt tay vào chiến dịch ăn uống. Tôi tiếp tục tăng cân ở những tháng tiếp theo và cân nặng của con cũng tăng theo. Đến tháng thứ 8, khi đi khám thai lại, bác sĩ nói con tôi đã phát triển đúng chuẩn. Tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

Hai lần gặp rắc rối về cân nặng tôi nhận ra rằng đã xác định làm mẹ thì đừng quan tâm quá nhiều đến nhan sắc nữa. Hãy hy sinh một chút vì con có sao đâu. Sau sinh, tôi cũng sẽ không có kế hoạch giảm cân để đảm bảo đủ lượng sữa cho con bú. Hy vọng những gì tôi đã trải qua có thể giúp các mẹ có cùng hoàn cảnh phần nào. Hãy đừng để cơ thể quá gầy nếu muốn làm mẹ và muốn tốt cho con!”

Hạnh Nguyên (Lược dịch)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan